Hơn cả thập niên qua, Liên minh châu Âu (EU) đã sống với sự lãnh đạo của nước Đức, nền kinh tế thứ tư thế giới và đầu tàu kinh tế của châu Âu với dân số 81 triệu người, GDP bình quân đầu người 45.620 USD (tính theo PPP). Nhờ bà Merkel, EU đã nhiều lần vượt qua khó khăn tưởng chừng như không thể vượt qua, chẳng hạn như việc ngăn không cho Hy Lạp rời khỏi khối này.
Tuy nhiên, sau thất bại của Đảng Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) trong cuộc bầu cử hôm 13-3, đã có một số điều thay đổi. Mặc dù bà Merkel vẫn tiếp tục ngồi trên ghế thủ tướng Đức cho đến cuộc bầu cử vào năm tới, bà là tù nhân của một vị thế yếu đi chưa từng có và trở nên cô đơn, ở châu Âu hơn là ở Đức.
Năm năm trước, khi Chủ tịch EU Van Rompuy nói rằng “các phong trào dân túy là hiểm họa lớn nhất của EU”, có lẽ ông cũng không thể hình dung được rằng đến một lúc nào đó, tình hình lại rối ren như bây giờ, khi các nước Balkan, các nước Đông Âu cũ là Slovakia, Czech, Hungary và Ba Lan lại kết hợp cùng nhau để chống lại chính sách của châu Âu và nước Đức tiếp nhận di dân Hồi giáo. Trên một bản đồ mới cho thấy sự liên minh cho phép những đảng xã hội dân chủ có thể ngồi cùng bàn với các lực lượng cực hữu bài ngoại.
Điều này xảy ra trong một thời điểm suy kiệt niềm tin từ bên trong khối EU, một cuộc khủng hoảng đến giờ chưa có phương cách chữa trị, với những rắc rối đến từ mọi phía: cuộc khủng hoảng di cư và thỏa thuận với Thổ Nhĩ Kỳ, coi đó là một cách để giải quyết cuộc khủng hoảng này; tình hình kinh tế ngặt nghèo và lạm phát gia tăng bất chấp giá dầu thấp và đồng euro yếu. Và dù Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Mario Draghi đã tung ra nhiều biện pháp mạnh mẽ, các ngân hàng ở khắp châu Âu vẫn đứng trước nguy cơ tái cấu trúc, những điều thiếu chắc chắn về điều chỉnh thị trường. Trong khi đó, trên khía cạnh khủng hoảng di cư, những nỗ lực của bà Merkel không đem lại hiệu quả. Những cuộc thương lượng với phía Thổ Nhĩ Kỳ không chỉ buộc EU phải trả một giá khá đắt về tài chính, mà còn đối mặt với tính pháp lý, điều khiến cho nhiều người tin rằng cuộc họp thượng đỉnh sắp tới giữa EU với Thổ Nhĩ Kỳ sẽ khó đạt được những thành công như mong đợi.
Cuộc khủng hoảng không chỉ làm chia rẽ khối Schengen, việc đóng lại con đường Balkan cũng đồng nghĩa với việc chẹt cổ Hy Lạp, đẩy các nước Đông Âu ra xa quỹ đạo của nước Đức, đồng thời khiến cho trục Đức – Pháp có thể tan rã.
Thật khó hình dung nước Đức sẽ như thế nào nếu như một ngày họ nhận ra rằng người Đức cũng đầy tinh thần dân tộc hẹp hòi, chống lại đồng euro và chống chính phủ như nhiều quốc gia EU khác.
Một giải pháp của châu Âu để gỡ rối khủng hoảng di cư chưa hề tồn tại, đơn giản bởi vì lợi ích của các quốc gia đã choán hết lợi ích cả khối. Không một nước nào, từ Đan Mạch đến Bỉ, từ Ba Lan đến Thụy Điển, tin tưởng vào những giải pháp mà Đức và EU đưa ra.
Thế rồi, những giải pháp mang tính tạm thời, như đóng cửa biên giới, đang dần trở thành giải pháp cuối cùng. Bây giờ, những nhà lãnh đạo trước đây chưa từng chia sẻ những quan điểm chung nào với nhau bỗng ngồi cùng bàn và trở thành những đồng minh của nhau.
Bức tường đầu tiên được hoàn thành ở châu Âu là biên giới Hungary – Serbia được dựng lên vào tháng 9-2015. Bây giờ, Thủ tướng Hungary Viktor Orban nói rằng những quốc gia khác cũng cần những bức tường như thế: “Việc Hungary tự vệ là công việc của riêng Hungary”. Chính phủ Hungary thể hiện rằng dân chúng nước này không muốn sống cùng với những người mà họ không thích. Ông cũng nói thêm: “Chúng tôi đóng các cửa biên giới với Croatia và Serbia, rồi sẽ đóng nốt cửa khẩu với Romania”.
Không ngạc nhiên khi nữ Thủ tướng Beata Szydlo của Ba Lan cảm thấy “ngưỡng mộ” ông Orban và đảng của bà đã tiến hành một liên minh chống EU cùng với phía Hungary. Đảng Dân chủ Xã hội của Thủ tướng Robert Fico nước Slovakia cũng cùng quan điểm với ông Orban. Ông Fico đã chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử hồi đầu tháng 3 với một chiến dịch tranh cử mang nặng tính chỉ trích đối với chính sách mở cửa của bà Merkel, khẳng định nước ông chống lại những người Hồi giáo “bạo lực và không có khả năng hòa nhập”. Không giành được đa số trong quốc hội, đảng của ông Fico liên minh với lực lượng cực hữu chống châu Âu. Nếu Slovakia không trở thành Chủ tịch EU trong thời gian tới – mà qua đó sẽ có ảnh hưởng đến chính sách của châu Âu – thì đây vẫn sẽ chỉ là một vấn đề quốc gia.
Khối Trung và Đông Âu đang ngày càng tỏ ra chắc chắn hơn trong việc liên kết với nhau để chống lại chính sách về người di cư của các nước châu Âu khác. Họ cũng chống lại EU, chống bà Merkel. Khối này được Slovenia ủng hộ, khi đến lượt Thủ tướng Miro Cerar của nước này tuyên bố “Con đường Balkan đã bị đóng lại”.
Kể cả Croatia cũng tuyên bố đóng cửa biên giới với lý do “Chúng tôi không muốn trở thành một trại tỵ nạn như Hy Lạp”.
Tại Cộng hòa Czech, Tổng thống Milos Zeman – từng là một thành viên của đảng Dân chủ, nay là người theo chủ nghĩa dân tộc cánh tả – thì mô tả cuộc khủng hoảng di cư là “Một cuộc xâm lược có tổ chức”.
Ngày 23-6 tới đây, người dân nước Anh sẽ bỏ phiếu để quyết định sẽở lại hay rời khỏi EU. Lại thêm một trận đấu khác.
N.N (DNSGCT)