Điều gì đã tạo ra những hố sụt? Hố sụt là điều đáng sợ, nhưng quá trình tạo ra chúng thật đơn giản. Hố sụt hình thành khi nước ngầm làm mòn đá, đủ để gây ra sự sụp đổ tàn phá trên diện rộng…
Đa số những hố sụt xảy ra ở các khu vực được xây dựng trên đá vôi, những bãi muối, đá carbonate hay bất kỳ loại đá nào khác bị xói mòn dễ dàng. Theo cơ quan Điều tra Địa chất Hoa Kỳ, đó là các khu vực lớn của các bang Florida, Missouri, Texas, Arizona, Oklahoma và New Mexico cùng với nhiều khu vực rải rác trên mỗi tiểu bang của nước Mỹ. Khi xảy ra, hố sụt có thể sâu từ 1 mét cho đến cả trăm mét. Đường kính của chúng có thể từ vài mét cho đến hàng trăm mẫu Anh.
Có một số loại hố sụt; ngoài thứ hố sụt thảm họa mà chúng ta vẫn thường biết. Ngoài ra, còn có các hố đào bị xuống cấp, dần dần hình thành những lớp trầm tích rồi biến thành ao, và những hố sụt có cát bao phủ trên bề mặt, tạo thành những hang động phía dưới bề mặt bị lún xuống.
Có những dấu hiệu báo trước biến cố. Theo EarthTech, có một số những dấu hiệu lạ lùng, chẳng hạn như các cửa ra vào và cửa sổ đóng không khít, các côn trùng bỗng nhiên xuất hiện trong nhà ở, những vết nứt trên nền và tường nhà, lá cây bị héo và những mảng cỏ úa. Nhưng nghiêm trọng nhất chính là sự xuất hiện nhanh chóng của một cái lỗ trên mặt đất; đó là lúc nên rời khỏi nơi cư trú càng sớm càng tốt.
Con người cũng có thể tạo ra hố sụt
Vào tháng 8.2012, 350 cư dân ở Bayou Corne, bang Louisiana của Mỹ đã di tản khi có một hố sụt bắt đầu nuốt chửng thị trấn của họ và mọi thứ chung quanh nó. Theo tờ Mother Jones, toàn bộ sự kiện thật kinh hoàng. Sau một năm, hố sụt bao phủ 9,7 hecta và rộng 229m. Sự xuất hiện của nó đồng nghĩa với dầu thô và các chất khí dễ cháy cũng rò rỉ, tràn ngập qua nhánh sông cạn. Cư dân không dám đi qua khu vực để về nhà.
Công ty Texas Brine đã khoan một cái mỏ tên Oxy3 và Oxy3 đã gây sự cố sụp lở. Quá trình khoan khai thác mỏ của các công ty đã làm rỗng các hang động lớn. Người ta sử dụng chúng để chứa những chất thải độc hại và dầu mỏ, và có lúc họ đã gây ra những hố sụt.
Năm 1980, một hố sụt khác đã xuất hiện dưới hồ Peigneur ở Louisiana. Sự việc xảy ra khi công ty Texaco khoan xuyên qua những bức tường của một mỏ muối phía dưới một cái hồ, xoáy nước ngầm của hố sụt quá lớn, hút hết 11 sà lan.
Những hố sụt đang nuốt Biển Chết
Biển Chết đang chết dần. Năm 1976, tờ báo Haaretz của Israel nói rằng Biển Chết ở độ sâu 398m dưới mực nước biển, và vào năm 2016, nó sụt xuống tới 428m dưới mực nước biển. Nó đã sụt tới 11 m chỉ trong một thập niên, nhiều hơn bất kỳ thập niên nào trước đó. Ngoài ra, còn có một vấn đề khác: các hố sụt. Đầu tiên, sự việc bắt đầu xảy ra vào những năm 1980, và vào năm 1996, đã có 220 hố sụt xuất hiện dọc theo bờ biển. Đến năm 2006, đã có 1.808 hố sụt. Vào năm 2016, con số đã lên tới 5.548 hố. Không có một thiên tài toán học nào có thể lý giải được vì sao có nhiều hố sụt như thế chỉ trong vòng vài năm!.
Không ai chắc chắn được điều gì đang xảy ra, nhưng nó có thể có liên quan đến sự biến mất của nước mặn ở Biển Chết, có thể được thay thế bằng nước ngọt dưới lòng đất và động thái này đã mang theo cả những hang động ngầm để tạo nên các hố sụt. Các nhà địa chất học đang cố gắng tìm ra giải pháp.
Hố sụt sâu nhất thế giới có hệ sinh thái
Có rất nhiều những hố sụt trên khắp các cảnh quan ở Trung Quốc,nhờ vào tỷ lệ cao đá vôi và các con sông ngầm hình thành ở vùng Tây Nam. Một trong những hố sụt sâu nhất là Xiaozhai Tiankeng; hố này sâu gần 600m tính từ bề mặt hố sụt cho tới đáy sông ở phía dưới. Xiaozhai Tiankeng nằm ở thành phố Trùng Khánh, được phát hiện vào năm 1994, gọi là phát hiện vì không có ai sống ở đó. Người dân địa phương đã biết về nó từ lâu; tên gọi của nó dựa theo một ngôi làng ở gần đó hiện nay đã bỏ hoang. Theo chương trình truyền hình The Earth Story, hố sụt này đã có cách đây khoảng 10.000 năm, thậm chí có một con sông ở dưới đáy hố dài 5 dặm.
Hãy so sánh với tòa nhà Empire State Building có 103 tầng lầu và cao khoảng 457m, bạn có thể hình dung hố Xiaozhai Tiankeng sâu đến cỡ nào. Hố Xiaozhai Tiankeng có hệ sinh thái riêng. Các nhà khoa học đã xác định được hơn 1.285 loài thực vật và động vật sống dưới hố.
Điểm bơi lặn nguy hiểm nhất thế giới nằm trong một hố sụt
Tarek Omar là một thợ lặn cứu hộ tại Blue Hole thuộc Dahab. Khi tờ Spiegel hỏi anh ta rằng anh đã đem bao nhiêu thi hài lên mặt nước? Anh đáp: “Đến một lúc nào đó tôi đã không còn đếm nữa”. Tờ Guardian cho biết anh đã vớt được ít nhất 20 xác người. Vì thế, anh có biệt danh “Người thu gom xương”, và vách đá dọc theo vịnh có đặt các bia tưởng niệm những người đã quá cố. Điều gì làm cho nơi này trở thành quá nguy hiểm? Người dân địa phương nói rằng đó là một cô gái đã chết đang ẩn náu trong những vùng nước tối đen của lỗ xanh. Cô không hề nghỉ ngơi và tìm cách báo thù người đã buộc cô bị chết đuối ở đó.
Theo Omar, anh đã không nhìn thấy linh hồn huyền thoại này, nhưng nhưng anh đã nhìn thấy những gì khiến cho các thợ lặn bị mất phương hướng. Ở chiều sâu khoảng 45m, sau khi bơi qua những làn nước ấm trên bề mặt, những vùng ánh sáng vàng và cam, cuối cùng tiến vào vùng ánh sáng xanh dương, ánh nắng đã trở lại. Đó là một đường hầm mở ra Biển Đỏ. Đa số mọi người đã chết khi họ bơi xuyên qua đường hầm. Trong điều kiện độ sâu như vậy, vấn đề mất phương hướng cũng giống như người bị lạc hướng vì say xỉn.
Omar nói rằng còn một vấn đề lớn khác là các thợ lặn thường hoàn toàn không chuẩn bị cho những gì họ sẽ phải đối diện. Ngay cả những thợ lặn có kinh nghiệm nhất, giỏi nhất cũng đã chết ở đó. Chẳng hạn như thợ lặn cứu hộ người Ireland là ông Stephen Keenan. Ông chết khi cứu một thợ lặn khác đang cố gắng bơi lặn tự do (nghĩa là không có bình oxy) đi qua mái vòm.
Đôi khi những hố sụt xuất hiện
Đó là những gì đã xảy ra với em Nathan Woessner, 6 tuổi, vào ngày 12.7.2013. Em và gia đình đã đến thăm công viên Bờ hồ Đụn cát Quốc gia Indiana thì một hố sụt đã nuốt chửng em. Em đã trải qua 3 tiếng rưỡi đồng hồ ở dưới đáy của cái hố sâu hơn 3m đó, nhưng kết cục rất may mắn. Theo tờ Chicago Tribune, em đã hồi phục hoàn toàn.
Sau vụ này, công viên đã bị đóng cửa trong khi các nhà nghiên cứu cố gắng tìm hiểu nguyên nhân những gì đã xảy ra và vì sao những hố sụt đã nuốt các trẻ em. Có lý luận cho rằng những thân cây bị chôn vùi lâu ngày dưới các đụn cát đã bị thối rữa và làm cho mọi thứ bị di dời, nhưng những người khác cho rằng vấn đề còn hơn thế nữa.
Chúng ta có thể dự đoán khi nào có hố sụt
Vào năm 2014, CBS News đưa tin về một dự án mới của NASA đang cố gắng lập bản đồ những hố sụt. Về cơ bản, một chiếc máy bay sẽ truyền các xung điện tử đồng thời sử dụng dữ liệu để rà soát những biến đổi bản đồ của vỏ trái đất, một trong những điềm báo trước về hố sụt.
Nhưng BBC nói rằng tất cả những nỗ lực đó không phải không có những ý kiến bất đồng. Các nhà nghiên cứu thuộc Cơ quan Khảo sát Địa chất bang Florida đã tập hợp dữ liệu vào bản đồ những khu vực dễ bị tổn thương biến thành hố sụt. Tuy nhiên, quá trình này đã dẫn tới sự thất vọng của những người chủ bất động sản trong những khu vực như vậy.