“Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn 2025” là một đề án được chuẩn bị nhiều năm nay, vừa được công bố chính thức trong một hội nghị hồi cuối tháng 11. Có thể xem đây là một kế hoạch đầy tham vọng và cũng đầy quyết tâm của chính quyền mà thí điểm được chọn thực hiện đầu tiên sẽ là quận 1 và quận 12. Đề án hướng tới việc đảm bảo môi trường sống thoải mái, tích cực, lành mạnh và an toàn cho người dân mà mục tiêu hướng đến bốn chủ thể chính:
Đối với chính quyền, thành phố thông minh sẽ đáp ứng nhu cầu dự báo phát triển chính xác hơn và thông qua xây dựng chính quyền điện tử, kết nối chia sẻ thông tin dữ liệu nhằm gia tăng hiệu quả điều hành trên các lĩnh vực.
Đối với người dân, sẽ được cung cấp các tiện ích hỗ trợ để ra quyết định tối ưu. Việc tương tác giữa người dân với chính quyền sẽ dễ dàng, đồng thời tham gia giám sát, quản lý và xây dựng thành phố.
Đối với doanh nghiệp sẽ có môi trường minh bạch, đơn giản, thuận tiện hoạt động và được cung cấp nhiều thông tin để có quyết định kinh doanh chính xác.
Đối với các tổ chức xã hội, tạo ra kết nối, phản hồi thông tin để họ tham gia một cách hiệu quả vào quá trình cung cấp các dịch vụ cho đô thị.
Một đô thị thông minh như thế ai mà chẳng ước mơ, thật là lý tưởng. Vấn đề là không hề dễ dàng có được khi mà trình độ dân trí còn thấp, quản lý hành chính bằng công nghệ thông tin ở nước ta vẫn còn tập tễnh nói gì đến quản lý xã hội trong khi cốt lõi của đề án đô thị thông minh có thể hiểu đó là chính quyền điện tử kết nối thông tin về một cơ sở dữ liệu đồng nhất. Đừng nói gì xa, chỉ riêng quản lý thông tin về người dân thì hiện nay cũng đã rất phức tạp: quản lý cư trú do ngành công an, quản lý thông tin sức khỏe là ngành y tế, quản lý chuyện học hành là ngành giáo dục, quản lý thông tin đi lại của người dân là ngành giao thông vận tải, quản lý tài nguyên con người là ngành lao động – xã hội. Mỗi nơi chịu trách nhiệm riêng lẻ, mấy khi phối hợp được với nhau để giải quyết nhanh chóng một vấn đề vướng mắc nào đó mà người dân gặp phải, trong khi rồi đây “đô thị thông minh sẽ cung cấp cho người dân các tiện nghi hỗ trợ để ra quyết định tối ưu”. Với doanh nghiệp mà chuyện làm ăn vốn bị quản lý trong cơ chế chằng chịt và chịu tác động của các nhóm lợi ích như lâu nay, liệu đô thị thông minh lúc nào mới có thể đem lại cho họ “chiếc đũa thần” để hoạt động kinh doanh được chính xác. Ba năm, tám năm như đề án kỳ vọng hay lâu hơn tùy thuộc quá nhiều yếu tố. Nhưng có điều cho đến nay chúng ta vẫn chưa thấy bức tranh mô tả tổng quát thành phố thông minh như thế nào, cũng như chưa ai đưa ra những điều kiện cần và đủ để có một công cụ quản lý khoa học (về con người và công cụ kỹ thuật) để có một thành phố thông minh trong tương lai gần. Một yếu tố quan trọng khác đó là vấn đề nhận thức của người trong cuộc.
Còn nhớ cách đây khoảng 20 năm, cả nước rộ lên Tiêu chuẩn ISO 9000 rồi sau đó là ISO 14000. Các công ty đua nhau mướn người nước ngoài về huấn luyện cho cán bộ nhân viên với hy vọng trình độ quản lý sẽ được nâng cao với những chỉ tiêu cụ thể. Thời điểm đó, chi phí huấn luyện cho một công ty quy mô 1.200 nhân viên cũng phải tốn kém cả chục nghìn đôla để cho thiên hạ biết công ty mình cũng quản lý theo khoa học hiện đại. Nhiều người còn cho rằng chất lượng sản phẩm của công ty đã tăng lên nhiều lần sau khi áp dụng ISO, điều này có nhưng không nhiều như những gì được khoa trương. Thật ra nội dung của ISO là nếu mọi người trong bộ máy nghiêm túc làm đúng trong từng vị trí của mình thì kết quả quản lý của công ty sẽ nâng lên đáng kể.
Điều đáng nói là phần lớn các công ty chỉ cần cái danh hiệu ISO mà mấy ai nghiêm túc chấp hành vì người đầu tiên thường phá lệ là lãnh đạo nên quy trình lại trở về nguyên trạng. Không biết đến nay có bao nhiêu trong hàng chục nghìn công ty còn tự hào về cái chuẩn hiện đại này?
Đây cũng là điều mà đề án thành phố thông minh nên tránh khi đi vào triển khai.