Phụ nữ hay nam giới, ai mà chẳng sợ già! Ngoài việc sợ già về hình thức còn thêm sợ bị bỏ rơi, sợ người ta lãng quên mình, nhất là những người từng một thời được nhiều người biết đến.
Câu chuyện lùm xùm về hai ông nhà văn. Một hôm, ông X phát hiện tên ông Y dưới cái truyện ngắn (y hệt) của mình trên một trang mạng. Ông X cho rằng, đây là truyện ngắn ông viết năm 1992, đã đăng trên một tờ tuần báo.
Trang blog của một nhà văn đăng lại hai truyện ngắn này để người đọc so sánh. Quả đúng, hai truyện giống nhau như anh em sinh đôi, có khác chút xíu về địa danh như Vũng Tàu thì đổi là Nha Trang, chẳng hạn. Cuối cùng, vỡ lẽ ra khi ông Y thú nhận và xin lỗi, hồi đó lâu rồi, ông X có gửi ông Y một truyện ngắn nhờ đọc giùm.
Ông Y lấy ra viết lại gửi báo mạng. Người ta thắc mắc không hiểu sao ông Y lại làm chuyện này. Người thì nói có thể ông Y… nhầm, cho đó là truyện ngắn của mình. Người khẳng định, ông Y sợ người ta quên, muốn tên mình xuất hiện trên báo mạng để nhắc nhớ. Thế là tự nhiên cuối đời mang tiếng, không đáng!
- Xem thêm: Con tàu đắm
Quy luật muôn đời là bất cứ thứ gì cũng có một thời (nhan sắc, trí tuệ, làm ăn…). Nếu đã có thời sung mãn, sáng tác tốt, khỏe thì ắt phải có thời xuống sức. Thế nhưng có người không chịu vậy. Họ muốn trẻ mãi không già, lúc nào cũng muốn được khen là sung sức, ngày càng trẻ, thơ/văn ngày càng hay…
Lời khen không biết thật lòng hay không, nhưng đã khiến người nhận lao tâm khổ tứ. Không chỉ cố tìm những hình ảnh trẻ trung, đẹp đẽ post lên mạng mà còn cố sáng tác để có người khen. Thời “hưng thịnh” qua rồi, cố quá dễ thành… “quá cố”.
Trong khi đó, những lời khen tặng ngày càng nhiều, để rồi sau lưng lời khen họ nói với nhau: “Kém trí tưởng tượng nhưng lại giàu trí tưởng bở”.
Không thể phủ nhận tác dụng của lời khen làm cho con người vui, yêu đời hơn – ảo tưởng đôi khi cũng là liều thuốc bổ. Thế nhưng, càng chạy theo ảo tưởng mà không tự biết mình đã già, đâm ra lố bịch.
Ví dụ, U70 rồi mà lúc nào cũng làm thơ tình, yêu đương ra trò, bốc lửa, cháy bỏng… chẳng hạn. Cũng có người nói thế mới làm nên nghệ thuật, nhưng đa phần cho rằng ở độ tuổi ấy nên viết về kinh nghiệm, sự từng trải, những kỷ niệm đẹp có tính giáo dục cho lớp trẻ. Tuổi về chiều, trải nghiệm nhiều, kinh nghiệm đầy mình, không viết ra thì đến bao giờ?
Sao cứ phải chạy theo “phẫu thuật thẩm mỹ”? Thậm chí, có người mang hình khoe lên trang mạng, còn tự nhận mình đẹp và muốn mọi người xúm vào khen. Tất nhiên, trừ những kẻ “ném đá”, còn danh chính ngôn thuận, ai tiếc gì lời khen, chẳng chết ai, còn được lợi. Nhiều lúc lời khen còn mang ẩn ý mà đương sự không biết (hay cố tình giả lơ?).
Có thể thấy, trong sáng tác, nhiều người có lập trường rất vững. Không thể viết hơn cái ngày xưa thì tốt nhất nên dừng lại. Ai cũng có một thời, không có gì phải tiếc nuối lúc vàng son, không hiểu được quyền lực của thời gian thì làm sao biết được điểm dừng?
- Xem thêm: “Thảm họa già”
Không thể chối cãi, sợ già là một bệnh mà bất cứ ai cũng có thể mắc phải. Già đáng sợ lắm chứ, không nói đến bệnh tật, soi gương thấy mình không như hôm qua đã buồn rồi. Coi lại hình cũ, thấy ngày càng già thêm nản! Lớp trẻ ngày một lớn lên, đẩy lùi người già vào quá khứ. Lại thêm nỗi sợ đi trên chiếc xe xuống dốc không phanh!
Bởi thế, các chuyên gia tâm lý và sức khỏe mới có cơ hội đưa ra những lời khuyên dành cho lứa tuổi gió heo may đã về. Tuổi nào có nét đẹp của tuổi ấy. Già có kinh nghiệm, lời khuyên, sự trầm tư, chiều sâu suy nghĩ… Không có gì phải sợ, bởi sợ cũng không thoát được!
Chính ra, nhận mình già là một sự tự tin. Có trẻ ắt có già. “Ta cũng đã qua cái thời trẻ dại ấy rồi, không chỉ chúng bây mới có, đừng lên mặt!”. Già hay lắm chứ, mắc mớ gì sợ già rồi đi làm những điều bị người ta cho là lẩm cẩm. Ai cũng già hết, càng già càng tự tin.
Nhắc nhở hằng ngày rằng mình đã U60, 70 rồi, làm gì cũng phải giữ ý, đi đứng lại càng ý tứ, lỡ té một cái biết ngay già hay trẻ! Gừng càng già càng cay là thế!