Cũng trong khoảng thời gian này, thành phần trung lưu tại châu Âu sẽ bị đình trệ và ở Mỹ có xu hướng suy thoái.
Tuy nhiên, UNDP lưu ý rằng nếu chỉ dựa vào tiêu chí thu nhập cũng chưa đủ để định nghĩa thế nào là trung lưu, bởi mỗi quốc gia có những quy định khác nhau về ngưỡng nghèo. Do vậy cần phải dựa thêm vào cách thức tiêu tiền của người dân để xác định rõ.
Tiêu chuẩn chi tiêu cho giáo dục của con cái chính là một tiêu chí để đánh giá. Theo ước tính, số trẻ trên 15 tuổi không được đến trường sẽ giảm mạnh chỉ còn ở mức 3% vào năm 2050 so với mức 12% trong năm 2010. Cùng thời gian ấy, tỷ lệ người có bằng cấp tương đương với cấp 2 và cao hơn nữa sẽ tăng vọt từ 44% lên 64%.
Hệ quả là phụ nữ thuộc tầng lớp này, có bằng cấp và sống chủ yếu ở thành thị, sẽ lập gia đình trễ hơn, muốn được thoát mọi ràng buộc và thích làm việc. Điều đó sẽ châm ngòi cho một sự chuyển giao dân số và sự sút giảm tỷ lệ sinh sản.
Thu nhập tăng cùng với việc nuôi ít miệng ăn cũng làm cho những hộ gia đình của tầng lớp trung lưu mới thay đổi thói quen tiêu thụ. Họ sẽ chi tiêu nhiều vào việc mua các loại thực phẩm ngon và sang hơn, mua sắm trang thiết bị tiện nghi hơn hay để được hưởng các dịch vụ tốt hơn.
Rõ ràng, triển vọng trên đang mở ra nhiều hứa hẹn hấp dẫn cho các doanh nghiệp, nhất là đối với ngành công nghiệp xe hơi. Bởi việc sở hữu một chiếc xe riêng còn thể hiện cho thấy một mức độ giàu sang nào đó.
Bên cạnh vấn đề kinh tế, hậu quả của sự bùng nổ một lớp trung lưu mới còn làm thay đổi các quan điểm xã hội. Nếu như chuyện cái ăn, cái mặc không còn là mối bận tâm hàng đầu nữa, những đòi hỏi khác cao hơn sẽ phát sinh, chẳng hạn như chuyện chỗ ở, an ninh. Tiếp đến là các nhu cầu về xã hội, về tâm lý và sau cùng nhu cầu tự hoàn thiện.
Các nhà phân tích cho rằng đến một mức nào đó, chính tầng lớp trung lưu thúc đẩy các tiến trình cải cách chính trị và thể chế, đòi hỏi được tham gia rộng rãi hơn, cả trong chính trị lẫn kinh tế. Theo như đánh giá của một nhà nghiên cứu kinh tế, các cuộc biểu tình rầm rộ chống nạn bạo hành phụ nữ tại Ấn Độ, hay như phong trào phản đối trên các trang mạng Trung Quốc chống ô nhiễm và tham nhũng… chính là phương cách để tầng lớp trung lưu mới biểu hiện sự bất mãn.
T.H theo Le Monde