Chương trình phát triển bền vững khu vực châu Á – Thái Bình Dương đến năm 2030 muốn đảm bảo thành công cần phải được thúc đẩy việc tăng năng suất trên diện rộng và tái cân bằng nền kinh tế để phục vụ cho nhu cầu trong nước và khu vực.
Trên đây chính là khuyến cáo mà Ủy ban kinh tế và xã hội châu Á – Thái Bình Dương mới đưa ra sau khi tiến hành cuộc khảo sát về kinh tế và xã hội khu vực này hồi đầu năm. Một chiến lược như vậy không chỉ là nền tảng cho sự phục hồi tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ mà còn góp phần nâng cao chất lượng tăng trưởng và làm cho nền kinh tế phát triển toàn diện, bền vững hơn.
Làm thế nào để các quốc gia châu Á – Thái Bình Dương có thể hoạch định các chính sách tập trung cho vấn đề đó? Phương pháp tiếp cận bằng cách tập trung phát triển kinh tế thông qua đẩy mạnh xuất khẩu của các nền kinh tế khu vực này hiện nay không mang lại hiệu quả cao. Tác động của việc nới lỏng chính sách tiền tệ cũng không đem lại hiệu quả tích cực, là lý do dẫn tới sự rủi ro của việc điều chỉnh kinh tế vĩ mô, gây ra sự biến động về tỷ giá. Sự tăng trưởng của các nền kinh tế ở khu vực được dự báo là không mấy khả quan. Năm 2016, nền kinh tế của khu vực này được dự báo tăng trưởng ở mức 4,8 – 5%, cao hơn chút ít so với mức tăng 4,6% của năm 2015. Trong khi đó, ở giai đoạn 2005-2007 (giai đoạn trước khi xảy ra khủng hoảng), kinh tế của khu vực này phát triển trung bình 9,4%.
Cùng với sự suy giảm về kinh tế, những tiến bộ trong xóa đói giảm nghèo đang chậm lại, sự bất bình đẳng gia tăng và triển vọng tạo ra việc làm ổn định đang yếu dần. Đồng thời, việc đô thị hóa nhanh chóng và tầng lớp trung lưu tăng mạnh đang đặt ra những thách thức về kinh tế, xã hội và môi trường. Các vấn đề đó có thể làm ảnh hưởng đến sự phát triển của khu vực này trong thập niên tới đây, làm cho các quốc gia ở khu vực gặp phải những khó khăn để có thể theo đuổi chương trình phát triển bền vững của mình.
Để vượt qua những thách thức trên, vực dậy sự phát triển kinh tế và đảm bảo thành công của chương trình phát triển bền vững của khu vực đến năm 2030, các quốc gia ở khu vực cần sử dụng tổng hợp các biện pháp: kích thích kinh tế bao gồm cả chính sách tài khóa, các biện pháp bảo trợ xã hội, tăng cường nguồn lực trong nước. Sự tác động đó sẽ không chỉ hỗ trợ cho nhu cầu trong nước mà còn góp phần tạo ra nền tảng vững chắc cho sự tăng trưởng trong tương lai. Trong đó, tập trung vào các mục tiêu: chất lượng lao động, kiến thức, kỹ năng và sức khỏe của lực lượng lao động; đổi mới lĩnh vực thương mại và đầu tư, đổi mới cơ sở hạ tầng, năng lượng và công nghệ thông tin; việc tiếp cận với các nguồn tài chính đặc biệt là với doanh nghiệp vừa và nhỏ.
L.Q theo Bưu điện Jakarta (DNSGCT)