Như vậy là sau nhiều lần giảm giá liên tục kể từ giữa năm 2014, giá xăng đã tăng trở lại vào ngày 11-3 vừa qua. Động thái này tiếp ngay sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý tăng thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng này từ 1.000 đồng lên 3.000 đồng/lít. Việc điều chỉnh tăng giá xăng và giá điện (từ 16-3) gần như đồng thời sẽ có tác động tiêu cực tới chỉ số CPI ngay trong tháng 3 và có thể khiến chỉ số này tăng trở lại sau bốn tháng giảm liên tiếp. Dù rằng chi phí điện được tăng theo lộ trình và giá xăng tăng, giảm tuân theo diễn tiến giá xăng dầu thế giới, nhưng sự kết hợp tăng giá của hai mặt hàng này cũng khiến cho chi phí đầu vào của các doanh nghiệp tăng lên, kéo theo kết quả kinh doanh có thể bị ảnh hưởng. Ngoài ra, các chi phí thiết yếu này tăng lên có thể khiến cho khoản tiền dành cho tiêu dùng của người dân bị thu hẹp, cầu tiêu dùng giảm đi, tác động tiêu cực đến sức mua hay chính là đầu ra của các doanh nghiệp.
Điều đó có nghĩa là giới doanh nghiệp lại có thêm vấn đề để mà lo lắng, bên cạnh việc lạm phát có dấu hiệu “nhúc nhích” sẽ khiến cho một quyết định giảm trần lãi suất huy động (nếu có) của Ngân hàng Nhà nước càng trở nên khó khăn. Trước đó, khi chỉ số lạm phát giảm nhiều tháng liên tiếp và đặc biệt là khi các ngân hàng thương mại đồng loạt giảm lãi suất huy động từ đầu tháng 3, nhiều người đã kỳ vọng vào một sự hợp thức hóa hạ trần lãi suất huy động từ phía Ngân hàng Nhà nước. Nếu điều này xảy ra, lãi suất cho vay cũng giảm theo, từ đó các doanh nghiệp đang và sẽ vay vốn ngân hàng được hưởng lợi. Nhưng nay, với việc trong tương lai gần mặt bằng giá cả có thể tăng, sự việc sẽ trở nên khó lường. Các ngân hàng thương mại có thể chưa giảm lãi suất cho vay, dù đang hưởng lợi từ việc chủ động cắt giảm lãi suất huy động đầu vào. Họ sẽ chờ xem diễn tiến và đưa ra những lý do chính đáng cho việc chưa giảm lãi suất cho vay. Chẳng hạn như cần có thời gian để cân đối lại dòng vốn. Hay độ trễ của lãi suất cho vay thường khoảng 5-6 tháng so với lãi suất huy động. Rồi mọi chuyện tùy thuộc vào kỳ hạn huy động và cho vay kỳ trước, khi đến kỳ đáo hạn thì chi phí vốn đầu vào của các ngân hàng mới giảm để có thể điều chỉnh lãi suất cho vay. Hoặc nữa, do vấn đề quản lý tài chính của nhiều doanh nghiệp còn chưa tốt, mức độ rủi ro cao nên ngân hàng phải cho vay với lãi suất phù hợp… Mà lãi suất phù hợp đó chính là mức mà các doanh nghiệp cho rằng quá cao so với lãi suất huy động hiện nay. Không những thế, lãi suất của những hợp đồng cho vay mới cũng không giảm tương ứng so với mức giảm của lãi suất huy động. Vậy nên, các doanh nghiệp nhìn chung chỉ có thể chờ đợi, dù biết rằng những khi lãi suất huy động tăng cao thì hầu như lãi suất cho vay dành cho họ sẽ được các ngân hàng điều chỉnh ngay, không cần “độ trễ” gì cả.
Trong một phát biểu gần đây, người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước từng cho rằng nếu để một nền kinh tế bất ổn về vĩ mô, lạm phát gia tăng thì đừng đòi hỏi hệ thống ngân hàng có một lãi suất thấp và đặc biệt là không thể huy động được vốn trung và dài hạn. Lạm phát cao thì lãi suất ngắn hạn cũng phải cao, người dân chỉ muốn gửi tiết kiệm ở các kỳ hạn ngắn. Thực tế hiện nay, dù lãi suất huy động giảm, người gửi tiền vẫn đang lựa chọn các kỳ hạn ngắn để đề phòng khả năng lạm phát sẽ tăng lên trong tương lai. Đợt tăng giá đồng thời của hai mặt hàng thiết yếu là xăng và điện, vì vậy, sẽ khiến cho việc giảm lãi suất gặp phải nhiều thách thức.
Minh Hằng (DNSGCT)