Tẩy trắng răng là một trong những phương pháp điều trị nha khoa thẩm mỹ phổ biến nhất trong những năm gần đây. Tẩy trắng răng là một phương pháp điều trị bảo tồn, ít chi phí hơn so với điều trị phục hình răng (làm răng sứ) khi răng bị đổi màu. Ngoài ra, các sản phẩm làm trắng răng không cần bác sĩ kê toa cũng rất dễ tìm mua trên thị trường như: nước súc miệng, kẹo cao su, kem đánh răng, miếng dán tẩy trắng răng… Việc tẩy trắng răng tưởng chừng như đơn giản và vô hại nhưng đã để lại nhiều hậu quả đáng tiếc. Không ít trường hợp buộc phải nhổ bỏ hay phục hồi thẩm mỹ do tổn thương phần men và chân răng, thậm chí bị tổn thương khớp thái dương hàm do mang dụng cụ cả đêm và phải mất nhiều chi phí cho việc phục hồi khả năng nhai.
Kiểm tra kỹ sức khỏe răng miệng trước khi tẩy trắng răng
Thông thường, trước khi điều trị tẩy trắng răng, bác sĩ phải có đánh giá tổng quát về các vấn đề sức khỏe răng miệng cũng như các dấu hiệu bệnh lý khác thông qua kiểm tra kỹ các mô cứng, mô mềm trong miệng, kiểm tra đầu cổ… Một số người bị đổi màu răng là do tiền sử bệnh hoặc tình trạng đòi hỏi phải điều trị nội nha, phục hình hoặc phẫu thuật. Sâu răng là tình trạng phổ biến có thể làm cho răng tối màu. Phương pháp điều trị tẩy trắng sẽ không thể loại bỏ sâu răng mà có thể làm cho tình trạng này nghiêm trọng hơn.
Phục hình răng cũng có thể là một nguyên nhân gây ra sự đổi màu răng: kim loại và các vật liệu phục hình khác có thểảnh hưởng đến màu răng. Kiểm tra răng miệng sẽ giúp xác định vị trí của phục hồi răng hiện có. Bước này cũng khá quan trọng để xem liệu màu sắc răng phục hình có phù hợp với những răng bên cạnh sau tẩy trắng. Ngoài ra cũng cần xem kỹ những vết rạn nứt men răng, lộ bề mặt chân răng. Bác sĩ cũng cần kiểm tra các vấn đề liên quan đến bệnh nghiến răng hoặc rối loạn chức năng thái dương hàm, vì sử dụng máng tẩy trắng răng có thể làm trầm trọng hơn các bệnh lý này. Phương pháp chụp X-quang giúp hỗ trợ trong việc kiểm tra và chẩn đoán nguyên nhân làm răng tối màu, chẳng hạn như tủy hoại tử có hoặc không nhiễm trùng, vôi hóa, tiêu chân răng… Bệnh nhân có răng nhạy cảm cũng cần được kiểm tra và điều trị trước khi thực hiện tẩy trắng răng. Ngoài ra, đổi màu răng cũng có liên quan đến nhiều nguyên nhân như: di truyền, tuổi tác, nhuộm màu bên ngoài (từ chế độ ăn uống hoặc hút thuốc), hoặc nhuộm màu bên trong như tetracycline hoặc màu sắc thay đổi thứ phát do chấn thương răng…
Tùy theo nguyên nhân làm răng tối màu mà chúng ta chọn lựa các sản phẩm thuốc tẩy và kỹ thuật điều trị phù hợp. Nếu bệnh nhân có tiền sử răng nhạy cảm do nhiệt độ hoặc kích thích cơ học, bác sĩ có thể sử dụng các thuốc chống viêm, fluoride, hoặc kali nitrat… Trong thời gian điều trị, có thể cần thiết để thay đổi lựa chọn một sản phẩm tẩy trắng răng khác thay thế, thay đổi thời gian điều trị hoặc điều trị từng khoảng thời gian sẽ được bác sĩ tính toán kỹ lưỡng.
Lựa chọn phương pháp tẩy trắng răng phù hợp
Phương pháp điều trị tẩy trắng được nha sĩ giám sát có thể bao gồm tẩy trắng tại phòng nha, tẩy tại nhà (sử dụng máng tẩy trắng) hoặc một sự kết hợp của hai phương pháp điều trị trên. Sự lựa chọn giữa các phương pháp và các loại sản phẩm liên quan đến nhiều yếu tố, bao gồm cả lối sống của bệnh nhân, tiền sử sâu răng, răng nhạy cảm và loại đổi màu răng. Ngoài ra, nhu cầu và hiệu quả của việc duy trì hoặc định kỳ điều trị lại cũng rất khác nhau.
Với phương pháp tẩy trắng bằng máng tẩy, nếu nhạy cảm răng là vấn đề, máng có thể thuận lợi cho việc sử dụng các loại thuốc chống ê buốt, trừ khi thuốc tẩy trắng đã bao gồm chất giảm độ nhạy cảm răng. Nồng độ peroxide cao hơn dẫn đến nhạy cảm hơn nhưng có thể không rút ngắn thời gian điều trị vì răng mỗi cá nhân có thể đáp ứng ở các mức độ khác nhau.
Với tẩy trắng răng tại phòng nha thì việc cách ly và bảo vệ các mô niêm mạc là rất cần thiết. Bác sĩ cũng có thể xem xét chỉ định thuốc giảm đau, vì sau điều trị, răng nhạy cảm là không thể đoán trước. Lịch trình điều trị cũng có thể là một phương pháp hữu ích để giúp giảm thiểu sự nhạy cảm răng. Một số báo cáo cho rằng nhiệt độ tủy có thể tăng, có thể làm tăng sự nhạy cảm của răng do việc sử dụng ánh sáng đèn tẩy trắng không phù hợp, tùy thuộc vào nguồn ánh sáng và thời gian tiếp xúc. Hiện nay đã có các hệ thống tẩy trắng tại phòng nha không cần đèn có thể làm giảm các nguy cơ trên mà hiệu quả gần như tương đương.
Như vậy, tẩy trắng răng không phải là không có rủi ro và dữ liệu lâm sàng trong dài hạn về các tác dụng phụ của tẩy trắng răng còn giới hạn. Do đó, tẩy trắng răng tốt nhất nên thực hiện dưới sự giám sát của các chuyên gia và nhất thiết phải kiểm tra răng miệng trước khi điều trị. Bác sĩ sẽ thảo luận các vấn đề với bệnh nhân, các lựa chọn điều trị tẩy trắng thích hợp nhất, dựa trên lối sống của bệnh nhân, cân nhắc về tài chính và tình trạng sức khỏe răng miệng hiện tại. Các sản phẩm tẩy trắng không cần kê toa bán tràn lan trên thị trường có thể tiềm ẩn nhiều nguy cơ khó lường cho răng miệng, chúng ta nên thận trọng khi muốn sử dụng.
- BS Nguyễn Đức Trình – Chuyên khoa Răng – Hàm – Mặt, Phòng khám Đa khoa Quốc tế Yersin.