Ba ngày sau khi bế mạc Hội nghị Trung ương 3 của Đảng Cộng sản Trung Quốc, ban lãnh đạo thông báo một loạt các cải cách kinh tế và xã hội, được xem là quan trọng nhất từ 30 năm nay. Hai quyết định quan trọng nhất và có tác động sâu sắc đến xã hội Trung Quốc là giảm nhẹ chính sách một con và bãi bỏ trại lao cải.
Đối mặt với tình trạng dân số đang già đi một cách nhanh chóng, Trung Quốc cho phép các cặp vợ chồng mà một trong hai người là con một, được phép sinh con thứ hai. Quyết định quan trọng này nhằm tạo điều kiện cho sự phát triển bền vững dân số Trung Quốc về lâu dài.
Chính sách một con được ban hành vào năm 1979 do chính phủ lo ngại nguy cơ bùng nổ dân số. Hạn chế sinh con cho phép có nhiều vốn hơn để tập trung cho tăng trưởng kinh tế. Chính sách này được áp dụng trên hơn 60% lãnh thổ Trung Quốc, mặc dù luật lệ đã được giảm nhẹ qua nhiều năm, đặc biệt là tại nông thôn, để cho phép một số cặp sinh con thứ hai.
Người dân bị buộc phải triệt sản hoặc bị cưỡng bức phá thai. Gần 55% phụ nữ Trung Quốc đã phá thai ít nhất một lần, trong khi 70% phụ nữ mong muốn có nhiều hơn một con, theo một công trình nghiên cứu được đăng vào năm 2009.
Hơn nữa, dân số già đè nặng lên hệ thống hưu bổng và ngân sách xã hội. Theo một nghiên cứu do Đại học Thanh Hoa vừa công bố, từ hai đến ba người Trung Quốc sẽ phải nuôi một người già vào năm 2035. Các chuyên gia từ lâu đã gióng chuông báo động rằng Trung Quốc có thể sẽ già trước khi giàu.
Trên bình diện kinh tế, một số biện pháp khác được đưa ra như thúc đẩy việc chuyển đổi đồng nhân dân tệ, mở cửa một số lĩnh vực cho tư nhân và nước ngoài, cũng như cải cách về giá điện, khí đốt, một số nguyên liệu chủ chốt, theo đúng quy luật cung cầu của thị trường.
N. Nam