Thanh khoản yếu trong những phiên giảm điểm là tín hiệu của lực cầu yếu (hệ quả là VN-Index còn tiếp tục điều chỉnh) hay là dấu hiệu nguồn cung cổ phiếu giá rẻ đã cạn kiệt (đồng nghĩa với việc các chỉ số sẽ ngưng đà giảm)? Điều này còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, cả trong lẫn ngoài nước, tác động lên thị trường chứng khoán thời gian tới. Tuy nhiên, dù như thế nào thì có lẽ dự báo lạc quan về thị trường như trong những ngày đầu tháng 7, kiểu VN-Index đang hướng đến 800 điểm, thậm chí 1.000 điểm… sẽ không còn. Ngay trong buổi tọa đàm “VN-Index cao nhất chín năm, chứng khoán Việt Nam trước những kỳ vọng mới” diễn ra ngày 22-7 tại Thanh Hóa (có lẽ, khi lên kế hoạch, nhà tổ chức cho rằng VN-Index đang hướng đến những mốc điểm cao hơn), nhiều chuyên gia cũng đã khá thận trọng khi nhìn nhận về tương lai. Bởi dù có sự khởi sắc rõ rệt so với năm ngoái, mức vốn hóa của thị trường chứng khoán lên đến 56,4% GDP, thì sự tăng trưởng ấy tỏ ra chưa vững chắc, do không dựa trên nền tảng là sự tăng trưởng kinh tế. Thật vậy, thị trường chứng khoán đạt đỉnh hơn chín năm trong khi nền kinh tế lại tăng trưởng chậm chạp thì đã có điều gì đó không phù hợp.
Rất có thể nguồn vốn tương đối đột biến từ các nhà đầu tư nước ngoài kể từ đầu năm cộng hưởng với dòng tiền nội nhàn rỗi đã tạo nên “sóng lớn” cho thị trường chứng khoán thời gian qua. Để rồi, khi khối ngoại bán ròng, hoặc tâm lý nhà đầu tư nội bất ổn, hoặc cả hai yếu tố trên, thị trường sẽ suy giảm. Tuy nhiên, nếu có cái nhìn lạc quan và đặc biệt là có sẵn tiền mặt trong tài khoản, thì đợt giảm điểm vừa qua của VN-Index (và có thể trong những ngày tới) sẽ là cơ hội giải ngân cho nhà đầu tư. Bởi sau gần ba tháng chủ yếu là đi lên (từ vùng 710 điểm), việc VN-Index có một nhịp điều chỉnh tương đối mạnh (tính từ vùng đỉnh, VN-Index đã giảm gần 20 điểm và vẫn có thể giảm thêm) như vậy cũng không phải là điều gì đáng nói.
Cứ mỗi khi thị trường giảm điểm, “áp lực bán mạnh do tỷ lệ margin tăng cao” luôn là một nguyên nhân được chỉ ra, vì nhiều người cho rằng mức độ tác động (tiêu cực) lên thị trường của nhà đầu tư cá nhân là rất đáng kể, chiếm tới 70 – 80% giao dịch trên sàn giao dịch mỗi phiên. Tuy nhiên, nói rằng tỷ lệ margin cao khiến cho thị trường giảm điểm là khá khiên cưỡng, do không phải nhà đầu tư cá nhân nào cũng có vay từ công ty chứng khoán để mua cổ phiếu. Và nếu thị trường chứng khoán lên xuống theo tỷ lệ margin thì khi tỷ lệ này – theo thông tin từ các công ty chứng khoán – ở vào vùng đáy như hiện nay, chỉ số ắt sẽ bật lên, một điều không hề có cơ sở.
Trong thị trường chứng khoán, khi không còn động lực tăng giá, cung cổ phiếu lớn hơn cầu thì cổ phiếu dù tốt hay xấu cũng sẽ bị tác động. Dĩ nhiên, những cổ phiếu đang có thông tin không thuận lợi, như dự báo kết quả kinh doanh không tốt hay thuộc nhóm ngành bị đánh giá tiêu cực thì sẽ dễ bị giảm sâu hơn mặt bằng chung. Và đó chính là lý do mỗi khi thị trường điều chỉnh, các công ty chứng khoán lại khuyến nghị nhà đầu tư không nên mua mới cổ phiếu, chỉ nên tận dụng nhịp hồi phục để đưa tỷ trọng về mức an toàn, chờ xu hướng rõ ràng. Nếu không phải là “người mới”, hoặc theo đuổi châm ngôn “an toàn là trên hết” (và lợi nhuận cũng “an toàn” tương ứng), nhà đầu tư hoàn toàn có thể giải ngân, đối tượng là những cổ phiếu đã tạo được vùng đáy trước thị trường (và vì vậy không giảm điểm trong đợt điều chỉnh chung). Nếu đây còn là cổ phiếu của những doanh nghiệp có triển vọng kinh doanh tốt, thì hoàn toàn có thể “ngược dòng” kể cả khi VN-Index chưa thể hồi phục.
- Ngọc Khang
Xem thêm: