Họa sĩ Nguyễn Thị Thanh Hương từng nổi tiếng với danh hiệu “Hương Alaska” cách đây hàng chục năm, khi còn sống và vẽ tại bang Alaska lạnh giá, nay bà định cư ở Miami, bang Florida, tiếp tục con đường nghệ thuật của mình nhưng theo một cách khác.
Có thể nói, bằng tài năng thiên phú và quá trình tự học, vẽ tranh trong hoàn cảnh gian khó mà họa sĩ Hương (bà muốn được gọi giản dị như thế) đã có được một sự nghiệp hội họa đáng kinh ngạc tại Mỹ. Rời Việt Nam, đến Mỹ ở tuổi 25, nhưng chỉ khoảng một thập niên sau, Hương đã sở hữu vài phòng tranh tại các thành phố Kodiak, Anchorage và Juneau của bang Alaska. Hoạt động nghệ thuật gần như không ngừng nghỉ suốt mấy chục năm qua, họa sĩ đã có 65 triển lãm cá nhân khắp nước Mỹ và Canada. Tranh của bà được treo tại Quốc hội Mỹ, có trong sưu tập của các chính khách, doanh nhân nổi tiếng. Thế rồi cách đây hai mươi năm, bà ngừng vẽ những tác phẩm chỉ có giới nhà giàu mới mua vì giá tranh lên đến hàng chục ngàn USD, để bắt tay vào những dự án nghệ thuật phi lợi nhuận, hướng tới cộng đồng. Bắt đầu là loạt “Chiến tranh” để tưởng niệm những nạn nhân của mọi cuộc chiến tranh tàn khốc đã diễn ra trên trái đất, qua đó gửi một thông điệp hòa bình đến toàn thế giới. Kế tiếp là dự án “Bức tường Hòa bình” dài khoảng 100 mét, tập hợp gần 2.000 bức tranh nhỏ của bà mà cảm hứng đến từ chính chiến tranh: sự leo thang của các cuộc xung đột đẫm máu ở Iraq, Afghanistan, Libăng, Trung Đông…
Những tác phẩm của họa sĩ Hương chất chứa nỗi đau và nỗi buồn trong tim bà trước thảm họa chiến tranh: “Mỗi khi nhìn thấy gương mặt kinh hoàng của các nạn nhân chiến tranh, tôi lại tìm thấy tôi ở trong họ… Đã có tới 160 triệu người chết vì chiến tranh trong thế kỷ đã qua, và với công nghệ chiến tranh ngày nay, con số nạn nhân mới sẽ tăng như thế nào?”.
Loạt tranh mới nhất của nữ họa sĩ là những gương mặt của hòa bình, qua đó bà muốn chia sẻ đồng thời tạo cảm hứng cho công chúng để mọi người nghĩ về hòa bình trước hết: hòa bình là cái đẹp, hòa bình là tình yêu, hòa bình là giản dị, hòa bình là sẻ chia, hòa bình là lòng tốt, là ánh trăng, là nắng trời… Loạt tranh này thúc giục và hướng con người nghĩ đến hòa bình. Đó là hình ảnh gương mặt đàn ông – đàn bà, trẻ thơ, hoa cỏ, chim muông, mặt trời, mặt trăng được họa sĩ thể hiện bằng thủ pháp kỹ thuật phức tạp nhưng về tạo hình lại hết sức dung dị, giản đơn. Nếu những gương mặt chiến tranh hoặc tàn độc, dữ dằn hoặc bi thương, đau đớn thì những gương mặt hòa bình tươi vui, bình yên, hạnh phúc… “Vẽ về đau khổ, hận thù, đau thương rất khó, phải vẽ làm sao để một người chưa chứng kiến chiến tranh khi xem tranh cảm thấy sợ hãi bởi sự rùng rợn, ác liệt và thấy được cả đau khổ… Để vẽ hòa bình, trước hết tôi phải kể cho mọi người về chiến tranh, từ đó mọi người mong ước về hòa bình. Mười lăm năm sau khi hoàn tất bộ tranh chiến tranh, tôi bắt tay vẽ bộ tranh hòa bình. Bộ tranh về hòa bình của tôi được vẽ ra trong tình yêu thương và mong ước hòa bình.Tôi vẫn đang tiếp tục vẽ những bức tranh hòa bình. Nếu ngày mai tôi chết, hôm nay tôi vẫn tiếp tục vẽ…”, nữ họa sĩ tâm sự.
- Phạm Đán Bình