Các chuyên gia cho biết những bất an của cha mẹ về tiền bạc khiến họ không nói chuyện với con cái. Một lý do lớn để nói chuyện với trẻ em về tiền là dạy cho chúng trách nhiệm tài chính.
Có một câu hỏi mà hầu hết các bậc cha mẹ dường như sợ hãi hơn bất kỳ câu hỏi nào khác khi nói với con cái họ về tiền bạc. Bạn có thể đoán đó là gì không?
Nếu cho rằng đó là câu “Cha/ Mẹ kiếm được bao nhiêu tiền?” thì bạn hoàn toàn đúng, theo Jayne Pearl, tác giả của một số cuốn sách về nuôi dạy tài chính.
Pearl cho biết bà đã mất cảnh giác khi con trai của chính bà, giờ đã trưởng thành, đã hỏi bà câu hỏi đó vào năm nó 8 tuổi. “Ban đầu, tôi cảm thấy như thể ‘Ahhh. Mình viết rất nhiều về tài chính cá nhân nhưng lại chưa chuẩn bị gì cho câu hỏi này” – bà nói trong một cuộc phỏng vấn.
Cuối cùng, bà không trả lời thẳng câu hỏi của con trai mình, mà tập trung vào các chi phí của gia đình, giải thích rằng số tiền bà kiếm được đủ để trả hầu hết các chi phí và phần còn dư sẽ được chuyển vào ngân hàng hoặc có thể được sử dụng để trả cho những thứ khác mà có thể họ muốn hoặc cần.
“Tôi nhận ra rằng nếu tôi nói với nó rằng tôi kiếm được 1.000 đô la một năm, nó sẽ nghĩ rằng chúng tôi giàu có. Làm sao nó thiểu tổng quát được?”, Pearl nói, bà cũng đảm bảo rằng cậu con trai hiểu rằng đây là thông tin riêng tư không nên chia sẻ với bất kỳ ai khác.
Trải nghiệm đó là một phần lý do tại sao bà quyết định viết một loạt sách về trẻ em và tiền bạc, bao gồm cả cuốn sách gần đây nhất: “Kids, Wealth and Consequences: Ensuring a Responsible Financial Future for the Next Generation”.
Theo bà, có hai lý do chính khiến nhiều phụ huynh không nói chuyện với con cái về tiền bạc và giúp chúng phát triển các kỹ năng hiểu biết tài chính quan trọng.
Thứ nhất, họ sợ rằng họ không phải là hình mẫu tốt khi nói đến tiền. “Nhiều người trong chúng ta tự phạm nhiều sai lầm vì tiền, hoặc chi tiêu quá nhiều, chẳng hạn như bạn sẽ nghĩ ‘Mình cần một đôi giày mới’ trong khi bạn thực sự không cần”, bà nói.
- Xem thêm: Không cho con tiền – sai!
Thứ hai, nhiều cha mẹ cảm thấy như họ không biết gì nhiều về tiền bạc và không đủ tự tin để có thể dạy con cái họ về điều đó. “Chúng ta thường nghĩ rằng chúng ta cần bằng tiến sĩ về tài chính để có thể dạy cho con cái nhưng điều đó không đúng. Tất cả những gì bạn phải làm là nói về những gì bạn đang làm khi kinh doanh”.
Ví dụ, khi bạn ở cột ATM với con nhỏ, đó là cơ hội tuyệt vời để giải thích cách bạn gửi tiền vào ngân hàng để giữ an toàn và tiết kiệm cho khi bạn cần, và bạn chỉ có thể rút ra một khoản tiền tương đương khi bạn gửi vào, Pearl chia sẻ.
Cha mẹ cũng có thể học cùng với con của họ. “Bạn không cần phải nói ‘Mẹ không biết’. Bạn có thể nói: ‘Mẹ cũng cần tìm hiểu thêm về điều này, hãy ngồi xuống và cùng tìm hiểu về nó nào’”, Pearl nói.
Nếu bạn bắt đầu với các trang web về kỹ năng tài chính dành cho trẻ em, có lẽ bạn cũng sẽ học được điều gì đó, bà nói thêm.
Tại sao cha mẹ nên nói về tiền bạc với con trẻ?
Nếu bạn vượt qua sự bất an của mình về tiền bạc và cuối cùng nói chuyện với con bạn, chắc chắn chúng sẽ có lợi. Cuối cùng, trẻ em cần phải biết cách tự xử lý tiền của mình khi chúng lớn lên, vì vậy sẽ tốt hơn nếu chúng học cách quản lý tiền khi những rủi ro không quá lớn. “Dù sao phạm sai lầm mất 20 đô la vẫn tốt hơn so với sai lầm mất 20.000 đô la khi chúng lớn hơn”.
Có rất nhiều quan niệm sai lầm về tiền bạc, cũng giống như với một chủ đề cấm kỵ khác giữa các bậc cha mẹ: tình dục.
“Chúng sẽ học được rất nhiều điều không chính xác hoặc không phải những gì bạn muốn chúng học nên bạn cần kiểm tra và đảm bảo rằng chúng nằm dưới sự giám sát của bạn”, Pearl nói.
Nói chuyện với con bạn về tiền cũng cho phép bạn gây ấn tượng với con trẻ về những giá trị tài chính của bạn, Pearl nói. Những giá trị đó quyết định rất nhiều về cách chúng ta sống và cách chúng ta tương tác với thế giới. Chúng bao gồm việc hiểu được sự khác biệt giữa mong muốn và nhu cầu; từ đó học được cách đánh đổi. “Bạn không thể có tất cả mọi thứ. Bạn có thể có thứ này hoặc thứ kia, và đây là những cơ hội để dạy con bạn cách làm điều đó bằng cách cho chúng đánh đổi, chúng nên tập đưa ra quyết định về những thứ được mua cho chúng”.
Làm thế nào để nói chuyện với trẻ em về tiền bạc?
Vậy làm thế nào bạn thực sự có thể bắt đầu nói chuyện với con trẻ về tiền? Để giải đáp câu hỏi này, một cuộc khảo sát đã được thực hiện trên một số trẻ em, học sinh tiểu học và trung học ở Caldwell, New Jersey. Đây là một phần của loạt video mới có tên “Nếu tôi là phụ huynh”, trong đó chúng tôi hỏi trẻ em sẽ xử lý mọi việc như thế nào nếu chúng đảm nhiệm công việc đó.
– Grace Szostak, vừa mới bắt đầu học trung học năm nay, cho biết cô bé sẽ bắt đầu dạy từ khi con 4 tuổi. Cô sẽ mua một chiếc máy tính tiền và cho các con của mình chơi một trò chơi nhập vai nhỏ với nó, chúng sẽ lần lượt bán đồ cho nhau hiểu khái niệm về tiền và học cách đếm tiền.
– Lance Jenkins, cũng học lớp sáu, cho biết cậu sẽ làm theo lời khuyên của ông nội và đưa ba phong bì cho các con của mình. “Một cho những việc quyên góp, một cho các khoản chi tiêu, và một để tiết kiệm. Chúng chỉ cần bỏ tiền vào đó mỗi tuần”.
– Tonian Garruto, một học sinh lớp năm, cho biết cô sẽ nói chuyện với con về thẻ tín dụng. “Mặc dù thẻ tín dụng có rất nhiều tiền, nhưng nếu bạn sử dụng chúng thường xuyên và nhiều thì bạn sẽ bị vỡ nợ. Bạn sẽ không có tiền để làm những gì bạn thực sự muốn”.
Pearl cho biết các bậc cha mẹ nên thẳng thắn nói chuyện với con cái về những sai lầm mà chúng có thể gây ra, và điều đó bao gồm cả những nguy cơ của nợ thẻ tín dụng.
Bà cũng là một người ủng hộ việc cho con tiền tiêu vặt, nhưng không lấy chúng để thỏa hiệp về điểm số và hành vi. Bà tin rằng mục tiêu của việc phụ cấp này là bắt đầu dạy trẻ em về trách nhiệm tài chính.
- Xem thêm: Làm bạn đồng hành cùng con trong học tập
“Chúng sẽ tiêu một phần trong số đó. Chúng sẽ không quản lý tốt một số, đưa ra những quyết định tồi tệ. Chúng sẽ đem cho bạn một ít chỉ vì chúng muốn nổi tiếng. Chúng sẽ tạo ra tất cả các loại sai lầm điên rồ, nhưng tốt hơn là chúng nên làm những chuyện đó bây giờ”.
Pearl nói rằng cha mẹ nên hiểu con cái của họ và biết khi nào chúng sẵn sàng nói về tài chính. “Nếu con bạn đã sẵn sàng để có một cuộc trò chuyện, hãy thử trò chuyện với chúng. Nếu việc đó không thành, bạn có thể thử lại sau vài tháng hoặc năm tới nhưng tôi nghĩ không bao giờ là quá sớm để thử… và nếu bạn bỏ lỡ cơ hội và con bạn 17 tuổi, sẽ học đại học vào năm tới, đừng ôm đầu và than vãn: ‘Mình đã bỏ lỡ cơ hội rồi’. Hãy bắt đầu bất cứ khi nào bạn có thể”.