Khoảng cách tụt hậu so với các nước ngày càng kéo dài không chỉ là nỗi ám ảnh trước mắt mà còn cả trong thời gian dài của chúng ta. Lo lắng này được Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng bày tỏ tại phiên thảo luận chiều 27-10 của Quốc hội, khi phát biểu giải trình những vấn đề đại biểu quan tâm.
Theo ông, thời gian tới có năm thách thức, trong đó có tụt hậu và khoảng cách phát triển. Ông nói: “Báo cáo với Quốc hội, chỉ số GDP bình quân đầu người dự kiến năm 2018 đạt 2.540 USD trong khi mục tiêu đề ra là đến năm 2020 phải đạt từ 3.200 đến 3.500 USD. Hiện nay, chúng ta tăng nhanh với mức 150 USD/năm thì trong hai năm còn lại việc tăng thêm từ 800 đến 1.000 USD nữa là thách thức rất lớn. Nếu không đạt được mục tiêu này thì khoảng cách tụt hậu của chúng ta ngày càng kéo dài”.
Nêu một thách thức khác được nhiều đại biểu đề cập liên quan đến cách mạng công nghiệp 4.0, Bộ trưởng cho biết Thủ tướng cũng đang chỉ đạo các Bộ Khoa học và Công nghệ, Thông tin và Truyền thông, KH&ĐT và các bộ, ngành liên quan đang triển khai gấp rút, xây dựng chiến lược quốc gia về cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 để có tầm nhìn, bước đi phù hợp, bài bản, tận dụng mọi cơ hội của cuộc cách mạng này. Chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, yếu kém, hạn chế của các doanh nghiệp theo Bộ trưởng cũng là những thách thức trong thời gian tới, nhưng tinh thần chung của Chính phủ tuyệt đối không chủ quan, theo dõi chặt chẽ và phân tích, đánh giá kịp thời các giải pháp.
Bộ trưởng Dũng nhấn mạnh, nền kinh tế trong thời gian tới phải thực hiện mục tiêu kép. Đó là phải vừa duy trì ổn định kinh tế vĩ mô để thúc đẩy phát triển nhưng cũng phải đảm bảo thúc đẩy phát triển nhanh để tiếp tục duy trì sự ổn định vĩ mô đó. Đây là một mục tiêu phải được dựa trên khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Phải tận dụng được, đào tạo tốt được nguồn nhân lực tốt hiện nay.
Trong hai ngày thảo luận tại diễn đàn Quốc hội, nhiều ý kiến đại biểu băn khoăn cả về chất lượng và mục tiêu đến 2020 phải đạt được là làm sao có 1 triệu doanh nghiệp, so với tốc độ phát triển doanh nghiệp hiện nay thì mỗi năm phải có thêm ít nhất trên 200.000 doanh nghiệp mới ra đời. Nhiệm vụ này dưới mắt Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc gần như là bất khả thi. Bởi vào thời điểm này, sau nhiều nỗ lực để xây dựng quốc gia khởi nghiệp và đã nói rất nhiều về cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nhưng Việt Nam cũng mới chỉ có hơn 700.000 doanh nghiệp đang hoạt động.
Nhấn mạnh gần đây doanh nghiệp tăng trưởng rất nhanh, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT cho biết 2018 đang dự kiến là khoảng 130.000 doanh nghiệp, tăng 2,5%, nhưng đồng thời chín tháng đầu năm vừa qua số doanh nghiệp chờ giải thể tăng cao. Có những lý do giải thích tình trạng này: Thứ nhất, theo quy luật cạnh tranh, quy luật đào thải của những doanh nghiệp yếu, không còn khả năng tồn tại thì sẽ bị loại khỏi để thay vào những doanh nghiệp tốt và doanh nghiệp mới có điều kiện phát triển. Thứ hai, việc tiếp cận các yếu tố đầu vào của sản xuất đang rất khó khăn đối với các doanh nghiệp, như tiếp cận về vốn, công nghệ, đất đai, lao động… Thứ ba, một số doanh nghiệp đúng là có hiện tượng trục lợi chính sách, lập lên nhưng không hoạt động gì, buôn bán hóa đơn…
Tình hình phát triển đất nước tùy thuộc nhiều vào bộ máy điều hành quốc gia. Chiều 25-10 Quốc hội đã bỏ phiếu tín nhiệm 48 chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn.
Theo kết quả công bố, Phó chủ tịch Nước Đặng Thị Ngọc Thịnh được 323 phiếu tín nhiệm cao, 146 tín nhiệm và sáu tín nhiệm thấp. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân được 437 phiếu tín nhiệm cao, dẫn đầu về tỷ lệ này. Chủ tịch Quốc hội được 34 phiếu tín nhiệm và bốn phiếu tín nhiệm thấp. Như vậy, cả ba lần lấy phiếu, bà Nguyễn Thị Kim Ngân đều dẫn đầu về số phiếu tín nhiệm cao.
Các phó chủ tịch Quốc hội đều được trên 300 phiếu tín nhiệm cao. Nhiều vị Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng có trên 300 phiếu tín nhiệm cao.
Dẫn đầu về số phiếu tín nhiệm cao ở khối Chính phủ là Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với ba mức tín nhiệm cao – tín nhiệm – tín nhiệm thấp lần lượt là 393-68-14. Các Phó thủ tướng Trương Hòa Bình, Phạm Bình Minh, Vương Đình Huệ đều có tín nhiệm cao trên 300 phiếu. Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng được 210 vị đại biểu tín nhiệm cao. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng được 339 phiếu tín nhiệm cao, 122 tín nhiệm và 11 tín nhiệm thấp.
Năm nay cả 12/12 chỉ tiêu phát triển được đánh giá là đạt và vượt kế hoạch, trong đó có GDP nhưng một số vị bộ trưởng khối kinh tế không nhận được nhiều phiếu tín nhiệm cao.
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng chỉ được 169 phiếu tín nhiệm cao, 97 tín nhiệm thấp. Thấp hơn, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà được 159 vị “chấm điểm” cao, 89 vị “cho điểm” thấp. Chỉ được 197 phiếu tín nhiệm cao là Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, 69 vị cho rằng ông Hà chỉ được tín nhiệm ở mức thấp. Đứng đầu về số phiếu tín nhiệm thấp là Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ, 137 phiếu. Vị này được 140 phiếu tín nhiệm cao và 194 phiếu tín nhiệm. Sát vị trí Bộ trưởng Nhạ về tỷ lệ tín nhiệm thấp là Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể với 107 phiếu (142 tín nhiệm cao và 221 tín nhiệm).
Sau khi có kết quả, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ, người có số tín nhiệm thấp nhất, chia sẻ: “Trước hết, tôi chân thành cảm ơn các đại biểu Quốc hội và đông đảo cử tri cả nước đã luôn đồng hành, chia sẻ với sự nghiệp giáo dục và đào tạo; quan tâm, đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết cho ngành Giáo dục. Tôi coi kết quả lấy phiếu tín nhiệm lần này là động lực để bản thân tôi và toàn ngành cố gắng hơn nữa, có nhiều giải pháp quyết liệt hơn nữa, để đáp ứng sự kỳ vọng của Đảng và của nhân dân đối với sự nghiệp giáo dục và đào tạo”.
Đúng như tinh thần Nghị quyết của Quốc hội đã chỉ rõ, việc lấy phiếu tín nhiệm là nhằm giúp người được lấy phiếu tín nhiệm thấy được mức độ tín nhiệm của mình để phấn đấu, rèn luyện, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động – ông Nhạ nói thêm. Ông Nhạ tâm sự, giáo dục liên quan đến mọi người, mọi nhà và được xã hội quan tâm. Có những vấn đề không chỉ trong một sớm một chiều mới giải quyết mà phải có thời gian. “Vừa rồi, tôi cũng như ngành rất nỗ lực, có một số việc có kết quả, nhưng một số việc cần có thời gian. Qua đợt lấy phiếu này tôi sẽ cố gắng làm tốt hơn nữa để đáp ứng được nguyện vọng của cử tri và Quốc hội” – ông Nhạ chia sẻ.
Nói thêm về lĩnh vực mình quản lý, ông Nhạ cho rằng, ngành nào cũng có vấn đề riêng, giáo dục thì có phần nhạy cảm hơn. Tuy nhiên, cần phải cố gắng hơn để làm sao giải quyết dần dần, cùng với thầy cô và cả hệ thống chính trị, đặc biệt với phụ huynh và nhân dân để làm sao đạt kết quả tốt nhất.
Theo quy định tại Điều 10 Nghị quyết 85/2014/QH13 về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn thì “Người được bỏ phiếu tín nhiệm có quá nửa tổng số đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân đánh giá “không tín nhiệm” có thể xin từ chức; trường hợp không từ chức thì cơ quan hoặc người có thẩm quyền giới thiệu người đó để Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn có trách nhiệm trình Quốc hội, Hội đồng nhân dân xem xét, quyết định việc miễn nhiệm hoặc phê chuẩn đề nghị miễn nhiệm đối với người đó”.
Nghị quyết cũng quy định nếu người được lấy phiếu tín nhiệm có từ 2/3 tổng số đại biểu Quốc hội trở lên đánh giá “tín nhiệm thấp” thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm. Kết quả kiểm phiếu được công bố cho thấy không có vị nào có tỷ lệ phiếu tín nhiệm thấp trên 50%, tức là không thuộc diện từ chức.