Giáo sư (GS) Julia Gaimster – trưởng khoa Truyền thông và Thiết kế, trường Đại học RMIT – nói tại hội thảo chủ đề “Tái tạo đô thị bền vững và tái sử dụng thích ứng” diễn ra cuối tháng qua.
Sự kiện do Tổng Lãnh sự Quán Italia tại TP.HCM, S&A Architecture cùng với sự bảo trợ của Hiệp hội Italy-ASEAN, Thương vụ Italia tại Việt Nam, Hiệp hội Kiến trúc Venice, Đại học RMIT và Aria Collectives tổ chức, nhằm chia sẻ kinh nghiệm, cơ hội tăng trưởng kinh tế dựa trên văn hóa và bảo tồn di sản…
Theo GS Julia Gaimster, thời gian qua, khi nhắc đến thành phố thông minh, nhiều người đề cập đến yếu tố công nghệ. Song, nếu chăm chăm tập trung vào đó quá, sẽ bỏ sót những yếu tố khác để tạo nên một thành phố thông minh, đáng sống.
Bà Julia chỉ ra yếu tố khác, gồm: Những yếu tố cộng đồng, những tòa nhà ở giá cả phải chăng, không khí trong lành, không gian mở, văn hóa và di sản, không gian giải trí và thư giãn, không gian để phát triển con người và kinh doanh. Ngoài ra, phải kể đến không gian công cộng, không gian riêng tư, các khu vực tổ chức những hoạt động gián tiếp, nghệ thuật, sân khấu, thể thao, ẩm thực, địa phương… Là nơi mọi người không phân biệt xuất thân và văn hóa, cảm thấy an toàn như ở nhà và có sự gắn kết.
Đi nhiều nơi trên thế giới, GS cho rằng, không một thành phố nào hoàn hảo cả. Chính những thiếu sót, bề bộn, đôi khi tạo nên đặc trưng, bản sắc đô thị. Những gánh hàng rong, những con đường chật ních xe cộ, sự pha trộn những tòa nhà cổ kính và hiện đại, … mang lại cho bà một cảm giác phấn khích. “Tuy nhiên, các thành phố của chúng ta bây giờ trở nên thiếu sức sống hơn, đồng nhất hơn. TP.HCM cũng không ngoại lệ”, Julia Gaimster nói.
Đại sứ Italia tại Việt Nam Antonio Alessando đưa ra một số liệu: “Đến năm 2050, các đô thị sẽ là nơi sinh sống của 2/3 dân số thế giới. Với tốc độ đô thị hóa và gia tăng dân số nhanh, các di sản lịch sử trên thế giới đang phải chịu áp lực ngày càng lớn. Do đó, ta phải cân nhắc mối quan hệ giữa con người và các vùng lãnh thổ”.
Theo các chuyên gia tại sự kiện, “tái sử dụng thích ứng là một biện pháp cải tạo xây dựng phổ biến ở các nước phát triển nhằm cập nhật hoặc điều chỉnh các công năng của các tòa nhà hiện hữu. Tái sử dụng thích ứng luôn hướng đến mô hình bảo vệ toàn diện về lịch sử, con người, cảnh quan, xóa bỏ nhận thức “đập đi xây lại” sẽ mang lại lợi ích kinh tế. Quan điểm đó không còn phù hợp với TP.HCM do quỹ đất hạn chế và mức độ quy hoạch đô thị phức tạp.
Ông Luigi Campanale – Tổng Giám đốc kiêm Giám đốc thiết kế của công ty S&A Architecture – nói, xu hướng phát triển hiện nay là tập trung vào sự chuyển đổi của thế giới từ nền kinh tế tuyến tính sang kinh tế tuần hoàn. Tài nguyên thiên nhiên có hạn, kinh tế tuần hoàn là điều tất yếu.