Trong hai năm qua, một số start-up về ứng dụng trực tuyến trong ngành thực phẩm châu Á đã tan rã, trong khi một số công ty khác tiếp tục đối mặt với khó khăn.
Ứng dụng trực tuyến có thể là điều tiện lợi nhất mỗi khi bạn thấy đói bụng. Ứng dụng trực tuyến ngành thực phẩm đã mọc lên khắp các nước châu Á với nhiều nhà hàng, quán cà phê cùng tham gia dịch vụ. Các ứng dụng này cũng mang lại nhiều chức năng bao gồm mua sắm tạp hóa, giao đồ ăn – thức uống, đặt chỗ nhà hàng và nghiên cứu thực đơn.
Theo emarketer.com, sự “hưng phấn” của xu hướng này là do sự tăng trưởng nhanh của lượng người dùng điện thoại thông minh tại khu vực này. Tuy nhiên, một số ứng dụng đã tồn tại và phát triển, trong khi một số khác đã phải rời cuộc chơi. Sau đây là một số lý do và là bài học mà các start-up này đã trải qua:
Sự cạnh tranh gay gắt
Iacopo Rovere, CEO của Foodpanda Philippines – một dịch vụ gọi món trực tuyến hoạt động tại 24 nước (đã đóng cửa và bán lại tại thị trường Việt Nam vào cuối năm 2015) cho rằng sự cạnh tranh là một trong những thách thức lớn nhất của họ.
Rover cho biết họ chỉ ký với những đối tác tốt nhất và liên tục khảo sát nhóm người tiêu dùng để có thể hiểu được họ cần cải thiện điều gì. “Chúng tôi phải vượt qua cạnh tranh bằng cách tập trung vào dịch vụ khách hàng tốt nhất có thể”.
Trong năm 2015, Foodpanda India đã sa thải hơn 300 nhân viên vì đối mặt với sự cạnh tranh từ những start-up non trẻ hơn như Zomato, một ứng dụng tìm nhà hàng trực tuyến. Trái với các thông tin dự đoán, Foodpanda chưa rút khỏi thị trường Ấn Độ. Sáng lập viên và CEO Ralf Wenzel của Foodpanda tuyên bố rằng họ là một trong những công ty internet đang phát triển và có thể duy trì việc kinh doanh có lãi tại Ấn Độ.
“Logistics” không phải lúc nào cũng trơn tru
Khi xem những lời nhận xét của khách hàng trên trang Facebook của Foodpanda Philippines chẳng hạn, những lời phàn nàn thường gặp của khách hàng là về việc giao thức ăn trễ, không nhận được thức ăn, thức ăn không nóng hay nhầm lẫn món ăn. Những khách hàng khác cũng phàn nàn về giá vì có phí đặt hàng tối thiểu cho mỗi giao dịch.
CEO Iacopo Rovere cho biết thời gian gần đây Foodpanda đã nỗ lực cải thiện quy trình và thời gian giao hàng chậm nhất tại tất cả thị trường là 45 phút, tại một số nơi, thời gian giao hàng ít hơn 30 phút. Theo Rovere, sự cải thiện này là nhờ vào việc chia sẻ thông tin giữa những nước mà Foodpanda có cung cấp dịch vụ giao hàng và nhờ vào phần mềm quy trình nội bộ mà họ đã phát triển độc quyền cho việc này.
Ngành thực phẩm không quá lời
Manish Jethani, cựu CEO của Spoonjoy nói với tờ The Economic Times rằng một trong những lý do tại sao họ không thể tồn tại là do gặp thách thức về lợi nhuận trên từng đơn vị sản phẩm. “Chẳng hạn, cần thận trọng tính toán chi phí tạo ra và giao một bữa ăn, so sánh nó với số tiền trong hóa đơn dành cho khách hàng. Nếu lợi nhuận đủ tốt, việc kinh doanh có thể phát triển. Nếu không, cần tìm kiếm những giải pháp khác”.
“Lợi nhuận của ngành này là khó khăn hơn so với ngành vận tải (chẳng hạn như Uber)”, Rovere thú nhận.
Tiếp thị không đủ
Ứng dụng dịch vụ tạp hóa Grofers đã phải ngưng hoạt động tại chín thành phố ở Ấn Độ vào năm 2015 do mức độ tiếp nhận dịch vụ thấp (theo thông tin từ e27.co – nền tảng truyền thông kết nối môi trường khởi nghiệp công nghệ của châu Á). Zomato cũng đóng cửa tại bốn thành phố của Ấn Độ. Trong một tuyên bố Zomato cho biết mặc dù đã có những nỗ lực truyền thông, “họ không thấy sự gia tăng đáng kể số lượng đơn đặt hàng tại những thành phố này và họ sẽ tái xuất hiện vào thời điểm phù hợp”.
Tuy nhiên, marketing vẫn đóng vai trò rất quan trọng. Theo thông tin từ Business2Community, hầu hết những khởi nghiệp về ứng dụng trực tuyến bị thất bại thường sử dụng nguồn lực của họ để phát triển và triển khai ứng dụng, nhưng lại hoàn toàn bỏ qua quy trình tiếp thị và khiến ứng dụng phải chịu thất bại trong thời gian ngắn.
– Theo INC