Nói vui một chút, khi tin bà cựu ngoại trưởng Mỹ Hillarry Cliton tuyên bố sẽ ra ứng cử tổng thống Mỹ vào năm 2016, chưa biết kết quả ra sao, nhưng mang đến cho thế giới nhiều suy nghĩ thú vị.
Trước hết là sự lạc quan cho nhiều phụ nữ. Đã 68 tuổi còn ra ứng cử tổng thống, nếu đắc cử và được tín nhiệm cao, bà còn khả năng làm việc thêm một nhiệm kỳ, vậy đến tám năm ngồi ghế tổng thống bà mới chính thức nghỉ hưu (mà chưa chắc đã nghỉ hưu nếu các trường đại học, các nước trên thế giới còn mời bà đến diễn thuyết sau thời gian làm tổng thống…). Như thế, gần tám mươi tuổi bà mới thực sự nghỉ. Vậy thì già có gì phải bi quan? Nhìn gương đó để lạc quan mà sống, chừng nào trời kêu hẵng hay.
Nhiều phụ nữ chưa đến sáu mươi đã hay than thở đau mình, nhức xương, như cái máy dự báo thời tiết qua chuyển biến cơ thể. Để rồi khiến những người khác phải hùng hồn phát biểu, phụ nữ về hưu ở tuổi 55 thì lo hưởng thụ đi, mai mốt bệnh hoạn ập tới, ngồi nhìn tiền đầy trong tài khoản mà hận đời! Tư tưởng yếm thế khiến nhiều người vừa về hưu đã bị sốc dẫn đến trầm cảm. Bệnh tại tâm!
So sánh một phụ nữ bình thường với cựu ngoại trưởng Mỹ thì quả là khập khiễng, nhưng làm bài toán trừ sẽ thấy phụ nữ ở tuổi 55 chưa thể gọi là già được. Nhiều khi chính bởi tư tưởng (phải) sống vui, sống khỏe, sống có ích khiến người lớn tuổi cảm thấy áp lực. Người Mỹ quan niệm “aging beautifully and productively” (già đẹp lão và sống có hiệu quả), đó mới là cuộc sống, giải một bài toán có đáp số đẹp.
- Xem thêm: Tôi ơi, đừng tuyệt vọng: Ta phải là ta
Già phải đẹp. Đẹp ở đây không chỉ hàm ý nghĩa vẻ đẹp bề ngoài mà là khỏe. Khỏe mới đẹp, nét đẹp không khỏe là nét đẹp xanh xao, yếu đuối, gầy còm… Sống có hiệu quả là làm sao tư tưởng thoải mái, không phải buộc sống có ích (vì có ích tức là có đối tượng để phục vụ, gắn trách nhiệm vào).
Hiệu quả là sống sao miễn thấy vui, thấy ngày không phải trôi qua để chờ… chết mà vẫn không bị áp lực. Hiệu quả có thể là đọc một cuốn sách, xem một bộ phim, nghe một album nhạc xưa và kể cho con cháu những kỷ niệm đẹp.
Sao không thử trồng vài chậu cây hoa hay rau? Thậm chí, không phải là nhà văn hay người viết báo vẫn có thể ngồi vào máy tính và gõ những công thức về các món ăn ngon mà mình đã chế biến và con cháu thích. Hay sắm một cái máy hình và đi tìm những góc ảnh đẹp, thưởng thức cuộc sống theo cách riêng.
Nói chung, có rất nhiều thứ để làm và có hiệu quả tốt cho sức khỏe. Người có điều kiện về vật chất thì dễ dàng nhưng người còn muốn làm việc, tích cực tìm, cũng sẽ có việc phù hợp. Một chị là giám đốc một công ty trách nhiệm hữu hạn.
Đã quá tuổi hưu lâu rồi nhưng chị vẫn làm việc là bởi cho công ty của riêng chị. Chị luôn cảm thấy hạnh phúc và nói lên lời cảm ơn hai đứa con, một học ở nước ngoài, một trong nước vì nhờ các con học giỏi, làm động lực cho chị kiếm tiền. Chị nói, làm việc là vui. Khi cần nghỉ vài ngày thì đi du lịch xả stress.
Cũng chính bởi quan niệm già rồi làm việc chi cho cực, biết sống chết ngày nào, không lo hưởng thụ… đã khiến người này nhìn người kia và phát sinh những ý nghĩ không… hiệu quả!
Lại có người cho rằng, khi nào không còn hiệu quả nữa thì nên… “ra đi”. Đây là ý nghĩ tiêu cực bởi con người ta chẳng ai biết được bài toán của đời mình sẽ kết thúc ra sao. Hãy nghĩ đến việc già phải đẹp và hiệu quả đến hơi thở cuối cùng mới là ý nghĩ lạc quan. Bảy mươi vẫn còn trẻ, khỏe và đẹp. Tám mươi tuổi cũng thế. Chỉ cần ý nghĩ lạc quan đã thấy khỏe và hiệu quả rồi!
Chuyện khác, bà cụ 80 tuổi được con gái mua tặng xấp vải may đồ bộ mặc nhà. Mãi con không thấy mẹ may mới hỏi, chị vẫn nghĩ là mẹ tiết kiệm vì quần áo nhiều rồi, may thêm phí. Thế nhưng bà cụ trả lời: “Màu đó già quá, má không thích!”. Đấy, 80 tuổi còn chê màu già. Vậy thì đến bao tuổi mới già đây?
Một nhà văn 86 tuổi cho biết: “Sức viết vẫn như cách đây mấy chục năm, nhưng nghĩ sâu hơn và còn núi công việc phải làm”. Sống hiệu quả là thế!