Cũng có lúc vấn đề tưởng như đã tìm được lời giải, đó là khi đề án xử lý nợ xấu được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào ngày 31-5-2013, cùng với cơ chế để cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) ra đời. Ngày 26-7, VAMC chính thức đi vào hoạt động và chỉ trong mấy tháng cuối năm 2013, đã mua được hơn 39 ngàn tỉ đồng nợ xấu từ các tổ chức tín dụng. Từ đầu năm 2014 tốc độ mua giảm xuống và tính đến hết tháng 5, VAMC chỉ mua thêm khoảng 6.300 tỉ đồng nợ xấu. Theo đại diện của Ngân hàng Nhà nước, tốc độ mua chậm lại không phải do khâu xử lý, mà vì VAMC đang xem xét phương án phát hành trái phiếu đặc biệt. Hiện vẫn còn khoảng 30 ngàn tỉ đồng nợ xấu đang chờ được bán cho VAMC.
Song song với việc bán nợ xấu cho VAMC, theo đề án xử lý nợ xấu đã được phê duyệt, các tổ chức tín dụng còn áp dụng các giải pháp khác để xử lý nợ xấu, như đôn đốc thu hồi nợ, bán và phát mãi các tài sản đảm bảo, trích dự phòng rủi ro… Trong hai năm qua, ước tính đã có trên 100 ngàn tỉ đồng nợ xấu được xử lý theo những cách này và đó là nỗ lực rất lớn của các tổ chức tín dụng trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn.
Tuy nhiên, vấn đề nợ xấu vẫn còn dai dẳng. Theo số liệu mới được Ngân hàng Nhà nước công bố, tỷ lệ nợ xấu của toàn hệ thống ngân hàng tại thời điểm tháng 2-2014 là 3,86% trên tổng dư nợ gần 3,44 triệu tỉ đồng và là tháng thứ hai liên tiếp tỷ lệ nợ xấu tăng. Cuối năm 2013, nợ xấu chỉ chiếm 3,61% tổng dư nợ, tháng 1-2014 tăng lên 3,73%. Điều đáng nói là tỷ lệ nợ xấu tăng trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng giảm. Tại thời điểm cuối tháng 2-2014, dư nợ tín dụng giảm 1,16% so với cuối năm 2013. Đến đầu tháng 6 này, tăng trưởng tín dụng đã tăng được 1,31% so với đầu năm và dù cơ quan quản lý chưa có số liệu cập nhật tiếp theo về nợ xấu nhưng nhiều khả năng tỷ lệ nợ xấu sẽ tăng. Bởi báo cáo tài chính quý I của hầu hết các ngân hàng thương mại vẫn có dấu hiệu lạc quan và nợ xấu của đa số ngân hàng đều tăng, mạnh nhất thuộc về nhóm nợ có khả năng mất vốn.
Ngân hàng Nhà nước vẫn đang nỗ lực tìm cách giúp hệ thống ngân hàng xử lý nợ xấu. Cuối tuần qua, trong buổi làm việc với ông Ryutaro Hatanaka, Cao ủy Cơ quan dịch vụ tài chính Nhật Bản (JFSA) và đoàn công tác của JFSA, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã đề nghị JFSA mời các doanh nghiệp Nhật Bản tham gia mua nợ xấu của Việt Nam. Đây cũng là một nội dung quan trọng trong mối quan hệ hợp tác giữa Ngân hàng Nhà nước và JFSA.
Thực ra, để giải quyết tận gốc vấn đề nợ xấu, việc mời gọi các nhà đầu tư nước ngoài tham gia là rất cần thiết, đã được bàn thảo từ lâu. Nhiều nhà đầu tư nước ngoài cũng đã bày tỏ mong muốn được mua nợ xấu từ các ngân hàng Việt Nam. Tuy nhiên, nước ta vẫn chưa có một thị trường mua bán nợ xấu hoàn chỉnh. Một khi chưa có một hệ thống trung tâm quản lý thông tin về nợ xấu, bao gồm cả thông tin liên quan đến doanh nghiệp nợ, tài sản đảm bảo, lịch sử thu hồi nợ và lịch sử giao dịch, các quy định về công bố thông tin, các cơ chế xúc tiến và đơn giản hóa thủ tục đăng ký chuyển nhượng tài sản đảm bảo… thì việc mời gọi các nhà đầu tư nước ngoài sẽ rất khó khăn. Còn nhiều việc cần làm liên quan đến cơ chế giúp các nhà đầu tư nước ngoài dễ dàng tham gia vào quá trình mua, bán các khoản nợ xấu. Chỉ như vậy, quá trình xử lý nợ xấu mới có những bước đột phá.
Minh Hằng