Gần đây nhóm các nhà nghiên cứu thực vật gồm TS. Phạm Văn Thế (Trường Đại học Tôn Đức Thắng) và đồng nghiệp đã phát hiện và mô tả ba loài thực vật mới cho khoa học phát hiện từ Việt Nam.
Các loài mới gồm Tỏi rừng Thương (Aspidistra thuongiana), Huệ đá hoa dài (Peliosanthes longiracemosa) thuộc họ Thiên môn đông (Asparagaceae), và Thu hải đường lá ánh (Begonia jubar) thuộc họ Thu hải đường (Begoniaceae).
Các loài này đều cỏ dạng cây nhỏ, hoa và lá đẹp, có giá trị làm cảnh cao. Các loài thực vật mới này vừa được công bố trên tạp chí chuyên ngành thực vật Phytotaxa.
Loài Tỏi rừng Thương được phát hiện từ vùng núi đất huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định. Loài thực vật này có chiều cao khoảng 40 cm, cụm hoa ở dưới gốc mang những bông hoa màu vàng tươi. Mặc dù vậy hoa của chúng không lớn, chỉ cỡ khoảng hơn 1 cm.
- Xem thêm: Những thực vật hung tàn nhất thế giới
Tên loài được đặt theo tên TS. Nguyễn Thị Liên Thương, ĐH Thủ Dầu Một. Theo ghi nhận của nhóm nghiên cứu thì loài Tỏi rừng này chỉ mới phát hiện ở một vùng núi nhỏ của huyện Tây Sơn với số lượng ít. Trên thế giới hiện nay chỉ mới phát hiện được năm loài Tỏi rừng có hoa vàng, còn lại đa số là màu tím, hoặc xen lẫn trắng.
Loài Huệ đá hoa dài phát hiện từ vùng núi đá huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang. Mặc dù các mẫu vật của loài này được thu thập từ năm 2011, nhưng đến nay nhóm nghiên cứu mới thu thập đủ bằng chứng để công bố loài mới.
Huệ đá hoa dài có lá cao đến 90 cm, và có cụm hoa dài đến gần 60 cm, mang những bông hoa màu xanh chuyển dần sang vàng nhạt.
Các loài huệ đá Peliosanthes thường có hoa nhỏ và mọc chung trên một cuống dài. Tuy nhiên, cụm hoa dài đến 60 cm là một đặc điểm rất đặc biệt, vì vậy loài mới được đặt tên theo đặc điểm này.
Loài Thu hải đường lá ánh được nhóm phát hiện tại vùng rừng của Khu Bảo tồn thiên nhiên Nam Ka, tỉnh Đắk Lắk. Loài này thường mọc ở những kẽ đá, có thân rễ dài mang lá và hoa cao đến 55 cm.
Hoa của chúng trên một cuống dài, dài hơn lá, màu trắng xen lẫn hồng-đỏ. Điểm đặc biệt là gân lá của chúng sáng nổi bật so với những vùng tối của phiến lá. Vì vậy loài này được đặt tên “jubar” theo đặc điểm lá này.
- Xem thêm: 10 loài thực vật kỳ lạ nhất thế giới
Mặc dù Thu hải đường lá ánh nằm trong Khu Bảo tồn thiên nhiên Nam Ka, nhưng nơi chúng được phát hiện đang bị phá hủy do làm đường, và các nguy cơ tiềm ẩn về việc thu thập cây cảnh. Vì vậy loài này được liệt kê vào thứ hạng bảo tồn là Vulnerable (Sẽ nguy cấp) theo tiêu chuẩn Danh lục đỏ của IUCN.
Các loài Tỏi rừng Thương và Huệ đá hoa dài chưa đủ thông tin để đánh giá tình trạng bảo tồn.
Theo TS. Phạm Văn Thế, nhóm nghiên cứu cũng ghi nhận một loài thực vật bổ sung cho hệ Thực vật Việt Nam, là loài Thu hải đường lá vừa Begonia modestiflora. Loài này trước đây ghi nhận ở Trung Quốc, Thái Lan, Myanmar, Lào, và nay phát hiện ở vùng đệm của Vườn Quốc gia Chư Yang Sin, tỉnh Đắk Lắk. Chúng có đặc điểm thân khá mảnh, hoa nhỏ và trắng.