Người miền Nam từ đầu thế kỷ XX cho đến thập niên 1970 đều biết đến thương hiệu “Nhị Thiên Đường” của nhà thuốc cùng tên trên đường Triệu Quang Phục, Chợ Lớn. Ngày nay nhà thuốc Nhị Thiên Đường không còn mà tên chỉ còn được nhớ đến qua cây cầu Nhị Thiên Đường ở quận 8.
Các cuốn sách Nhị Thiên Đường – Vệ sanh chỉ nam in hàng năm từ 1920 đến 1939, do nhà in Imprimerie Nguyễn Văn Của, 13 rue Lucien Mossard, Saigon được chủ nhân nhà thuốc Nhị Thiên Đường nhờ in cho ta nhiều thông tin về chủ nhân và hoạt động của nhà thuốc này. Sách Vệ sanh chỉ nam được phát không cho mọi người từ thành thị đến nông thôn và rất được ưa chuộng ở các bến xe lục tỉnh. Bài này dựa vào một số các sách Vệ sanh chỉ nam của nhà thuốc Nhị Thiên Đường mà Thư viện Quốc gia Pháp và Thư viện Quốc gia Việt Nam may thay còn giữ lại.
Ông chủ nhân Vi Thiều Bá là người quen biết khá nhiều các nhà văn, nhà báo ở Sài Gòn và Chợ Lớn như các ông Nguyễn Kim Đính (chủ nhiệm Đông Pháp Thời Báo), Lê Hoằng Mưu (tác giả Hà Hương Phong nguyệt, Oan kia theo mãi), Nguyễn Chánh Sắt (chủ bút Nông Cổ Mín Đàm và tác giả nhiều tiểu thuyết như Nghĩa hiệp kỳ duyên, Tài mạng tương đố, Gái trả thù cha, Lòng người nham hiểm), Hồ Biểu Chánh (tác giả Ngọn cỏ gió đùa, Chúa tàu Kim Quy, Cay đắng mùi đời…).
Ngay trong các sách Vệ sanh chỉ nam của nhà thuốc Nhị Thiên Đường cũng in các truyện đã xuất bản trên các nhật báo hay đã in thành sách trước đó, cho khách mua thuốc hay người vãng lai xem vì tiểu thuyết lúc bấy giờ rất thịnh hành, như truyện của nhà văn Nguyễn Chánh Sắt Nghĩa hiệp kỳ duyên đăng lần đầu trên báo Nông Cổ Mín Đàm, rồi được nhà thuốc Nhị Thiên Đường in cho khách hàng.
Tờ Đông Pháp Thời Báo (1.7.1925) cũng đăng thông tin nhà văn Hồ Biểu Chánh cho phép in tiểu thuyết Tình mộng trong sách Vệ sanh chỉ nam (1925), xen kẽ với các toa thuốc. Đây là hình thức quảng cáo thuốc rất sáng tạo.
Nhà in Imprimerie de l’Union, sau này là nhà in Nguyễn Văn Của (13 rue L. Mossard, Nguyễn Du ngày nay) có in các sách truyện mà tiệm Nhị Thiên Đường ở 47 rue de Canton cho in để quảng cáo thuốc.
Ngoài ra còn có một tiệm nhánh của Nhị Thiên Đường ở Chợ Lớn là số 38 rue de Canton, gần đối diện trụ sở số 47.
Theo cuốn Vệ sanh chỉ nam (1925) thì tiệm thuốc Nhị Thiên Đường ở Chợ Lớn là tiệm nhánh của tiệm thuốc Nhị Thiên Đường ở Quảng Đông, thành lập ngót 100 năm (từ năm 1925) qua ba đời. Người đầu tiên là ông Vi Tế Sanh đã qua Nam kỳ nên biết phong thổ vùng nhiệt đới, khi về lại Quảng Đông, ông lập ra nhà thuốc Nhị Thiên Đường.
Đến năm 1938 thì nhà thuốc Nhị Thiên Đường đã có các tiệm ở Quảng Đông, Hương Cảng, Thượng Hải, Bangkok, Singapore, Java, Nam Vang, Hà Nội và Chợ Lớn. Dầu Nhị Thiên Đường cũng được biết tiếng ở các nơi này, hơn xa loại dầu Tiger Balm xuất xứ Miến Điện và Singapore. Ngày nay thì dầu Tiger Balm nổi tiếng ở Đông Nam Á nhưng dầu Nhị Thiên Đường đã biến mất.
Nội dung trong sách Vệ sanh chỉ nam của Nhị Thiên Đường Đại Dược Phòng có hướng dẫn vệ sinh phòng bệnh, chữa các thứ bệnh và truyện vui hay tiểu thuyết giải buồn. Lời tựa Vệ sanh chỉ nam có các ông Nguyễn Kim Đính, chủ nhiệm (tổng lý) tờ Đông Pháp Thời Báo, đại biểu Hội đồng thành phố Saigon, ông Nguyễn Chánh Sắt và Nguyễn Tử Thức. Ông Sắt có viết như sau:
… Nhà thuốc Nhị-Thiên-Đường là một nhà thuốc rất to tác trong dược-giới bên cỏi Á-Đông nầy, thuốc chế đã tinh-anh mà giá bán lại rẻ, danh tiếng vang lừng khắp trong hoàn-võ; đối với văn minh xã hội trong thế kỷ hai mươi nầy thì cái công lao cũng chẳng nhỏ.
Nay ông chủ tiệm Nhị-Thiên -Đường chẳng nài hao tốn mà in ra quyển Vệ Sanh Chỉ Nam nầy thì tiện lợi cho xã hội là dường nào; người chưa bịnh thì biết chổ mà dự phòng, kẻ có bịnh lại biết thuốc hay mà điều trị…
Ông Nguyễn Kim Đính cho biết đầu năm 1925 ông đánh ăn trộm rồi bị người nhà đánh lầm vào lưng bất tỉnh nhân sự, ông đã uống thuốc Tây đủ loại nhưng không giảm được đau, đi đứng hay nằm không yên. Ông Vi Thiều Bá nghe tin đến thăm, cho người về tiệm lấy 4 viên “Vi-Tế-Sanh Trật Đã Hườn” nói với ông Đính là uống 4 viên sẽ hết. Ông Đính ngâm 4 viên thuốc với nửa chai rượu cognac, rồi lớp thoa lớp uống, đau giảm và đi đứng lần mạnh mẽ như xưa.
- Xem thêm: Sài Gòn xưa qua ô cửa phế tích
Phần quảng cáo trong sách, có đăng nhiều thơ cảm tạ từ khắp lục tỉnh (Gia Định, Trà Vinh, Vĩnh Long, Cái Bè…) ngay cả Trung kỳ, Bắc kỳ, Cam Bốt và từ Lào gởi về nhà thuốc. Ông Trần Quan Tịnh, soạn giả gánh cải lương Sĩ Đồng Ban cũng có viết thơ năm 1923 cám ơn và khen tặng sự hiệu nghiệm của các liều thuốc mà ông đã dùng khi lưu diễn ở lục tỉnh.
Nhà văn Lê Hoằng Mưu cũng có viết thơ cho ông chủ tiệm thuốc Nhị Thiên Đường khen cuốn Vệ sanh chỉ namvà thuốc của nhà thuốc Nhị Thiên Đường tốt, có kết quả so với các loại thuốc của các đông y khác, không nguồn gốc, bán dạo ở nhiều tỉnh thành. Sau đây là một trong các căn bịnh và loại thuốc trong sách Vệ sanh chỉ nam trị được:
Hoàng-hậu bảo dưỡng hoàn
Thứ thuốc hườn nầy vãn là thuốc của trào nhà Minh Châu-Thái-Tổ ngự chế; Ngài dùng những tran phẩm dược liệu mà chế ra, để trong cung dùng; nên mới gọi là Hoàng-hậu bảo dưỡng huờn.
Ông Y-học-sĩ Vi-tế-Sanh của Bổn-đường tìm được phương thuốc rất quí nầy, nên người phải bổn thân chịu nhọc, đi tìm cho được các thượng hạng dược liệu, rồi cứ tuân theo phép chế luyện ra để mà cứu chúng giúp đời, cho khỏi phụ lòng của chư tôn huệ cố bấy nay…
Ít biết hơn là nhà thuốc Nhị Thiên Đường cũng có làm xà bông. Khác với xà bông thường, “xà bông vệ sanh” trị được vi trùng, tắm rửa giặt đồ hay rửa mặt sẽ trị được mụn độc, ghẻ lở.
Sách Vệ sanh chỉ nam cũng cho ta biết thuốc của nhà thuốc Nhị Thiên Đường vì tiếng tăm hiệu nghiệm đã bị nhiều người làm giả mạo. Tiệm thuốc Nhị Thiên Đường kêu gọi mọi người phòng hờ thuốc giả khi mua và nên coi kỹ nhãn hiệu có hình ông Phật Mập là nhãn hiệu cầu chứng của Nhị Thiên Đường.
Tiệm Nhị Thiên Đường còn rao thưởng 500 đồng (khoảng 200 triệu ngày nay) cho ai bắt kẻ giả mạo thuốc.
Theo lời đăng của ông Nguyễn Thiện Ý trong Vệ sanh chỉ nam (1925) thì tờ Lục Tỉnh Tân Văn (7.7.1930), Opinion (3.7.1930) và tờ Dân Quốc Nhựt Báo (11.7.1930) có đăng bản án của tòa xử vụ ông Vi Khai (Vi Thiều Bá) kiện ông Trương Xuyên chủ tiệm Nhị Ngươn Đường (hay Nhị Thái Đường) vào năm 1928. Tòa xét là chữ Thái giống chữ Thiên và ve hộp cũng có ông Phật giống như dầu Nhị Thiên Đường nên tuyên ông Trương Xuyên phải bồi thường cho ông Vi Khai 10.000 đồng thiệt hại.
- Xem thêm: Đường xe lửa Sài Gòn – Lộc Ninh
Bắt đầu từ thập niên 1950, thuốc bắc nói chung không còn phổ thông như trước và tiệm thuốc Nhị Thiên Đường chỉ được biết nhiều qua dầu Nhị Thiên Đường. Nay thì tòa nhà 47 Triệu Quang Phục với dáng dấp hiệu thuốc từng nổi tiếng khắp Nam Kỳ nói riêng và Đông Dương nói chung vẫn còn đó, nhưng hồn xưa giờ ở đâu?