Mỗi khi nhắc đến dòng họ nhà chuột, người ta thường coi đó là những con vật đáng khinh bỉ vì chúng quá tinh ranh xảo quyệt. Có thể nói chuột là kẻ thù của nông dân vì chúng chuyên phá hại mùa màng, đồng áng.
Ngoài đồng thì cắn lúa, phá bắp, phá khoai; trong vườn thì khoét dừa, bẻ chuối, phá hoại các loài cây trái, hoa màu. Đáng sợ nhất là khi vào nhà chúng chẳng khác nào tên cướp, láo liên, lục lạo hũ gạo, hũ nếp, nồi cơm, ơ cá, cắn nát áo quần, không từ bất cứ thứ nào. Ngoài ra, chuột còn là “sứ giả tồi tệ” của nhiều dịch bệnh nguy hiểm.
Chuột qua cái nhìn của người đời
Chuột mưu trí và gian xảo đến nổi nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu phải làm bài Hịch bắt chuột, coi chúng như giặc: “Lớn nhỏ răng đều bốn cái, ăn của người thầm kín biết bao nhiêu. Vắn dài râu mọc hai chia, vắng mặt chủ hung hăng lắm lúc…”. Cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng rất ghét chuột: “Gặm khoét thật thâm độc. Đồng ruộng trơ lúa khô. Kho đụn hết gạo thóc…”.
Ngươi đời còn gán ghép cho chuột biết bao điều xấu xa, chẳng hạn như: cháy nhà ra mặt chuột; coi chừng nhà có chuột; đồ chim chuột; đồ chuột chết; lũ giặc chuột; lủi như chuột; ướt như chuột; chuột chạy cùng sào; mắt dơi mày chuột… nhằm ám chỉ bọn tiểu nhân, bọn cơ hội. Chuột biểu trưng cho thân phận thấp hèn “Đầu voi đuôi chuột”…
Chuột không những tinh khôn mà còn tinh quái nên khó ai diệt được cả bầy, bắt cả ổ. Dù cho dùng thuốc độc, bẫy, rập, gài điện… con người cũng chỉ bắt được một vài con, sau đó những con còn lại biết là “chỗ chết” nên chúng tìm cách tránh xa.
Chuột tuy khôn ngoan nhưng lại là con vật ăn dơ ở dáy nhất trong các loài động vật khiến cho con người ghê tởm. Về chỗ ở, chúng thường chui rúc trong hang, kẹt, hóc, gốc cây, cống rãnh, kể cả những nơi bẩn thỉu, hôi hám. Trừ chuột cống nhum, chúng thường chọn nơi cao ráo để đào hang. Về cái ăn thì đụng gì ăn nấy, từ cơm thừa canh cặn cho đến xác chết hôi thúi, chúng cũng không từ. Về sinh con đẻ cái, phải nói dòng họ nhà chuột đẻ sai nhất và khiếp nhất. Trung bình một năm, một cặp vợ chồng chuột có thể đẻ trên 200 con.
Thường mỗi con vật trong 12 con giáp đều có cái ưu cái nhược, cái đáng yêu và cái đáng ghét. Thế nhưng, đối với con chuột hình như người ta nói nhiều về cái hại mà ít khi nhắc đến cái lợi, ngoại trừ chuột dùng làm thí nghiệm trong y học và thịt chuột là món ăn khoái khẩu được các tay sành điệu ẩm thực ca ngợi. Trong ca dao, tục ngữ, thành ngữ, chúng ta hiếm thấy câu nào ca ngợi chuột, họa hoằn mới có câu: “Thứ nhứt đom đóm vào nhà, thứ hai chuột rúc, thứ ba hoa đèn” (Đom đóm vào nhà, tiếng chuột rúc và hoa đèn là điềm lành).
- Xem thêm: Chuột ơi, xin cảm ơn!
Ngay cả mấy câu ca dao: “Con mèo mà trèo cây cau/ Hỏi thăm chú chuột đi đâu vắng nhà?/ Chú chuột đi chợ gần xa/ Mua mắm mua muối giỗ cha chú mèo”. Mới nghe qua ai cũng tưởng đâu mèo và chuột, hai kẻ thù truyền kiếp nay đã kết tình thân giao, nhưng đó chỉ là những lời già nhân giả nghĩa, xảo trá, lường gạt.
Ngoại trừ trong văn học Việt Nam có tác phẩm Trinh thử của Hồ Quyền Quy, tập truyện thơ dài 850 câu nói lên lòng trinh tiết của con chuột là có ý đề cao họ hàng nhà chuột. Còn lại những tác phẩm khác đều lên án loài chuột:
Tánh hay ăn vặt, lòng chẳng kiêng dè
Chỗ ở ăn hang lỗ nhiều bề
Chờ đêm khuya sẽ lén lút ra, liếng hơn con khỉ.
(Nguyễn Đình Chiểu)
Chuột là món ăn khoái khẩu
Chuột mang tiếng xấu như thế nhưng thịt chuột thì không chê chỗ nào! Nhà văn Vũ Bằng mô tả món thịt chuột xào với rau mò om thì thật tuyệt vời. Ông ca ngợi không tiếc lời “Sao cái thịt nầy nó mềm thế nhỉ, mà lại ngọt mà lại thơm một cách rùng rợn mê ly thế nhỉ!”. Nhà văn Sơn Nam đã viết: “Đầu mùa con chuột mập béo. Chuột rôti ăn với xoài băm nhỏ, vị chua sẽ đánh tan mùi hôi của chuột…”. Tại làng Canh Nậu, Hà Tây có thông lệ đám cưới phải có thịt chuột mới hấp dẫn.
Người miền Tây gọi thịt chuột là “nai đồng quê” vì thịt nó thơm ngon không kém gì thịt nai rừng. Những ngưòi sành điệu về ẩm thực coi thịt chuột là một trong những đặc sản được xếp vào hàng “độc chiêu” của miền Tây. Tại các quán nhậu miền Tây, ngoài các món chuột chiên, chuột xào, chuột khìa nước dừa, chuột rôti… mấy năm gần đây, nhiều tay đầu bếp khéo léo còn chế biến thêm nhiều món chuột xào, chuột nướng chung với các loài thảo dã mang hương vị của một thời khai hoang như chuột xào rau răm, chuột xào lá quít, lá gừng, chuột nướng sả ớt… độc đáo và phổ biến nhất hiện nay là “chuột quay lu”, “chuột khìa nước cốt dừa”. Ở Bạc Liêu còn có các món đặc sản thuộc hàng siêu đẳng như chuột xào lá cách, xào rau mui, rau ngỗ và cả mắm chuột, khô chuột…
Món rau ăn kèm với chuột quay lu hấp dẫn nhất là rau răm, tía tô, húng nhủi, dưa leo… chấm xì dầu hoặc muối tiêu chanh. Chuột quay lu ngon nhất là loại chuột cống nhum, con to, nhiều nạc, chính vì vậy mà hiện nay nhiều nhà hàng đặc sản phải mua cống nhum từ Campuchia chở qua. Chuột khìa nước cốt dừa thì hơi cầu kỳ hơn. Cũng chuột làm sạch nhưng không mổ bụng mà chỉ khoét một lỗ nhỏ để móc ruột ra. Sau đó, bằm nhuyễn hành, tỏi, thịt chuột, cộng thêm với gia vị, đậu phộng rồi dồn tất cả vào bụng chuột, đem chiên vàng trước khi cho vào nồi khìa với nước cốt dừa. Món nầy vừa thơm, vừa béo rất bắt mắt và ngon miệng.
Luận bàn về món “nai đồng quê” nhiều người hào hứng kể, nào chuột làm nhưn bánh bao, nào chuột làm mắm, chuột kho mắm, chuột xào mặn, chuột làm khô, chuột nấu canh chua… nhưng khi nghe đến món chuột “úp trách” ai cũng phát thèm. Chuột úp trách còn gọi là chuột úp nồi, cách làm cũng giống như chuột quay lu nhưng thay vì dùng lu, người ta lại dùng nồi.
- Xem thêm: Tản mạn ‘cụ Tý’
Ở một vài nơi, có người ra đồng bắt những con chuột còn đỏ hỏn, bỏ hết đồ lòng, rửa sạch bằng rượu rồi lăn bột chiên giòn hoặc đem ngâm chung với đông dược để làm thuốc rượu uống cho bỗ dưỡng. Theo dược sĩ Bùi Kim Tùng, người ăn thịt chuột nhiều ngày sẽ giúp cho mạnh thận khí, tinh tủy đầy đủ, không đau lưng, hết mỏi gối, tóc đen. Ông còn dẫn thêm ý kiến của y sư Tuệ Tĩnh rằng thịt chuột có vị ngọt, hơi ấm, không độc, có thể trị được bệnh hiếm muộn.
Muôn cách bắt chuột
Trên hành tinh này có rất nhiều loại chuột, được xếp thành 13 họ, trong đó loại chuột bạch từ lâu đã giúp ích cho việc nghiên cứu khoa học, còn chuột đồng (chuột cơm) lại là nguồn thực phẩm có giá trị đối với dân miệt vườn. Hằng năm, khi vụ lúa Đông Xuân vừa chín là bà con nông dân ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long bắt đầu chuẩn bị đồ nghề để bẫy chuột, sôi động nhứt là ở An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Hậu Giang.
Nhiều năm nay, chuột đồng được coi là đặc sản của miền Tây nên giá chuột lúc nào cũng ở mức cao. Hơn nữa, gần đây nhiều người nuôi trăn bằng cách cho trăn ăn chuột sống nên giá chuột ngày càng tăng vọt. Để tăng thêm thu nhập, bà con nông dân, nhất là thanh niên đã nghiên cứu ra nhiều cách đánh bắt tinh vi và hiệu quả, điển hình như bẫy lưới, bẫy rập, soi đèn, đào hang, chất chà chuột… Bên cạnh đó, nhiều người tập trung diệt chuột. Người ta diệt chuột bằng nhiều cách, như bã thuốc, keo dính chuột, giật điện để đẩy lùi chúng, nhưng không cách nào tiêu diệt được đội quân khổng lồ này.
Thường mùa chuột bắt đầu từ sau vụ Đông Xuân cho đến hết tháng tư. Lúc đó, người ta đánh bắt chuột chủ yếu bằng bẫy rập, có nơi mỗi ngày thu gom hằng tấn chuột để mổ thịt hoặc chuyển chuột sống đến các chợ đầu mối. Còn mùa nước nổi, chuột đồng không nơi sinh sống, chúng phải tìm các gò đất cao hoặc nơi lùm bụi để trú ẩn. Muốn bắt chúng, nhiều người phải tổ chức đi săn bắt bằng nhiều hình thức khác nhau.
- Xem thêm: Thịt chuột ở miền Tây
Nhiều tay thợ săn chuyên nghiệp còn dùng cả ghe, xuồng bao vây tứ phía, người dùng chĩa, kẻ dùng gậy, tấn công vào tận các sào huyệt của lủ chuột dọc theo các cồn, bãi hoặc các mé vườn, bìa rừng. Nhưng lực lượng xung kích vẫn là các chú chó thiện chiến, chuyên lùng sục và rượt đuổi khiến cho chuột không còn đường lẫn trốn. Đặc biệt, chuột cống nhum, một loài chuột to con, nặng cả nửa kí, giá trị kinh tế khá cao. Loài chuột này thường ẩn trốn trên các gò cao, nơi hoang vắng. Chúng khôn ngoan và táo tợn, muốn bắt chúng phải nhờ chó săn đánh hơi, sau đó mới tìm miệng hang un khói hoặc đổ nước vào hang cho đến khi bị ngộp chúng mới chịu chun ra.
Cách săn bắt chuột độc đáo nhất trong mùa nước nổi là dùng lưới bao quanh miệng hang rồi đổ nước cho chuột ngộp sẽ tự động chui vào lưới. Cách thứ hai là chọn những gò đất cao, rậm, nhiều cỏ và rơm rạ rồi chất chà dụ chuột vào tóm cổ nguyên bầy. Hiệu quả nhất là cho chó đánh hơi miệng hang. Nếu phát hiện có chuột, mọi người sẽ xúm nhau đào bắt trọn ổ, bình quân mỗi hang từ vài ba con đến vài ba ký.
Xem ra loài chuột tuy bị lên án là giống phá phách, nhưng thịt của nó lại là những món thơm ngon hấp dẫn và có tính năng bổ dưỡng, góp phần làm cho ẩm thực Việt Nam thêm phong phú và phục vụ đắc lực cho nhu cầu ăn uống của con người.