Bảng xếp hạng này dựa vào tỷ lệ nạn nhân bị thiệt mạng do thiên tai (tỷ lệ tính trên 100.000 dân) và vào tỷ lệ thiệt hại do thiên tai đối với GDP của cả nước.
Chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của thiên tai trong giai đoạn 1993-2012 là Honduras, Myanmar và Haiti. Ước tính trong giai đoạn này, trên phạm vi thế giới, thiên tai đã làm thiệt mạng đến 530.000 người và gây tổn thất vật chất lên đến 2.500 tỉ USD.
Riêng trong năm 2012, đứng đầu về số người thiệt mạng và có nhiều tổn thất vật chất do thiên tai là Haiti, Pakistan và Philippines. Đối với Philippines, nước vừa hứng chịu siêu bão Haiyan với những tổn thất về người và của còn chưa tính hết, thì vào năm 2012, đã có hơn 1.400 người thiệt mạng và thiệt hại hơn 1,2 tỉ USD, tức chiếm 0,29% GDP cả nước.
Philippines là nước gánh chịu nhiều tổn thất do thiên tai
Bên cạnh đó là một danh sách những nước có nhiều nguy cơ hứng chịu thiên tai mà trong số 10 nước đứng đầu có cả Việt Nam.
Danh sách này được công bố tại hội nghị Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu tại Ba Lan tuần qua là một cơ hội tốt để cho những nước nghèo hứng chịu nhiều thiên tai lên tiếng yêu cầu những nước phát triển tăng cường hỗ trợ tài chính trong việc đối phó biến đổi khí hậu.
Tờ báo nhắc lại, các nước nghèo thường cáo buộc các nước phát triển là thủ phạm chính của hiện tượng biến đổi khí hậu bởi thải ra nhiều khí gây hiệu ứng nhà kính, để cho các nước nghèo gánh chịu hậu quả thiên tai.
Nhìn sang Philippines, nơi vừa bị cơn bão Haiyan tàn phá gây thiệt mạng hơn 4.000 người, hiện nay các nước đang dốc hầu bao quyên góp nhằm chia sẻ thiệt hại với nước bạn: Australia góp 28 triệu USD, Mỹ góp 20 triệu USD, Liên minh châu Âu góp 17 triệu USD, Anh góp 16 triệu USD, Nhật góp 10 triệu USD, Hàn Quốc góp 5 triệu USD, Vatican góp 4 triệu USD, Indonesia góp 2 triệu USD cùng nhiều tổ chức phi chính phủ khác, trong đó chỉ riêng các tổ chức tại Mỹ đã quyên góp được 300 triệu USD trị giá viện trợ.
Trung Quốc là nước đang tranh chấp với Philippines trên Biển Đông sau khi bị dư luận quốc tế phê bình chỉ cứu trợ 100.000 USD đã đóng góp thêm 1,6 triệu USD vào cuối tuần qua.
Tạp chí The Diplomat (Nhật Bản) nhận định, cùng với việc đáp ứng nhu cầu về nhân lực cứu trợ thì việc hỗ trợ để giảm nhẹ hậu quả thiên tai được xem là một khoản đầu tư hiệu quả mà không tốn kém cho tương lai.
Joseph Nye, giáo sư tại Đại học Harvard, cựu Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đã sử dụng thuật ngữ “quyền lực mềm” khi mô tả về những khoản đầu tư theo kiểu này. Theo ông, “quyền lực mềm” là một quá trình thu phục lòng người, giúp quốc gia đó đạt được kết quả mong muốn bằng sự đồng thuận thay vì phải viện tới các hành động thể hiện “quyền lực cứng” như hành động quân sự hoặc trừng phạt kinh tế. Theo Joseph Nye, qua việc cứu trợ nạn nhân bão Haiyan tại Philippines, Trung Quốc đã thất bại trong thể hiện quyền lực mềm.
Sự thể hiện quyền lực mềm bằng cách hành động như cứu trợ thiên tai là một phần quan trọng của chính sách đối ngoại bởi nó mang lại lợi ích thương mại lâu dài.
V.Đ