Cái lon (bia, nước giải khát) đã “lên lão” tám mươi, kể từ khi chào đời năm 1935 ở Mỹ. Ở Pháp, lon kim loại vẫn được ưa chuộng, bởi tính văn minh, tiện dụng trong các hoàn cảnh di động. Trước Diễn đàn thượng đỉnh môi trường toàn cầu (COP 21) ở Paris, vỏ lon kim loại được hứa hẹn tối đa làm nguyên liệu tái chế, không trở thành rác thải gây ô nhiễm sinh thái.
Mừng thọ 80 năm bao bì kim loại, Hiệp hội Hộp đồ uống (La boîte de boisson) công bố thống kê chính thức trong năm 2014, nước Pháp thải hơn 5 tỉ vỏ lon. Trong hai mươi năm qua, mức xài bao bì kim loại này của người Pháp đã tăng lên bốn lần, từ 17 lên 76 cái/đầu người. Nhân danh Hiệp hội các nhà sản xuất bao bì kim loại, Silvain Jungfer tuyên bố rằng cứ bốn cái vỏ lon, chúng tôi sẽ tái chế ba cái.
Tuy nhiên, vẫn còn hơn một tỉ vỏ lon rác thải vất vưởng ngoài thiên nhiên, mà phải 100-500 năm sau mới phân rã hết.Không gian công cộng ngày một tồi tệ.Nguyên nhân không gì khác ngoài những thói quen xấu vô ý thức của chính các thị dân.
Đây là một cuộc chiến cấp thiết và dài lâu, bởi tái chế vỏ lon nhôm đòi hỏi một hệ thống phức tạp.Trở lại bao bì thủy tinh lịch sử? Mức tái chế cao – 90%, giá thành thấp, nhưng việc thu thập và vận chuyển lại nặng hơn nhiều so với vỏ nhôm, ngoài ra còn vấn đề khí thải nhà kính. Nhựa thì đứng cuối bảng vật liệu làm bao bì, bởi tái chế chúng vô cùng phức tạp, tách bạch bảy thành phần nhựa khác nhau.
Vậy giải pháp trước mắt không gì hơn là thu nhặt bao bì kim loại ngoài trời. Phong trào 24h ở thành phố Mans, phong trào braderie (thu gom đồ cũ) ở thành phố Lille… không chỉ tổ chức thu gom mà còn tuyên truyền, vận động, trang bị… và đã mang lại hiệu quả, trên địa bàn hầu như không còn vỏ lon vất vưởng ngoài trời.
Lê Lành theo France 24 (DNSGCT)