Vấn đề cải cách thể chế đã được đặt ra từ nhiều năm nay; thời gian gần đây lại được nhắc đến với ý nghĩa đây là một vấn đề bức xúc, đang được dư luận xã hội đòi hỏi đẩy mạnh thực hiện, khi công cuộc phát triển đất nước và hội nhập quốc tế cần những động lực mới. Đầu tháng 5 vừa qua, việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan dầu khí HD 981 trên vùng thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của nước ta cũng đặt ra những vấn đề cần xem xét về thể chế. Tình hình mới của đất nước chính là thời cơ để đẩy mạnh cải cách thể chế, nhằm tăng cường nội lực, đủ mạnh để chủ động đối phó với những bất trắc có thể xảy ra. Bài này xin được trao đổi một số ý kiến về những vấn đề cần được quan tâm, từ thực tiễn nước ta hiện nay.
Về quan điểm phát triển
Đường lối, quan điểm xây dựng, phát triển đất nước luôn luôn là vấn đề cốt lõi quyết định sự thành, bại của công cuộc phát triển, để đất nước tiến nhanh, bền vững, hội nhập quốc tế thành công. Đường lối, quan điểm là cơ sở quyết định các chủ trương, chính sách, hình thành các thể chế, từ chính trị, kinh tế đến văn hóa, xã hội mà quan trọng nhất là thể chế chính trị. Trong xã hội chúng ta ngày nay, mục tiêu cao nhất của thể chế phải là phát huy quyền làm chủ của dân và sự phát triển bền vững của đất nước. Mấy chục năm trước đây, nhờ đường lối đúng đắn với thể chế phù hợp, chúng ta đã giành được những thắng lợi rực rỡ, có ý nghĩa lịch sử trong sự nghiệp giải phóng đất nước và những thành tựu rất quan trọng trong công cuộc đổi mới.
Tuy nhiên, cũng cần thẳng thắn nhận định rằng do còn những nhận thức chưa nhất quán về đường lối, quan điểm lý luận, ảnh hưởng không nhỏ đến yêu cầu chuyển đổi mô hình phát triển, cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao chất lượng tăng trưởng. Nhiều nhà nghiên cứu, nhà quản lý đã đề cập những vấn đề như: nội hàm của kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (có vị bộ trưởng cho rằng “làm gì có cái thứ đó mà đi tìm” và “đã 30 năm nay, đây vẫn là câu hỏi chưa có câu trả lời” – theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn, số 18-2014, ngày 1-5-2014); về vai trò của Nhà nước trong nền kinh tế thị trường (như Nhà nước cai trị hay Nhà nước kiến tạo phát triển; đầu tư bằng vốn nhà nước đến mức nào, vào những lĩnh vực nào); về vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước; về vai trò của doanh nghiệp nhà nước (có ý kiến xác định đây là những “quả đấm thép” để Nhà nước điều tiết nền kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô); về vị trí, vai trò của kinh tế tư nhân; về vai trò của các tổ chức xã hội (như một vị nguyên bộ trưởng phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế mùa Xuân 2014 – theo VnEconomy ngày 14-5-2014); về quan hệ đối ngoại (nhất là khi Trung Quốc gây hấn ở Biển Đông, uy hiếp nước ta); về cải cách hành chính (đã được đặt ra từ năm 1994 bằng Nghị quyết 38-CP ngày 4-5-1994 của Chính phủ và tiếp theo là hai Chương trình tổng thể 2001-2010 và 2011-2020, trong đó cải cách thủ tục hành chính được coi là khâu đột phá), v.v… Những vấn đề trên và nhiều vấn đề khác nữa thường được coi là “nhạy cảm”, nên tránh né, không thảo luận, tranh luận, do vậy trong thực tế đã gây ra trở ngại, do dự khi xây dựng hệ thống thể chế, dễ bị các nhóm lợi ích tác động trục lợi, đồng thời cũng là chỗ dựa cho tham nhũng phát triển.
Các đại biểu đang biểu quyết tại một cuộc họp Quốc hội
Tình hình khẩn trương của đất nước đang đòi hỏi phải hoàn chỉnh hệ thống thể chế, đáp ứng kịp thời những yêu cầu đối nội cũng như đối ngoại, để giữ vững độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ nước ta. Thiết nghĩ đã đến lúc – nếu không nói là đã quá chậm – tổ chức những cuộc nghiên cứu, tổng kết nghiêm túc, thực chất, từ đó thống nhất nhận thức, làm nền tảng tư tưởng chính sách cho việc hoàn chỉnh thể chế. Phải chăng, về lý luận, học thuyết, có những luận điểm cách đây hàng trăm năm, nay vẫn còn có giá trị, nhưng cũng có những luận điểm cần được nhận thức lại trước sự phát triển mạnh mẽ của xã hội loài người và của khoa học kỹ thuật. Có người còn cố giữ những luận điểm cũ, lỗi thời có thể là do tư duy chưa được giải phóng, song cũng có thể có người, thực chất là để giữ vị trí đặc quyền đặc lợi của nhóm lợi ích hoặc của cá nhân. Đương nhiên, khi hoạch định đường lối, quan điểm phát triển, phải xuất phát từ thực tiễn đất nước, từ lịch sử, truyền thống văn hóa, đến kinh tế, xã hội, v.v… song cũng rất cần tiếp thu những tinh hoa của thế giới văn minh, những giá trị phổ quát của nhân loại, không nên quá nhấn mạnh đặc thù của Việt Nam mà từ chối hội nhập với thế giới văn minh, dễ trở thành “lạc điệu” và tiếp tục lạc hậu.
Trong thảo luận, cần thu hút trí tuệ của các nhà nghiên cứu, các chuyên gia, song quan trọng là đề cao dân chủ, tôn trọng những ý kiến khác biệt, tranh luận bình đẳng, tránh tình trạng “độc quyền chân lý, áp đặt tư duy, quy kết tùy tiện” (như ý kiến của nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải phát biểu ở Hội đồng Lý luận trung ương ngày 9-11-2003). Chỉ có dân chủ trong thảo luận mới tiếp thu được nhiều ý kiến, từ nhiều khía cạnh, nhiều kênh khác nhau, và nhất là từ thực tế cuộc sống mà thuyết phục lẫn nhau, tìm ra chân lý. Ngược lại, những ý kiến trái chiều nhưng xây dựng không được nói, được nghe sẽ làm thui chột mọi sáng kiến, làm nản lòng những người có thiện chí.
Công tác lập pháp
Trong thực tế, hệ thống thể chế được cụ thể hóa bằng các văn bản quy phạm pháp luật do cơ quan nhà nước ban hành, cao nhất là Quốc hội. Hiến pháp 2013 quy định “Quốc hội thực hiện quyền lập hiến, quyền lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước” (Điều 69) và Quốc hội có nhiệm vụ “Quyết định mục tiêu, chỉ tiêu, chính sách, nhiệm vụ cơ bản phát triển kinh tế – xã hội của đất nước” (Khoản 3 Điều 70). Như vậy, với tư cách là “cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân”, Quốc hội có trách nhiệm quyết định hệ thống thể chế phù hợp với yêu cầu phát triển đất nước trong thời kỳ mới. Nhiệm vụ này đòi hỏi nâng cao hơn nữa chất lượng công tác lập pháp, vì cho đến nay, mặc dù đã có Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, song hoạt động này vẫn còn nhiều bất cập.
Trước hết, về nội dung luật và các văn bản dưới luật. Những văn bản này cần thể hiện đầy đủ những quan điểm tiến bộ của Hiến pháp 2013, thông suốt tư Luật cho đến các văn bản dưới luật, nhất là những điều, khoản liên quan đến quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Tình hình hiện nay ở Biển Đông do Trung Quốc gây ra cũng đặt ra những vấn đề về chủ trương, chính sách đối nội và đối ngoại cần xem xét. Vì vậy, cần thực hiện chặt chẽ quy trình thẩm định, thảo luận, thông qua luật tại Quốc hội và nghị định tại Chính phủ.Ngăn chặn tác động của các nhóm lợi ích làm sai lệch những quan điểm tư tưởng tiến bộ cần thể hiện trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật.Quốc hội cần sớm tổ chức thực hiện cơ chế bảo vệ Hiến pháp mà Hiến pháp 2013 đã quy định. Một giải pháp rất quan trọng, đó là công bố công khai, minh bạch các bản dự thảo, tổ chức thực chất các cuộc phản biện xã hội, lấy ý kiến của các chuyên gia, các tổ chức xã hội, nhất là những đối tượng sẽ chịu tác động trực tiếp của văn bản. Và cuối cùng, không thể không quy trách nhiệm cá nhân người đứng đầu cơ quan, tổ chức đã ban hành những quy định gây tổn hại cho cuộc sống của người dân và kinh doanh của doanh nghiệp.
Về chương trình ban hành luật và nghị định hướng dẫn. Hiện nay, việc ban hành những luật để thi hành Hiến pháp 2013 là rất cần thiết, đồng thời lại có những vấn đề do tình hình mới đặt ra. Vì vậy, Quốc hội cần xác định chương trình làm luật căn cứ vào yêu cầu của cuộc sống và kinh doanh của người dân (như Luật về Hội, Luật Biểu tình), đôn đốc các cơ quan tổ chức soạn thảo dự án luật trong thời gian cần thiết, không nên để tùy thuộc vào cơ quan soạn thảo, rồi kéo dài như lâu nay.
Hai là, về thực thi thể chế. Cho đến nay, công cuộc cải cách hành chính tiến hành quá chậm; những thủ tục rườm rà, hành vi nhũng nhiễu của cán bộ, công chức gây khó cho người dân và doanh nghiệp vẫn còn khá nặng nề, tình trạng hình sự hóa các quan hệ dân sự có xu hướng phát triển đã ảnh hưởng xấu đến môi trường kinh doanh của doanh nghiệp, song đáng quan tâm nhất là giảm lòng tin của người dân và doanh nghiệp vào thể chế phát triển đất nước. Vì vậy, lúc này, việc thực hiện “Quyền giám sát tối cao việc tuân theo Hiến pháp, luật và nghị quyết của Quốc hội” (Khoản 2 Điều 70 Hiến pháp 2013), cũng như tăng cường các hoạt động thanh tra, kiểm tra của Nhà nước là rất cần thiết.
Tóm lại, lúc này chính là thời cơ để đẩy mạnh cải cách thể chế, không những để đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, mà còn để tăng cường nội lực, chủ động đối phó với tình hình mới do những hoạt động gây hấn của Trung Quốc đối với nước ta; càng để chậm, đất nước càng khó khăn thêm. Cần giải quyết trước tiên là tư duy về đường lối, quan điểm phát triển. Thiết nghĩ thể chế là do con người quyết định, do đó, những vướng mắc về đường lối, quan điểm, tư duy lý luận có thể được tháo gỡ, cuộc cải cách thể chế có thể được triển khai mạnh mẽ, nếu như tư duy của người có trách nhiệm được đổi mới. Cuộc sống đang đòi hỏi một bước đột phá về tư duy của lãnh đạo như năm 1986 mở đầu cho công cuộc Đổi Mới toàn diện đất nước. Nhân dân ta kỳ vọng những người có trách nhiệm vượt lên chính mình, có quyết tâm chính trị cao, nhận rõ trách nhiệm trước lịch sử, hết lòng vì dân, vì nước để tạo lập được một hệ thống quan điểm lý luận phát triển hiện đại, phù hợp, vì sự phồn vinh của đất nước và hạnh phúc của nhân dân.
Vũ Quốc Tuấn