Tự do tài chính cũng giống như một cuộc đua, ở đó, chỉ cần bạn chọn đúng con đường thì bạn sẽ dễ dàng và nhanh chóng tới đích. Thế nhưng, trước khi có được một nền tảng tài chính vững chắc như ngày nay, những tỉ phú như John Paul DeJoria, Mark Cuban… cũng đã phải tốn rất nhiều thời gian, công sức và tiền bạc để tìm ra con đường đúng cho kế hoạch tài chính của mình.
Mới đây, trên trang Business Insider đã có một bài chia sẻ dựa trên các cuộc phỏng vấn với những người thành công, nằm trong “top” 10% những người giàu nhất ở Mỹ về bài học tài chính mà mỗi khi nhắc lại, họ vẫn còn cảm thấy nuối tiếc vì không nhận ra chúng sớm hơn.
Đừng… chết quá sớm
Đối với John Paul DeJoria (khởi nghiệp với số vốn ban đầu là 700 USD, tính đến năm 2015, theo Wikipedia, ông đang sở hữu khối tài sản ròng là 2,8 tỉ USD), điều làm ông hối tiếc nhất là không có kế hoạch tài chính cụ thể và khiến cho những dự án cũng như những kế hoạch ông theo đuổi “chết quá sớm”. Ông cho biết: “Trước khi bắt đầu đầu tư hay thành lập công ty, bạn phải chắc rằng mình có đủ tiền ít nhất là trong sáu tháng để trả tất cả những hóa đơn cho những nhu yếu phẩm, những dịch vụ bức thiết nhất cho cuộc sống của bạn cũng như công ty, dự án của mình. Đó là điều kiện tiên quyết nếu bạn không muốn khai tử kế hoạch mà bạn đã ấp ủ nhiều năm trời chỉ trong vòng một tháng đầu tiên thực hiện”.
Quản lý nợ nần
Tỉ phú Mark Curban, người hiện sở hữu khối tài sản khoảng 3,2 tỉ USD (theo Wikipedia tổng hợp vào tháng 2-2016) thì lại luôn dịứng với nợ nần, với những tấm thẻ tín dụng: “Tôi ước mình biết quản lý nợ nần và những chiếc thẻ tín dụng sớm hơn. Nợ nần thường là những khoản đầu tư tồi tệ, nếu không tính toán kỹ, chúng sẽ làm bạn khốn khổ. Nếu bạn đặt tiền vào một tài khoản chứng khoán, sau một năm, bạn sẽ có thêm ít nhất là 10 – 15% lợi nhuận, trong khi đó, nếu bạn nợ, thì trong một năm, bạn sẽ lại nợ thêm 10 – 15%. Đó rõ ràng là một phép tính không khôn ngoan. Vì vậy, với thẻ tín dụng hay bất cứ khoản nợ nào, tôi đều cố gắng giải quyết chúng trong vòng 30 ngày”.
Chất lượng hơn số lượng
Kate White (cựu tổng biên tập tạp chí thời trang Cosmopolitan, tác giả của hơn mười tựa sách ăn khách, trong đó quyển I Shouldn’t Be Telling You This của bà hiện nằm trong danh sách những quyển sách bán chạy nhất nước Mỹ theo đánh giá của tờNew York Times) thì lại ước rằng kinh nghiệm mua sắm của bà tới sớm hơn.
Kate White nói: “Tôi ước mình đã thông minh hơn khi mua sắm, thay vì tập trung vào việc mua những thứ rẻ, giảm giá hoặc mua chúng với số lượng nhiều, việc mua một sản phẩm chất lượng tốt, dù có giá hơn gấp năm lần, nhưng bạn thực sự đã tiết kiệm cho mình hơn mười lần như vậy. Một sản phẩm tốt, bền sẽ có hạn sử dụng vượt thời gian. Nếu không lỗi thời, bạn hoàn toàn có thể mặc một mẫu áo cả một thập niên mà trông vẫn ổn. Bây giờ tôi vẫn mặc chiếc váy của Prada (thương hiệu thời trang nổi tiếng của Ý) vào những dịp ăn tối dù tôi đã mua nó cách đây 16 năm”.
Đầu tư vào công việc của bạn và tiền bạc sẽ tự tìm đến
CEO của Wealthfront, Adam Nash lại chia sẻ về một quan điểm đầu tư cụ thể hơn, đó là đầu tư vào chính công việc của bạn: “Tôi may mắn được sinh ra và lớn lên cùng với những bài học tài chính vì vậy tôi sớm có một ý thức mạnh mẽ về tiết kiệm cùng những giá trị mà sự tự do tài chính có thể mang lại cho cuộc sống chúng ta, tuy nhiên, mọi việc chỉ thực sự chạy đúng tiến độ khi sự nghiệp cá nhân của tôi bắt đầu phát triển.
Kỹ năng, kiến thức, kinh nghiệm của bạn học được quan trọng hơn những gì bạn tiết kiệm được và thậm chí là chức vụ của bạn ở hiện tại. Hãy đầu tư cho bản thân, học hỏi và trải nghiệm, tiền bạc sẽ tự đến với bạn. Khi đã có một nguồn thu nhập ổn định và đều đặn, bạn chỉ việc học các cách quản lý tài chính để xây nên pháo đài cho mình”.
Một kế hoạch
Alexa von Tobel, CEO của LearnVest.com (một website về tài chính cá nhân), tác giả của quyển Financially Fearless, xuất bản năm 2013 và nằm trong danh sách những quyển sách bán chạy nhất nước Mỹ theo đánh giá của tờNew York Times, lại hối tiếc vì những kế hoạch khi nhớ về thành công của mình: “Không có một kế hoạch tài chính cụ thể là một trải nghiệm tài chính tồi tệ nhất tôi từng trải qua.
Nó chẳng khác nào việc chúng ta dắt xe ra đường và chẳng biết sẽ đi đâu. Kết cục trước sau gì bạn cũng sẽ hết xăng và mắc kẹt ở một nơi xa lạ, chuyến hành trình này có lẽ chỉ vui nếu bạn đi một mình. Tôi may mắn học được sự quan trọng của kế hoạch, vì vậy tôi luôn dành thời gian để xây dựng một kế hoạch tài chính cụ thể, cẩn thận và tỉ mỉ cho chính mình”.