Tại hội nghị liên quan đến việc chấn chỉnh hoạt động du lịch lữ hành diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh cuối tuần qua, đại diện của Tổng cục Du lịch Việt Nam cho biết đã có 45 khách sạn từ ba đến năm sao bị thu hồi quyết định công nhận sao. Ngoài ra, cơ quan quản lý còn phát hiện và thu hồi giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế của một số doanh nghiệp.
Các khách sạn bị thu hồi quyết định công nhận sao nằm rải rác khắp các tỉnh thành trên cả nước, nhiều nhất là ở Khánh Hòa và Quảng Ninh. Nguyên nhân là do các đơn vị này không duy trì được tiêu chuẩn, chất lượng sau khi được công nhận. Theo ông Trần Ngọc Khoan – Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch Nghệ An thì việc các khách sạn không giữ được “phong độ” nhưng vẫn gắn sao quảng cáo là một hình thức “treo đầu dê, bán thịt chó”, lừa đảo khách hàng. Còn các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành quốc tế bị thu hồi giấy phép là do làm ăn thiếu chuyên nghiệp, thậm chí lừa đảo khách du lịch. Việc thu hồi quyết định về công nhận hạng sao nhằm giúp các đơn vị này chấn chỉnh và cải thiện dịch vụ.
Đây không phải lần đầu tiên có hàng chục khách sạn bị thu hồi công nhận sao. Năm ngoái, hơn 20 khách sạn tại Hà Nội, Hạ Long, Nha Trang… cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự vì không đáp ứng đủ các điều kiện về hạ tầng, cơ sở vật chất, điều kiện vệ sinh và chất lượng dịch vụ. Qua đó có thể thấy tình trạng bát nháo của thị trường dịch vụ du lịch Việt Nam trong những năm qua. Theo quy định mới của Luật Du lịch sửa đổi, các cơ sở lưu trú được quyền đăng ký tự xếp hạng. Ngoài ra, du khách cũng sẽ tham gia vào việc “xếp sao” cho cơ sở lưu trú căn cứ vào trải nghiệm dịch vụ, chất lượng phục vụ. Khách hàng khen ngợi, tiếng lành lan xa, khách đến nhiều chính là đã chứng nhận hạng sao cho doanh nghiệp và khi đó, việc công nhận hạng sao của cơ quan quản lý Nhà nước về du lịch chỉ mang tính thủ tục. Đây được xem là quy định thông thoáng, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, phù hợp với xu thế chung của thế giới, nhưng lại tạo điều kiện cho một số khách sạn cố tình mạo nhận, quảng cáo hạng sao không tương xứng chất lượng dịch vụ. Tình trạng này nếu chỉ trông chờ vào việc đôn đốc thanh tra, kiểm tra thường xuyên của cơ quan Nhà nước e là “quá sức”.
Nhiều ý kiến tại hội nghị cho rằng nên mạnh dạn bỏ hẳn quy định gắn sao cho các cơ sở lưu trú, việc xếp hạng chất lượng dịch vụ là của thị trường. “Trong trường hợp vẫn giữ quy định này thì việc nâng cao chất lượng dịch vụ tại các cơ sở lưu trú là điều nên làm, còn việc quản lý sao cho khách sạn, bao gồm cấp sao và thu hồi quyết định cấp sao, không nên là việc của Nhà nước”, PGS-TS Võ Trí Hảo, đến từ Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh, nói. Việc này nên được trao cho một hiệp hội trong ngành chẳng hạn như Hiệp hội Khách sạn hay Hiệp hội Du lịch, thay cho vai trò độc quyền duy nhất của Nhà nước thì hiệu quả hơn. Vì hiệp hội có quy tắc cạnh tranh, khi đảm nhận vai trò cấp sao cho khách sạn sẽ giảm nguy cơ xảy ra tiêu cực. Hơn nữa, xu thế hiện nay là chuyển dần vai trò của Nhà nước từ dịch vụ công sang các tổ chức xã hội, điều này thể hiện sự phát triển của xã hội khi những lĩnh vực nào Nhà nước không cần thiết phải làm thì giao cho tư nhân và các tổ chức xã hội. Ngành du lịch cũng nên đi theo xu hướng này.