Những ngày cuối tháng Bảy vừa qua, nữ họa sĩ Tammy Nguyễn có một triển lãm sách nghệ thuật trong khuôn khổ Festival Văn chương Mỹ gốc Á (Asian American Literature Festival) với nhiều hoạt động đa dạng, được tổ chức bởi Trung tâm Smithsonian Asian Pacific American ở thủ đô Washington, DC. Hiện sống tại New York, Tammy Nguyễn có một studio tại thành phố này và cô thường làm việc tại Trung tâm Nghệ thuật Sách của New York. Với Tammy Nguyễn, các hoạt động nghệ thuật của cô không nhắm tới thị trường mà vì những mục tiêu khác.
Sinh năm 1984 ở San Francisco trong một gia đình gốc Việt, Tammy Nguyễn theo học Trường Cao đẳng Khoa học và Nghệ thuật Cooper Union tại New York và tốt nghiệp năm 2007. Cô nhận được học bổng Fulbright để về Việt Nam nghiên cứu tranh sơn mài, sau đó có thời gian làm việc tại Công ty gạch men Mỹ Đức với cương vị phụ trách nhóm phát triển ý tưởng. Nhờ công việc này, Tammy Nguyễn có điều kiện đi khắp châu Á. Về lại Mỹ năm 2011, cô theo học Đại học Yale, lấy bằng thạc sĩ về hội họa và in ấn vào năm 2013.
Những năm là sinh viên bậc cao học tại Yale, Tammy Nguyễn còn theo học một số lớp ngoài lĩnh vực nghệ thuật và ấn loát, các lớp sinh học và nhân chủng học. Một trong những người thầy có ảnh hưởng đến cô trong thời gian đó là giáo sư Eric Harms, tác giả một công trình nghiên cứu về Sài Gòn – TP. Hồ Chí Minh: Ranh giới Sài Gòn: bên lề TP. Hồ Chí Minh (Saigon’s Edge: On the Margins of Ho Chi Minh City – University of Minnesota Press, 2011), qua đó ông Eric Harms khảo sát cuộc sống tại huyện Hóc Môn, nơi diễn ra quá trình đô thị hóa nhanh chóng, đã tác động mạnh mẽ đến những người dân sống ở điểm giao cắt giữa nông thôn và thành thị. Cũng tại đây, Tammy Nguyễn làm tình nguyện viên cho Thư viện điểu học William Robertson Coe trong Bảo tàng Lịch sử tự nhiên Peabody của Đại học Yale, nhờ đó cô học được khoa nhồi bông chim và thú.
Thế rồi cô thích thú với thế giới động vật, và vì vậy khi trở lại Việt Nam cô dành thời gian nghiên cứu voọc quần đùi đỏ chân nâu, loài linh trưởng đặc hữu ở bán đảo Sơn Trà (hay Sơn Chà) đang đối mặt với nguy cơ tồn vong bởi tình trạng đô thị hóa, du lịch hóa một vùng sinh thái tuyệt đẹp của TP. Đà Nẵng. Tammy Nguyễn còn tìm hiểu về loài bồ câu viễn khách (passenger pigeon), loài bồ câu hoang dã từng tràn ngập Bắc Mỹ với số lượng lên đến 3 tỉ con nhưng cuối cùng đã hoàn toàn tuyệt chủng: con cuối cùng của loài chim rừng này, được đặt tên là Martha, đã chết tại Sở thú Cincinnati vào ngày 1-9-1914. Cách đó 36 năm, vào năm 1878, đã có tới 7 triệu con bồ câu viễn khách bị giết trong các cuộc săn bắn chỉ riêng tại bang Michigan! Do thời đó chưa có điều kiện bảo quản xác động vật như hiện nay và cũng chưa có xe đông lạnh, xác Martha đã được đặt trong một khối băng nặng gần 150kg và chở bằng xe lửa tới Viện Smithsonian ở Washington để nhồi bông, trưng bày. Tập trung tìm hiểu, nghiên cứu về các động vật có nguy cơ hay đã tuyệt chủng hẳn, với Tammy Nguyễn đó còn là phương cách để hệ thống các vấn đề địa – chính trị mà cô rất quan tâm.
Theo Tammy Nguyễn, nếu như người ta có thể tiêu diệt tới 7 triệu chim bồ câu rừng chỉ trong một năm săn bắn thì số phận vài trăm con vọc Sơn Trà cực kỳ quý hiếm dễ dàng bị định đoạt bởi phát triển du lịch và nhiều mục đích khác được cho là có ý nghĩa hơn! Điều đáng quan tâm nữa là Sơn Trà nằm cùng vĩ độ với quần đảo Hoàng Sa, thuộc chủ quyền của Việt Nam nhưng hiện Trung Quốc đang chiếm đóng trái phép. Đó chính là cảm hứng và nguồn cơn cuộc triển lãm của Tammy Nguyễn với tên gọi “Lũ khỉ bị đe dọa tuyệt chủng và di sản cuộc chiến tranh Việt Nam” (Endangered monkeys and the legacy of the Vietnam War) tại gallery Ground Floor ở khu Brooklyn của thành phố New York cách đây không lâu (DNSGCT đã có bài giới thiệu). Đến với triển lãm, khách không chỉ xem tranh mà còn thưởng lãm các bản in và những tập sách được thực hiện thủ công của Tammy Nguyễn, tất cả phản ánh mối quan tâm của cô về địa – chính trị, sự khám phá những yếu tố lịch sử ít được biết tới và các câu chuyện kể đầy ý nghĩa từ hình ảnh và các tài liệu về loài linh trưởng.
Công việc của Tammy Nguyễn liên quan đến sách nghệ thuật khởi đầu từ mùa thu năm 2016, khi cô thành lập Passenger Pigeon Press, một đơn vị xuất bản và ấn loát độc lập nhắm tới các lĩnh vực địa chính trị, khoa học và bản sắc thông qua nghệ thuật thị giác và văn chương; trong các dự án của Passenger Pigeon Press có tạp chí xuất bản hằng quý Martha’s Quarterly, giới thiệu những ấn bản sách do cô thực hiện hoàn toàn thủ công với các chủ đề nóng bỏng nhưng thường không được truyền thông chính thức quan tâm hoặc không được lưu trữ rộng rãi bởi các thiết chế văn hóa. Hai ấn bản sách đầu tiên đã có người mua. Nhờ Passenger Pigeon Press và Martha’s Quarterly, cô đã có thể kiểm soát hoàn toàn quá trình thực hiện các ấn phẩm của mình. Đơn vị xuất bản – in ấn của Tammy Nguyễn tồn tại bên ngoài thị trường thế giới nghệ thuật, nhờ đó cô có được sự tự do để từ chối các tiêu chuẩn đang là xu thế chủ đạo và đưa ra một thước đo của riêng mình. Đó chính là bản lĩnh của một nghệ sĩ trẻ không chịu khép mình vào dòng chảy của thị trường. Có không ít nhà thơ đã khởi nghiệp với nhà xuất bản riêng của họ, thế nhưng họ đã không thể tìm được chỗ đứng cho tác phẩm trên thị trường. Nhưng trong thế giới nghệ thuật, điều đó khác hẳn. Với sự hỗ trợ và tôn vinh tác phẩm của các nghệ sĩ trẻ dấn thân đến từ những tên tuổi lừng lẫy như Mark Grotjahn, Jeff Koons và Richard Prince, nhiều chàng trai, cô gái mới bước vào thế giới nghệ thuật đã tìm được cơ hội để xuất hiện với cách làm tương tự như Tammy Nguyễn.
Vấn đề mà Tammy Nguyễn hiện đang phải đối mặt là làm thế nào kết nối các dải tri thức khác nhau lại với nhau. Passenger Pigeon Press là một cách. Làm sách cho các nghệ sĩ là một cách khác. Riêng với đề tài voọc chân nâu Sơn Trà cô đã thực hiện được hai tập sách. Cuốn thứ nhất bao gồm những bản fax từ một nguồn tin tình báo của quân đội Mỹ vào năm 1969, đề xuất hiện đại hóa thành phố Đà Nẵng, tư liệu mà Tammy Nguyễn đã tình cờ mua được tại một cửa hàng sách cũ tại Sài Gòn trong lần đầu tiên đến Việt Nam. Tên được cô đặt cho sách là Đô thị linh trưởng (Primate City), đó là một thành phố phức hợp với cư dân là những người phải rời bỏ các vùng nông thôn họ đã sống lâu đời, tận thu tài nguyên từ các vùng quê mà không hề hoàn trả. Ngoài làm sách cho mình với danh nghĩa của Passenger Pigeon Press và làm sách cho các nghệ sĩ trẻ khác, cô còn viết truyện và vẽ tranh trên giấy dưới dạng những câu chuyện kể bằng hình ảnh. Một tác phẩm loại kể chuyện bằng tranh này của cô có tên Voọc quần đùi đỏ chân nâu đã được tạp chí Bomb xuất bản hồi tháng 2-2017.
- Ngã Văn