Trước khi bạn kết thúc câu đầu tiên của bài viết này, có lẽ bạn sẽ nhìn, chạm hoặc ít nhất là nghĩ đến việc kiểm tra điện thoại của bạn. Sự thật là như thế và rất thường xuyên xảy ra. Hầu hết mọi người đều mang điện thoại bên mình và rất hiếm khi tắt nó.
Công nghệ mang đến những đột phát và đã biến đổi các ngành kinh doanh, nghề nghiệp và cuộc sống của chúng ta. Nhưng công nghệ cũng làm chúng ta liên tục bị phân tâm, năng suất kém hơn và căng thẳng hơn. Việc tiếp xúc hằng ngày với công nghệ đã tạo ra một dạng lo âu mới – liên quan đến nhu cầu được kết nối. Đó là nhận định của tiến sĩ Larry D. Rosen, nhà nghiên cứu tâm lý và nhà giáo dục máy tính, giáo sư danh dự và cựu trưởng khoa tâm lý của Đại học bang California. “Điện thoại kêu, nhấp nháy, rung… để thu hút sự chú ý của chúng ta và bạn liên tục chờ báo hiệu tiếp theo”.
Dần dần, chắc chắn bạn sẽ quen với những âm thanh này, rất giống với phản xạ có điều kiện của Pavlov. Theo tiến sĩ Rosen, mỗi lần điện thoại rung, não của chúng ta tiết ra một ít cortisol và dopamine – một email hoặc một tin nhắn có thể làm chúng ta căng thẳng hoặc vui sướng – và chúng ta ngày càng trở nên phản ứng nhanh hơn với điện thoại.
Ít ra thì chúng ta không cô độc trong chuyện này. Hầu hết mọi người đều cảm nhận kiểu căng thẳng này. Sau đây là một số tác động cụ thể của điện thoại di động đối với tế bào thần kinh của bạn và những gợi ý về “cách xử lý”.
Căng thẳng vì sắp hết pin
Theo điều tra mới đây của nhà sản xuất LG, được tiến hành với 2.000 người Mỹ, thì có đến 90% người sử dụng điện thoại thông minh mắc hội chứng “sợ hết pin”. Những người này cho biết họ cảm thấy hoảng hốt khi pin xuống dưới 20%. Họ nghĩ mình sẽ không có thời gian sạc pin và không biết cách nào để giữ liên lạc nếu không thể sạc pin. “Khi quan sát cách hành xử của những người đang “sợ hết pin”, bạn sẽ thấy họ trông đầy ám ảnh,” tiến sĩ Rosen nói.
Hội chứng “tiếng rung bóng ma”
Bạn cảm thấy như điện thoại đang rung trong túi xách và lấy điện thoại ra để xem ai đang gọi nhưng rồi hóa ra tiếng rung này chỉ là một sản phẩm của trí tưởng tượng. Cách đây mười năm, âm thanh từ điện thoại chỉ báo hiệu cuộc gọi đến hoặc tin nhắn; còn hiện nay, có rất nhiều dạng báo hiệu từ email, “apps”, mạng xã hội. Một cách từ từ và chắc chắn, hiện tượng “tiếng rung bóng ma” đang chiếm lĩnh tâm trí bạn.
Một cuộc nghiên cứu mới đây chỉ ra rằng, bạn càng lo âu về tình trạng “được kết nối” của mình, bạn càng có xu hướng diễn dịch sai về khả năng xuất hiện của một tin nhắn “chat” sắp đến.
Nỗi sợ không có điện thoại (Nomophobia)
Bạn cảm thấy khó chịu, bồn chồn nếu như bạn không có chiếc điện thoại thông minh quen thuộc bên cạnh/ hoặc các chức năng của điện thoại thông minh không thể “sẵn sàng phục vụ” khi bạn cần đến? “Nếu không mang theo điện thoại thông minh, bạn cảm thấy lo lắng vì không thể liên tục liên lạc với gia đình và bạn bè”. Nếu bạn đồng ý với những điều nêu trên thì bạn càng có nguy cơ bị hội chứng “sợ không có điện thoại”. Một cuộc nghiên cứu vào năm 2015 đã yêu cầu một nhóm người xài iPhone chơi trò đố chữ và “lờ” đi tiếng điện thoại reo. Kết quả là tim họ đập nhanh hơn, huyết áp tăng lên và cảm giác lo lắng nhiều hơn, đồng thời họ cũng thấy họ chơi trò đố chữ tệ hơn.
Sợ bỏ lỡ
“Sợ bỏ lỡ” có lẽ là yếu tố căn nguyên gây nên stress từ điện thoại thông minh. Nỗi sợ này thường xuyên được gây ra bởi những cập nhật trên mạng xã hội, làm cho chúng ta muốn trở thành một phần của bất cứ thứ gì mà những nội dung này thể hiện – đó có thể là một buổi hòa nhạc đã bán hết vé, một bữa ăn gia đình hoành tráng hay những bước đi đầu tiên của một đứa trẻ. Một cuộc nghiên cứu của tiến sĩ Rosen theo dõi cách dùng điện thoại thông minh của các sinh viên đại học trong vòng tám tuần. Trung bình, những sinh viên này sử dụng điện thoại bốn lần trong một tiếng và chỉ bốn phút một lần. “Chúng ta rất sợ bị bỏ lỡ”, tiến sĩ Rosen cho biết. Một cách tự nhiên, chúng ta so sánh chính mình với “bức tranh hoàn hảo” từ những hình ảnh được đăng tải trên Instagram hay Facebook của bạn bè hay những người thân trong gia đình. Điều này có thể dẫn đến cảm giác ghen tỵ hay thậm chí trầm cảm.
Vậy chúng ta có thể làm gì?
Liên tục kết nối có nghĩa là chúng ta không cho tâm trí của mình cơ hội để bắt gặp những tư duy sáng tạo. Chúng ta lấy đi thời gian quý báu mà chúng ta có thể dành cho bạn bè và gia đình vì phải dành nhiều thời gian nhìn vào điện thoại hơn là nhìn vào mặt họ. Chúng ta cũng làm suy yếu kỹ năng đối thoại trực tiếp của mình vì bỏ lỡ những khoảnh khắc thuộc về cảm xúc thật; chúng ta cũng hoàn toàn làm hỏng giấc ngủ khi để điện thoại cạnh giường ngủ.
Thật may mắn, những thay đổi nhỏ có thể dẫn đến sự cải thiện lớn. Tiến sĩ Rosen khuyên bạn nên lập ra thời gian biểu để kiểm tra điện thoại. Đừng quá hoảng với đề nghị này, đầu tiên bạn có thể bắt đầu hẹn giờ kiểm tra điện thoại là sau mỗi 15 phút. Sau khi chuyển điện thoại sang chế độ “im lặng”, hãy úp mặt điện thoại xuống để khỏi nhìn thấy chỉ báo (notifications). Đến thời gian hẹn, bạn có hai phút để nhìn vào bất cứ thứ gì mà bạn muốn trên điện thoại. Rosen cho rằng bạn cần khoảng một tuần để phá vỡ thói quen cũ và sẽ cảm thấy tốt hơn. Sau đó, bạn có thể tăng thời gian hẹn giờ kiểm tra điện thoại lên 20, 25 hoặc thậm chí là 30 phút. Bạn cũng có thể thông báo với những người bạn thường xuyên liên lạc về “thời gian biểu” mới của bạn.
Một khi đã cảm thấy thoải mái, hãy áp dụng nguyên tắc này cả cho thời gian rảnh rỗi của bạn. Một số công ty hiện áp dụng nguyên tắc “7 giờ sáng tới 7 giờ tối”. Nhân viên có thể gửi email bất cứ lúc nào nhưng thông tin của họ chỉ được đọc trong thời gian này. Một giờ trước khi đi ngủ, nên tắt điện thoại và để trong phòng khác. Tiến sĩ Rosen rất kiên quyết: “Tôi biết điều này rất khó khăn nhưng kiểm tra điện thoại vào giữa đêm sẽ phá hỏng giấc ngủ của bạn và bạn không cần phải dùng điện thoại làm đồng hồ báo thức, hãy mua chiếc đồng hồ báo thức ngoài cửa hàng”.
- Mai Ngọc theo Prevention