Ngày 14-12-2011, Tổng thống Barack Obama đã chính thức tuyên bố kết thúc cuộc chiến tranh kéo dài chín năm tại Iraq – cuộc chiến đã lấy đi sinh mạng của hàng ngàn lính Mỹ. Nhưng bóng ma của cuộc chiến tranh sẽ còn ám ảnh nước Mỹ dài lâu. Họa sĩ Steve Mumford đã mô tả bóng ma ấy trong các tác phẩm của ông.
Là họa sĩ đồng thời là nhà báo, Steve Mumford đã có bốn chuyến đi sang Iraq trong hai năm 2003, 2004; theo sát hoạt động của các đơn vị viễn chinh Mỹ ở thủ đô Baghdad và bảy thành phố khác để ký họa và ghi chép nhật ký chiến trường – những tư liệu chân thực và phong phú làm nền cho cuốn sách Nhật ký Baghdad, được xuất bản năm 2005.
Năm 2006, Steve Mumford có mặt tại bệnh viện quân đội Brooke để ký họa những hình ảnh ghê rợn của thương binh Mỹ được đưa về từ chiến trường Iraq.
Năm 2007, 2008 Mumford lại có hai chuyến đi sang Iraq. Từ chiến trường Iraq, Steve Mumford sang chiến trường Apghanistan.
Tháng 8-2011các ký họa của Steve Mumford về cuộc chiến của Mỹ tại Apghanistan xuất hiện trên tạp chí Harper’s, được tạp chí nổi tiếng này so sánh với những gì mà nhà danh họa Winslow Homer (1836-1910) ghi chép được trong cuộc nội chiến Nam – Bắc Mỹ.
Sinh năm 1960 và sống ở Boston, Steve Mumford có bằng master tại Trường Nghệ thuật tạo hình New York năm 1987, từ đó ông theo đuổi loại hình vẽ tranh ký họa chiến trường kiểu truyền thống như Winslow Homer, trực tiếp ghi lại những hình ảnh và không khí chiến tranh như một nhà nhiếp ảnh, khác chăng là ông dùng màu và bút mực thay vì ống kính, đồng thời phả vào tác phẩm cảm xúc và nhãn quan của một nghệ sĩ – chứng nhân, như Mumford bày tỏ:
“Tôi đến Iraq với tư cách một nghệ sĩ bởi những thôi thúc trong tôi phải đi. Tôi chẳng phải là người chống chiến tranh mạnh mẽ và chắc chắn không chống chiến tranh bằng nghệ thuật. Tôi muốn nhìn thấy những gì diễn ra tại chiến trường và ghi chép, sáng tác từ những kinh nghiệm trực tiếp ấy”.
Ông kể lại những kỷ niệm khó quên ở Baghdad trong chiến tranh: “Trong các chuyến đi đến Iraq từ 2003 đến 2007, tôi sống cùng các đơn vị lính Mỹ tổng cộng chừng một năm.
Riêng năm 2004, tôi cư trú ở các khách sạn và nhà nghỉ tại Baghdad; kết bạn với một nhóm các họa sĩ và nhà thơ bản xứ – những người đã hướng dẫn tôi đi khắp thành phố, thăm các gallery nghệ thuật, các hàng quán mà họ thích lui tới.
Tôi đã vẽ được rất nhiều trong thời gian đó. Mỗi sáng tôi đi xe buýt đến xưởng vẽ của anh bạn họa sĩ Ahmed’s gần khu chợ Bab Sherji.
Ở đó sau khi ăn bánh mì với gaymar (phó mát Iraq), tôi và Ahmed đã vẽ suốt ngày… Nhiều người Iraq rất thân thiện và bạn có thể có thể đi đến khắp nơi trên đất nước này.
Tôi đã dành vài tuần đi bằng xe buýt đến Mosul, Kirkuk và Dohuk ở phía bắc, ký họa, trò chuyện với người dân và sống trong các khách sạn rẻ tiền…
Tôi thuê một người chở mình tới Hilla, nơi có những ngôi mộ tập thể từ cuộc chiến tranh vùng Vịnh, ở đó tôi vẽ những người đào mộ và khai quật các tử thi. Nói chung, đó là một trải nghiệm cá nhân cũng là trải nghiệm nghệ thuật hết sức mãnh liệt”.
Steve Mumford không chỉ vẽ những người lính Mỹ trên chiến trường, trong các cuộc tuần tra, trong sinh hoạt thường ngày… mà anh còn thể hiện cuộc sống của người dân Iraq, vẽ những em bé thơ ngây, những phiên chợ vẫn tấp nập dù cảnh chết chóc thường xuyên xảy ra vì các vụ đánh bom tự sát, thậm chí anh vẽ cả những chiến binh Hồi giáo cực đoan sẵn sàng tử vì đạo, kẻ thù của quân đội Mỹ.
Cuộc triển lãm lần đầu tiên tranh của Mumfrod có tên “Cuộc chiến tại Iraq” tại gallery Postmasters ở New York năm 2006 đã thu hút công chúng mạnh mẽ bởi tính thời sự, kỹ thuật tuyệt vời và tính nghệ thuật của các tác phẩm.
- Xem thêm: Họa sĩ Hương: “Hãy nghĩ về hòa bình”
Sau đó gallery Postmasters tổ chức thêm bốn triển lãm nữa cho Steve Mumford. Ngoài ra còn nhiều triển lãm khác tại các thành phố ở Mỹ, Canada…
Năm 2010, tranh của ông vẽ cuộc chiến ở Apghanistan được trưng bày tại Bảo tàng quốc gia Kabul. Steve Mumford sẽ có một triển lãm cá nhân tại Munich (Đức) vào mùa hè 2012 và sau đó lại là một triển lãm tại gallery Postmasters.
Khi các ký họa chiến trường của Steve Mumford được ông đưa trên mạng Artnet.com cùng với loạt 16 bài viết có tựa Nhật ký Baghdad, một họa sĩ ở đất nước Iraq bị chiếm đóng, nó đã tạo được một kỷ lục về số người xem.
Dù Steve Mumford không coi mình là một người chống chiến tranh nhưng các tác phẩm của ông đã trở thành bạn đồng hành với phong trào chống các cuộc chiến tranh mà Mỹ can dự trực tiếp tại Iraq, Apghanistan.
Tranh và ký họa của Steve Mumford khiến người xem liên tưởng đến những tác phẩm nhiếp ảnh xuất sắc trong cuộc chiến tranh Việt Nam, như bức ảnh Nick Út chụp cô bé Kim Phúc trần truồng, bị bỏng vì bom napalm hay các bức ảnh để đời của Eddy Adam, Robert Capa và nhiều phóng viên chiến trường nổi tiếng khác.