Dự án metro Bến Thành – Suối Tiên (dự án metro số 1) được khởi công tháng 8-2012 với chiều dài gần 20km, đi qua các quận 1, 2, 9, Bình Thạnh, Thủ Đức (TP. Hồ Chí Minh) và huyện Dĩ An (Bình Dương). Tuyến metro đầu tiên tại TP. Hồ Chí Minh có 2,6km đi ngầm (ba nhà ga) và hơn 17km trên cao (11 nhà ga). Ban đầu công trình dự kiến đưa vào khai thác năm 2018, nhưng do gặp vướng mắc nên lùi lại vào năm 2020, nhưng liệu kế hoạch này có bảo đảm tiến độ hay không, khi mà công trình đang thiếu vốn trầm trọng.
Theo UBND TP. Hồ Chí Minh, từ cuối năm 2016, việc giao kế hoạch vốn ODA của Trung ương cho dự án không đáp ứng được khả năng giải ngân thực tế. Thanh toán các gói thầu của dự án phải tạm ngưng, dẫn đến các nhà thầu giảm tiến độ thi công.
Trong tình hình này, TP. Hồ Chí Minh cho biết thủ tướng đã đồng ý chủ trương ứng trước vốn trung hạn 2016-2020 cho dự án. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang cùng Bộ Tài chính đề xuất cụ thể. Để giải quyết khó khăn tạm thời, thành phố phải tạm ứng 1.100 tỉ đồng chi trả cho các nhà thầu.
Tuy nhiên, tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào ngày 12-10, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, dự án metro số 1 bị đình trệ do chưa được phê duyệt tổng mức đầu tư, vì TP. Hồ Chí Minh đề nghị tăng số vốn đầu tư quá lớn.
Không đồng ý quan điểm này, ông Lê Nguyễn Minh Quang – Trưởng ban Quản lý đường sắt đô thị TP. Hồ Chí Minh (chủ đầu tư dự án) – khẳng định, Chính phủ đã đồng ý cho thành phố phê duyệt tổng mức đầu tư điều chỉnh.
Theo ông Quang, ban đầu Công ty cổ phần Tư vấn thiết kế Giao thông vận tải phía Nam (Tedi-South) tư vấn mức đầu tư 17.000 tỉ đồng. Nhưng đơn vị tư vấn trúng thầu là liên danh NJPT (Nhật Bản) thiết kế lại, đề xuất tổng mức đầu tư 47.000 tỉ. Thành phố Hồ Chí Minh đã mời hai công ty của Singapore tư vấn độc lập và kết luận tổng mức đầu tư điều chỉnh là phù hợp, được các Bộ Giao thông và Vận tải, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư đồng thuận. Sau khi được thủ tướng phê duyệt, dự án đã ký ba hiệp định vay vốn ODA 31.000 tỉ đồng.
Tình trạng thiếu vốn cho tuyến metro số 1 cũng được đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm và sẽ kiến nghị Quốc hội phê duyệt tổng mức đầu tư để rót vốn đẩy nhanh tiến độ.
Ông Phan Nguyễn Như Khuê – Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP. Hồ Chí Minh nhận định vướng mắc trong quá trình thực hiện dự án không còn là chuyện riêng của TP. Hồ Chí Minh mà là việc chung của cả nước liên quan đến vốn vay ODA.
Trước thông tin khác nhau về thủ tục và sự đình trệ của dự án, các thành viên đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hồ Chí Minh cho biết sẽ đưa vấn đề metro Bến Thành – Suối Tiên làm trọng tâm vào kỳ họp Quốc hội.
Theo đại biểu Trương Trọng Nghĩa, nếu sự điều chỉnh vốn tăng từ 17.000 tỉ đồng lên 47.000 tỉ đồng là hợp lý, là lợi ích tối ưu của người dân TP. Hồ Chí Minh và cả nước, thì Quốc hội cần thiết phải phê duyệt. Đoàn Đại biểu Quốc hội TP. Hồ Chí Minh sẽ kiến nghị Quốc hội phê duyệt dứt điểm, giải tỏa ách tắc.
Cho đến thời điểm này có thể khẳng định mục tiêu hoàn thành dự án metro số 1 vào năm 2020 bị ảnh hưởng hết sức nghiêm trọng. Vì khi các nhà thầu giãn tiến độ họ sẽ trả máy móc thiết bị, trả chuyên gia và cho công nhân nghỉ. Bởi họ không thể giữ nhân lực để trả lương trong khi công trình giãn tiến độ, đây là nguyên tắc trong hợp đồng.
Chưa hết, sau này khi nhà thầu muốn thi công trở lại họ sẽ lại yêu cầu chủ đầu tư trả chi phí huy động nhân lực, thiết bị thi công, kinh phí phát sinh này không nhỏ và làm đội vốn dự án.
Như vậy không những mất tiền mà còn có hệ lụy là kéo dài thời gian và sự căng thẳng để giải quyết những sự việc đó.
Ngân sách TP. Hồ Chí Minh và ngân sách dự án hoàn toàn không có khoản chi nào cho việc này và chắc chắn sẽ phải giải trình rất mệt mỏi. Nhưng thiệt hại lớn nhất là uy tín, là hình ảnh môi trường đầu tư.
Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), Đại sứ quán Nhật Bản cũng đã từng than phiền vấn đề chậm rót vốn cho dự án metro số 1 nhiều lần.
Các nhà thầu thắc mắc rằng tại sao họ chuẩn bị nhân lực, thiết bị, nguồn vốn để thực hiện dự án metro số 1 rất chu đáo rõ ràng, nhà tài trợ là Chính phủ Nhật đã chuẩn bị nguồn vốn sẵn sàng nhưng chỉ vì “quy trình nội bộ” của phía Việt Nam lại làm ảnh hưởng quá lớn đến dự án?
Cũng liên quan đến dòng vốn cho các công trình tầm cỡ quốc gia, trong báo cáo nghiên cứu khả thi dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư cho việc xây dựng sân bay Long Thành, Chính phủ trình bày khó khăn về vốn và xin một số cơ chế đặc thù.
Theo đó tổng mức đầu tư của dự án khoảng 23.049 tỉ đồng, tuy nhiên với nguồn vốn dự kiến thu hồi được khoảng 3.022 tỉ đồng từ việc khai thác, sử dụng ngắn hạn quỹ đất chưa xây dựng hạ tầng thì thực chất tổng chi phí dự án thu hồi, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khoảng 20.027 tỉ đồng.
Theo Chính phủ, trước mắt, trong giai đoạn đến 2020, nhu cầu vốn cho dự án khoảng 10.821,6 tỉ đồng. Đến nay, dự án mới bố trí 5.000 tỉ đồng từ nguồn trái phiếu Chính phủ, vì vậy cần tiếp tục bổ sung nguồn vốn.
Trước khó khăn về nguồn vốn hiện nay, ngoài những chính sách đặc thù thuộc thẩm quyền của Chính phủ, thủ tướng phê duyệt, Chính phủ cho rằng Quốc hội cần có những cơ chế đặc thù để triển khai dự án.
Điều 16, Luật Đầu tư công năm 2014 quy định các hành vi bị cấm trong đầu tư công: “Yêu cầu tổ chức, cá nhân tự bỏ vốn đầu tư khi chương trình, dự án chưa được quyết định chủ trương đầu tư, chưa được phê duyệt hoặc chưa được bố trí vốn kế hoạch” có thể gây nợ đọng xây dựng cơ bản.
Ngoài các chính sách hiện hành, Chính phủ cho rằng cần có hỗ trợ mỗi hộ gia đình bị ảnh hưởng thu nhập với mức 21.000.000 đồng như đề xuất của UBND tỉnh Đồng Nai.
Báo cáo cũng nêu rõ, một phần nguồn vốn cho dự án dự kiến huy động từ việc đấu giá quyền sử dụng đất để xây dựng các công trình thương mại và dịch vụ, khấu trừ tiền sử dụng đất khi giao đất tái định cư, nguồn thu từ việc cho thuê đất ngắn hạn đối với các khu vực chưa triển khai xây dựng các hạng mục công trình của dự án sẽ được hoàn trả ngân sách.
Tuy nhiên, với đặc thù công tác giải phóng mặt bằng thì việc thu hồi các nguồn vốn nêu trên cần phải có thời gian (thu hồi sau khi giao đất tái định cư, cho thuê đất). Vì vậy, trước mắt ngân sách cần ứng đủ vốn để thực hiện dự án, nguồn thu này sẽ được cân đối hoàn trả ngân sách và đề nghị bố trí cho dự án sân bay Long Thành.
Với cơ chế đặc thù Chính phủ đề xuất, cơ bản được cơ quan thẩm tra tán thành. Riêng mức hỗ trợ các hộ gia đình bị ảnh hưởng, cơ quan thẩm tra đề nghị thực hiện theo mức hỗ trợ 10,5 triệu đồng/hộ để không quá chênh lệch so với mức hỗ trợ của dự án Bến Lức – Long Thành (9 triệu đồng/hộ) trước đó.
- Ảnh Quang Định