Những thói quen “kỳ quặc” của bé không chỉ làm bạn hơi khó chịu một chút, có khi còn làm bạn lo lắng và tự hỏi: Liệu thói quen này kéo dài có gây nguy hại gì không? Đó có phải là dấu hiệu cảm xúc mà trẻ không bày tỏ được?”. Giáo sư Neville Butler – Giám đốc Viện nghiên cứu Trẻ em Quốc tế của Mỹ – cho biết: “Hầu hết những thói quen là khá phổ biến nên đều được xem là bình thường, không phải là biểu hiện của vấn đề gì bất ổn trong tâm lý trẻ”.
Ngậm ngón tay cái: 50% trẻ em từ 3-4 tuổi hay mút ngón tay cái. Đến 10 tuổi, trong 15 bé chỉ còn một bé. Nhiều trẻ ngưng làm thế khi bắt đầu đến trường. Bố mẹ bắt trẻ phải ngưng có thể gây cho chúng một áp lực không cần thiết. Các nha sĩ cho biết hành động này ít gây hại cho những chiếc răng sữa, nhưng với răng vĩnh viễn, mút tay có thể làm răng bị hô.
Ngoáy mũi: Đây đơn giản chỉ là một hành vi trông thiếu thẩm mỹ nhưng không có gì đáng ngại. (Thật ra, nhiều người lớn vẫn còn bí mật ngoáy mũi). Bạn cần nhắc nhở trẻ rằng, đó không phải là một hành động dễ coi và đưa cho trẻ khăn giấy mỗi khi chúng ngoáy mũi để trẻ quen dần, tiến tới bỏ được tật này.
Cắn móng tay: Không đáng lo, trừ khi e rằng bé có thể cắn móng tay ngày càng nhiều hơn. Chú ý thường xuyên cắt móng tay và rửa tay cho bé.
Se và xoắn nhẹ tóc: Đây là một hành động làm cho trẻ cảm thấy dễ chịu, nhất là khi buồn ngủ, không nghiêm trọng đâu. Lớn lên, trẻ sẽ bỏ thói quen này hoặc sẽ ý thức được hành vi mình làm. Chỉ khi nào trẻ làm điều này với tâm trạng không vui, bạn mới nên gặp bác sĩ nhờ tư vấn.
Các động tác bất thường: Tình trạng lặp đi lặp lại một động tác như: chớp mắt, khịt mũi, tằng hắng liên tục hoặc những hành động vô thức khác, thường bắt đầu khi trẻ lên 4 tuổi. Mặc dù khi được 15 tuổi, tỷ lệ trẻ vẫn còn tình trạng này là 1/30 em, nhưng nói chung, trẻ em đến tuổi dậy thì thường tự nhiên từ bỏ những hành vi khác thường của mình. Đây là một tật xấu hiếm gặp và có lẽ do di truyền, vì vậy muốn chấm dứt chúng cần có sự điều trị của các bác sĩ chuyên môn.
Nói lắp: Cứ 10 trẻ thì sẽ có một bị nói lắp ở độ 5 tuổi. Đến 15 tuổi, 1.000 trẻ em nói lắp chỉ còn lại một người. Hiện tượng này thường do thiếu đồng nhất trong suy nghĩ và lời nói, trẻ em không thể nói nhanh bằng suy nghĩ của chúng. Tình trạng nói lắp nghiêm trọng hiếm khi xảy ra, vì vậy các bậc bố mẹ nên kiên nhẫn, cố gắng không ngắt câu khi trẻ đang nói. Nếu bé vẫn tiếp tục lâu dài và có liên quan đến việc khó khăn khi phát âm, chứ không còn đơn thuần là vấp chữ, bạn hãy tìm đến một nhà trị liệu ngôn ngữ.
Sờ bộ phận sinh dục: Không có vấn đề gì cả. Nếu trẻ vẫn còn mắc tật này sau 6 tuổi, bạn nên khuyên chúng bỏ đi để không tạo thành thói quen.