Chỉ ba ngày sau vụ khủng bố kinh hoàng của bọn IS tại Paris khiến 129 người chết, nhiều bảo tàng nghệ thuật ở “Kinh đô Ánh sáng” đã mở cửa trở lại để đón đông đảo khách thưởng ngoạn nhưng với sự siết chặt về an ninh.
Ngày 16-11 vừa qua, Bộ Văn hóa và Truyền thông Pháp đã ra một thông báo cho biết: Đúng 13g hôm ấy, các thiết chế nghệ thuật quan trọng tại Paris là Bảo tàng Louvre, Trung tâm Pompidou, Cung điện Lớn (Grand Palais), Bảo tàng Luxembourg, Cung điện Tokyo đã hoạt động bình thường trở lại. Tiếp theo sau, vào ngày 17-11, thêm 14 bảo tàng khác cũng mở cửa đón người yêu nghệ thuật và du khách bốn phương, trong đó có Bảo tàng Nghệ thuật hiện đại của thành phố Paris, Cung điện Nhỏ (Petit Palais)…
Bộ trưởng Fleur Pellerin khẳng định các hoạt động văn hóa – nghệ thuật sau thảm họa do bọn IS gây nên mang ý nghĩa biểu tượng và theo bà đây là “sự trả lời của nền Cộng hòa, Bộ Văn hóa và Truyền thông Pháp cùng các nhân viên của Bộ” đối với hành động của bọn khủng bố. Ngay trong ngày 16-11, đông đảo du khách đã xếp hàng dài trước cổng Bảo tàng Louvre, nơi có kim tự tháp bằng kính nổi tiếng để mua vé vào xem hàng nghìn tác phẩm mỹ thuật quý giá tại đây, trong đó có bức Mona Lisa tuyệt tác của Leonardo da Vinci.
Mặt khác, khi phát biểu trong một hội nghị do tổ chức UNESCO tổ chức tại Paris ngày 18-11, Tổng thống Pháp François Hollande đã loan báo những kế hoạch của nước Pháp nhằm tìm “nơi trú ẩn an toàn” cho các kho tàng mỹ thuật và khảo cổ ở những nơi đang có nguy cơ bị bọn IS hủy hoại. Ông cũng cho biết, bọn IS đang tiến hành “vào thời điểm này” các hoạt động cướp bóc hiện vật văn hóa quý hiếm và sau đó đem bán tại các thị trường chợ đen để gây quỹ cho các hoạt động của chúng. Các hiện vật đó “đang đi qua các cảng tự do, kể cả các cảng ở châu Âu, đó cũng là nơi nhận và chuyển những thứ bị cướp bóc”, ông Hollande nhấn mạnh.
Tổng thống Pháp đã cam kết nước Pháp sẽ đưa ra một khuôn khổ pháp lý nhằm tìm sự trú ẩn an toàn cho các di sản văn hóa thế giới đang bị chủ nghĩa khủng bố đe dọa, đồng thời cho biết nước Pháp sẽ thông qua các biện pháp của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc nhằm cấm các nước thành viên nhập khẩu, vận chuyển và mua bán cổ vật phi pháp.
Trước đó, vào tháng 10-2015, Hiệp hội các giám đốc bảo tàng (AAMD) gồm 242 thành viên ở Mỹ, Canada và Mexico đã công bố một danh sách các bảo tàng trên khắp thế giới đang cần được bảo vệ để gìn giữ những sưu tập nghệ thuật và cổ vật quý giá. Đáng quan tâm nhất trong số đó là các di sản văn hóa thế giới đang nằm trong khu vực do bọn IS kiểm soát tại Syria. Chúng đã phá hủy các đền đài cùng nhiều cổ vật hàng ngàn năm tuổi tại Palmyra, trong đó ngôi đền cổ Baalshamin, một di tích quan trọng bậc nhất trên hành trình “Con đường Tơ lụa”(*) đã trở thành đống gạch vụn. Chuyên gia hàng đầu về cổ vật tại Palmyra là ông Khaled al-Assad, 82 tuổi, đã bị bọn đao phủ xử tử vì không tiết lộ những nơi cất giữ cổ vật.
(*) Một hệ thống các con đường giao thương đã có từ hàng nghìn năm trước nối châu Á với châu Âu (hay giữa Đông và Tây), bắt đầu từ Trung Quốc qua Mông Cổ, Ấn Độ, Afghanistan, Kazakhstan, Iran, Iraq, Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp, quanh vùng Địa Trung Hải và đến tận châu Âu, có chiều dài khoảng 6.437km
- Ngã Văn