Báo cáo về chuỗi cung ứng nông sản của Ngân hàng Thế giới (World Bank) mới đây đã đưa ra những chỉ số đáng quan tâm đối với ngành nông nghiệp Việt Nam. Trên thang điểm 100, Việt Nam hiện đạt 55,7 điểm về hoạt động chuỗi cung ứng, 60,6 điểm về quản lý chất lượng sản phẩm và 48,4 điểm về thương mại kinh doanh nông sản. So với Philippines, Việt Nam trội hơn về quản lý chất lượng nhưng lại kém hơn về hoạt động chuỗi cung ứng và thương mại. Thậm chí Việt Nam còn có điểm số về thương mại thấp hơn hai nước Campuchia và Lào. Vậy đâu là những vấn đề của chuỗi cung ứng ngành nông nghiệp Việt Nam?
Tổn thất trong nông nghiệp lớn do chưa đầu tư về logistics
Nông nghiệp là ngành xuất khẩu chủ lực của nước ta, hiện chiếm khoảng 18 – 20% tổng sản phẩm quốc gia, nhưng phần lớn các doanh nghiệp là có quy mô vừa và nhỏ nên số lượng sản phẩm xuất khẩu không lớn. Hơn nữa, theo thống kê từ Bộ Công thương, chi phí cho logistics ở nước ta vẫn còn cao, làm giảm lợi thế cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam so với các nước trong khu vực. Chính vì điều này mà nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất, xuất khẩu hàng nông sản không mấy “mặn mà” trong việc thuê trọn gói dịch vụ logistics.
Do chưa quan tâm đúng mức về dịch vụ logistics nên những tổn thất trong quá trình thu hoạch, chế biến, lưu trữ vận chuyển là chuyện khó tránh khỏi. Theo báo cáo của Cục Chế biến, tỷ lệ tổn thất trung bình trong ngành hiện nay là từ 25 – 30%. Mức tổn thất đối với sản phẩm thủy hải sản là 35%, còn đối với trái cây và rau quả, tùy theo phương thức chế biến và vận chuyển, mức độ tổn thất có thể lên đến 45%. Nguyên nhân chính dẫn đến tỷ lệ tổn thất cao có thể kể đến mức độ cơ giới hóa thấp cũng như năng lực vận chuyển trong sản xuất nông nghiệp. Nghiên cứu của World Bank cho thấy chỉ số cơ giới hóa của Việt Nam chỉ đạt 24,4 điểm, tương đương với Lào, Campuchia và Myanmar, kém Philippines đến 40 điểm. Còn chỉ số vận tải ngành nông nghiệp của Việt Nam thấp hơn Lào từ 10-15 điểm.
Có thể thấy rằng trong ngành nông nghiệp, việc đầu tư về logistics là vô cùng quan trọng vì hàng hóa càng mất nhiều thời gian vận chuyển thì tỷ lệ hư hỏng càng cao.Nếu không thể cải thiện vấn đề này thì sản phẩm nông nghiệp Việt Nam khó mà tham gia chuỗi sản xuất toàn cầu.Tuy hiểu rõ điều này nhưng trên thực tế, doanh nghiệp ngành nông nghiệp và logistics vẫn chưa tìm thấy sự liên kết chặt chẽ. Giao dịch giữa hai bên phần lớn vẫn chỉ thực hiện dưới hình thức cho thuê theo hợp đồng chứ chưa có sự liên kết để hỗ trợ nhau về giá, giúp nhau nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ. Một cái khó nữa là nhiều công ty sản xuất lẫn logistics quy mô nhỏ chỉ có thể làm ăn nhỏ lẻ, có tính thời vụ, không đủ điều kiện để tạo cơ hội hợp tác phát triển.
Chuỗi cung ứng lạnh – tiềm năng của logistics Việt Nam
Tính đến nay, Ngân hàng Thế giới và Nhà nước ta đã đầu tư tổng cộng hơn 10 tỉ USD để phát triển chuỗi cung ứng lạnh nhằm giảm tổn thất và nâng cao chất lượng thực phẩm bán ra trên thị trường. Hiện nay logistics của ngành nông nghiệp Việt Nam còn rất nhiều bên thu mua, vận chuyển và các cơ sở chế biến nhỏ lẻ. Những đơn vị này thường thiếu những trang thiết bị, cơ sở vật chất để vận hành chuỗi cung ứng lạnh hiệu quả dẫn đến tổn thất về cả lượng và chất.
Ông Julien Brun, Tổng giám đốc Công ty Tư vấn về Quản lý CEL Consulting cho biết thêm rằng các thị trường xuất khẩu nông sản chủ yếu của Việt Nam như Mỹ, Nhật Bản và EU thường xuyên đưa ra các quy định kiểm soát về an toàn thực phẩm và kiểm dịch thực vật. Hình thành các chuỗi bảo quản lạnh sẽ đảm bảo ổn định cho các ngành hàng xuất khẩu nông nghiệp, thủy sản và rau hoa quả trong tương lai.
“Đặc biệt là ngành lương thực Việt Nam cần tập trung cải thiện chuỗi cung ứng lạnh để nâng cao chất lượng không chỉ của sản phẩm xuất khẩu mà còn của sản phẩm tiêu thụ trong nước”, ông Julien Brun cho biết. Mặc dù trong vòng mười năm qua, quy mô kho lưu trữ lạnh tại Việt Nam đã tăng gấp bốn lần, nhưng lại tập trung chủ yếu ở khu vực miền Nam nhằm phục vụ hàng thủy hải sản xuất khẩu. Chuỗi cung ứng lạnh cho lương thực đầu ra thị trường nội địa tại hệ thống nhà hàng và siêu thị trong nước vẫn còn rất hạn chế.Đa phần các doanh nghiệp hoạt động trong chuỗi cung ứng lạnh là doanh nghiệp trong nước (48%) với quy mô nhỏ lẻ.Vì vậy mà hoạt động của chuỗi thường bị phân khúc trên từng giai đoạn, không thể vận hành một cách xuyên suốt. Do quy mô nhỏ lẻ nên hoạt động của chuỗi cũng thiếu những hoạt động đem lại giá trị cao như: Chế biến rau quả, đóng gói, dán tem nhãn, trung chuyển hàng hóa, sắp xếp hàng hóa lên kệ tại cửa hàng…
Các bên sản xuất nông phẩm, phân phối nông sản, các chuỗi nhà hàng và siêu thị cần hợp tác một cách chặt chẽ hơn với các bên dịch vụ chuỗi cung ứng lạnh tập trung vào các tiêu chí giá trị, chất lượng và mức độ xuyên suốt trên toàn chuỗi. Việc lựa chọn dịch vụ logistics giá thấp thường khó tiết kiệm chi phí như mong muốn. Vì các doanh nghiệp nhỏ lẻ thường đưa ra giá thành thấp nhưng lại thiếu những tiêu chí kiểm soát chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm và vì thế thường có độ tổn thất cao hơn do hư hỏng, nhiễm bẩn… Đây là một trong những chi phí tiềm ẩn mà các doanh nghiệp ít khi tính toán được. Chính vì vậy, để nông sản đảm bảo chất lượng trong bảo quản và vận chuyển thì doanh nghiệp cần cân nhắc khi chọn lựa giữa dịch vụ logistics giá rẻ và dịch vụ logistics xuyên suốt và giá trị cao.
Hoàng Anh (DNSGCT)