Theo dự tính sơ bộ, tổng lượng vốn mà họ phải tăng từ nay đến cuối năm lên đến 25 tỉ bảng (tương đương 38 tỉ USD) để không bị vướng vào một cú sốc tài chính rất có thể sẽ xảy ra. Các thanh tra ngân hàng đã ấn định là cuối năm nay, hệ thống ngân hàng thương mại phải thực hiện xong việc tăng vốn theo tỷ lệ cấp 1 – thước đo khả năng chống đỡ khủng hoảng tài chính, ít nhất là 7% theo quy chế kế toán Basel III.
Bản báo cáo được công bố hôm 27-3 cho biết các ngân hàng thương mại Anh đã kê khống vốn dự trữ tổng hợp lên đến 50 tỉ bảng. Để tăng cường khâu giám sát các ngân hàng thương mại, Ngân hàng Trung ương Anh đã thành lập một bộ phận mới chịu trách nhiệm kiểm soát hằng ngày các ngân hàng lớn nhất và đánh giá kết quả tăng vốn theo tiến độ đã đề ra của các ngân hàng thương mại. Sự quan tâm sẽ tập trung vào Royal Bank of Scotland (RBS) và Lloyds Banking Group vì hai ngân hàng này đã nhận nhiều tỉ USD tiền cứu trợ trong cuộc khủng hoảng tài chính.
Ngân hàng Trung ương Anh sẽ trực tiếp giám sát các ngân hàng như HSBC và Barclays từ tuần sau và cho biết rằng dự trữ mới rất cần thiết để đảm bảo an toàn khi các nghiệp vụ cho vay có nhiều rủi ro, có hiện tượng vi phạm quy chế và cả việc điều chỉnh bảng cân đối kế toán. Trong khi đó, các nhà hoạch định chính sách lo ngại rằng các ngân hàng sẽ cắt giảm cho vay trong nước như là một cố gắng để tăng vốn.
Mặc dù quá trình tăng vốn đang đi đúng kỳ vọng của các nhà phân tích kinh tế – tài chính nhưng phần lớn cổ phiếu của các ngân hàng thương mại Anh đều giảm giá trong tuần qua.Việc thúc đẩy tăng dự trữ của các ngân hàng thương mại tại Anh là một phần của cố gắng nhằm tránh các cuộc khủng hoảng tài chính trong tương lai. Bắt đầu từ năm 2014, Ngân hàng Trung ương Anh có kế hoạch thực hiện kiểm tra thường xuyên năng lực của các định chế tài chính để xác định có đủ nguồn vốn dự trữ hay không.
Thiên Bảo theo NYT, 27-3-2013