Trong 12 con giáp, “cụ Tý” nhỏ con nhất, nhưng lại đứng đầu, tại sao vậy?
Tương truyền, Thiên đình từ lâu bốn bề yên lặng, các vị thần tiên đâm ra biếng nhát. Để nâng cao thể chất, Vương mẫu nương nương có sáng kiến mở đại hội Olympic Thiên đình. Trong mục chạy marathon, Vương mẫu “treo giải”: “Hễ ai về đích trước sẽ được đứng đầu 12 con giáp”.
Cự ly 42km không dễ ăn chút nào, nhanh như thỏ, mạnh như voi đều mệt phờ, chỉ có con trâu cần cù lại dẻo dai, bỏ xa các đối thủ khác. Sắp sửa cán đích, bỗng dưng có con chuột trượt từ đầu trâu xuống, cán đích trước tiên; hóa ra con chuột đã đi “xe trâu” quá giang suốt chặng đường, đúng là “chuột mượn oai trâu”! Từ đó, con chuột thống lĩnh 12 con giáp, con heo ục ịch cam chịu số phận xếp chót.
Cụ Tý trấn giữ cả năm, đáng lẽ tôi không nên lạm bàn thị phi, nhưng gần đây tôi tình cờ đi qua chợ chồm hổm bán thú cưng ở đường Nguyễn Thị Minh Khai, thấy vô vàn chuột, nếu có mạo phạm “cụ”, xin được lượng thứ.
“Thú cưng” được bán ngoài chuột bạch nuôi làm cảnh, tôi đã thấy nhiều, còn cả chuột nhà, tắm gội trang điểm rồi mang bán, kể cả chuột nâu châu Phi Homsler (Rattus norvegicus) mà các nhà sinh học khi nhắc đến ai cũng rợn tóc gáy. Người bán chuột ham món lời nhỏ nhoi, bất chấp hậu quả khi Homsler xổng ra, sẽ gây tai hại khó lường.
Loài người nuôi heo nhà, chó nhà… chứ chẳng ai nuôi chuột cả, thể là loài chuột nhắt lại mang tên “chuột nhà”, chứng tỏ chúng đã quấy rầy loài người từ lâu. Chúng ta có thể dồn những con vật khổng lồ như voi, hổ, cá voi đến bước đường cùng, nhưng đối với con chuột ranh ma quỷ quái, loài người đành khoanh tay bó gối.
- Xem thêm: Thịt chuột và mầm bệnh
Chuột sinh sản theo cấp số nhân, đã có người tính toán: Nếu chúng ta tiêu diệt hết mấy chục tỷ con chuột trên khắp thế giới trong một sớm một chiều mà chỉ bỏ sót lại 1 cặp trống mái, thì chỉ cần sau 3 năm, chúng lại phủ kín địa cầu như cũ! Nhà hiền triết thời cổ Hy Lạp Aristotle từng làm thí nghiệm. Ông đã nhốt 1 cặp chuột trong lu, với điều kiện cung cấp thức ăn đầy đủ, chỉ trong vòng 4 tháng, đã sinh sôi ra 100 con! Nếu chỉ dựa vào các con số, trong trận “đại chiến người-chuột”, loài người thua là cái chắc. May thay chuột lại có quá nhiều tiên địch, trở thành “chuỗi thức ăn thứ cấp” quan trọng trong hệ sinh thái. Mèo, mèo rừng, diều hâu, heo rừng, cú vọ, rắn… đều là thiên địch họ nhà chuột, cộng thêm sự chế ước của môi trường sống, nên tỷ lệ sinh sản của chúng trong các thành phố lớn bằng 0.
Địch thủ đáng sợ nhất của chuột không phải mèo, mà là rắn. Rắn phát hiện môi bằng hệ thống cảm biến nhiệt rất nhạy; hơn nữa, đường kính mình rắn chẳng to hơn chuột, nên có thể bắt chúng ngay tại sào huyệt, hết đường chạy trốn. Đó chỉ đúng với chuột nhắt chỉ nặng 28-30g, còn đối với chuột Homsler thì lại khác. Chuột Homsler nếu trở về thiên nhiên, chúng sẽ dễ dàng thay thế chuột nhà, phá vỡ sự cân bằng sinh thái. Chuột Homsler nặng tới 700g/con, có thể gặm cả ngón chân hoặc tai em bé; có người thấy cả đàn chuột Homsler bao vây rắn hổ mang, ăn sạch con rắn.
Chỉ số thông minh (IQ) của chuột rất cao, ngang tầm hắc tinh tinh, chúng còn có thể tiến hóa sao cho theo kịp nhân loại. Chúng nghe hiểu ngôn ngữ loài người, biết cách tránh né cạm bẫy. Chúng ta đặt bả, bẫy, bàn dính, chúng chỉ bị lừa 1 lần. Chuột sống ở môi trường ô uế, nên có tính kháng bệnh rất cao. Chúng còn có thể sinh ra kháng thể, trung hòa độc tố. Loài người sử dụng bả độc kéo dài, sẽ “gậy ông đập lưng ông”, gây hại môi trường sinh thái, chẳng nhằm nhò gì với loài chuột.
Chuột rất giỏi bơi, len lỏi theo dấu chân người, đã từng có người theo dõi phát hiện chuột từng chui qua hệ thống ống nước nhà vệ sinh lên tận tầng 16 chung cư.
Đối với dân sống ở thành phố, phương pháp diệt chuột căn bản nhất là giữ gìn vệ sinh môi trường, ngăn chặn mọi nguồn thức ăn của chúng. Nuôi mèo cũng là biện pháp được cư dân thành phố ưa thích, nhưng chẳng mấy hiệu quả. Mỗi con mèo chỉ “cai quản” diện tích 40m2, ngoài phạm vi “lãnh địa”, dù thấy chuột, mèo cũng trơ mắt đứng nhìn.
Mèo bắt chuột chỉ nhằm giải trí, chứ ít có mèo còn ham ăn thịt chuột. Mặc dù hành vi của mèo có thay đổi, nhưng bẩm tính chuột sợ mèo là không đổi. Có lần chợp tối, cả nhà tôi đang coi TV, bất ngờ có con chuột già khú loạng choạng bước qua, mọi người còn đang giật mình thì bỗng dưng có con mèo tam thể nhỏ xíu nhà nuôi nhảy phốc lên lưng con chuột cưỡi đi 1 vòng như cưỡi ngựa. Từ đó, giống chuột ở nhà tôi dìu dắt nhau đi biệt tích.
- Xem thêm: Thịt chuột ở miền Tây
Những chiếc tàu sân bay của Mỹ đồ sộ như một thành phố nổi, không sợ ngư lôi, tàu ngầm, máy bay, nhưng lại rất sợ chuột. Chuột có thể cắn đứt giây điện, chết lưu trong tuốc-bin, rất khó phát hiện. Có người nghĩ ngay đến nuôi mèo, nhưng mèo được các thủy thủ cưng chiều, chúng trở thành “mèo mập” (fat cat) đúng theo nghĩa đen, không còn bắt nổi chuột nữa. Cuối cùng, người Mỹ cũng nghĩ ra cách chống chuột đơn giản mà hiệu quả: Khi tàu neo đậu, phải đóng chặt các cửa, cắt đứt nguồn thức ăn, đồng thời trên các dây cáp gắn thiết bị chống chuột từ mặt đất leo lên tàu.
Tạo hóa là “người thích đùa”, nên đã xếp một cặp “tử đối đầu” ngồi chung 1 ghế băng. Người và chuột có 80% gien giống nhau, có 99% gien tương đồng về thứ tự trên nhiễm sắc thể; quan hệ họ hàng giữa người và chuột còn gần hơn người và khỉ, nên người được gọi là “giống chuột không đuôi”. Theo phả hệ tiến hóa, loài chuột nguyên thủy là tổ tiên chung của tất cả động vật có vú. Loài chuột về niên đại còn xa xưa hơn cả chúng ta, nên nép mình gọi 1 tiếng “cụ Tý” cũng là phải phép!