Ấn bản mới nhất của Số đỏ bắt mắt như một cuốn tiểu thuyết đồ họa với 45 bức tranh minh họa của họa sĩ Thành Phong.
Sách được lấy theo bản in của Lê Cường Editeur MCMXXXVIII năm 1938, gọi là “hoạt kê tiểu thuyết” (tiểu thuyết khôi hài). Đây là bản Số đỏ duy nhất được in khi nhà văn Vũ Trọng Phụng còn sống, dù tiểu thuyết được đăng báo dài kỳ từ năm 1936.
Khi suy ngẫm về tác phẩm để vẽ minh họa, họa sĩ Thành Phong (Long Thần Tướng, Sát thủ đầu mưng mủ) nhận định “miêu tả chân dung xã hội” chính là giá trị lớn nhất của Số đỏ.
Bức chân dung đó vẫn rất chính xác khi đối chiếu với xã hội đương đại: kẻ thượng lưu nông cạn, giàu xổi thích chơi nổi; kẻ hạ lưu biết nắm bắt cơ hội; me tây, sư hổ mang, các phong trào “bình dân”…
Suốt 84 năm qua, Số đỏ chưa bao giờ mất giá trị thời sự khi nói về thói đạo đức giả, tha hóa, những kẻ bất chấp tất cả để leo lên nấc thang danh vọng.
Hệ thống nhân vật lớn của tác phẩm có hình hài và tính cách được cường điệu hóa, tô đậm sự lố lăng, kệch cỡm để gây cười.
Họa sĩ Thành Phong thấy thuận lợi khi Vũ Trọng Phụng mô tả nhân vật rất chi tiết từ ngoại hình đến cử chỉ và lời nói. Qua trang văn, dàn nhân vật hiện lên sống động như thể bằng xương bằng thịt. Do đó, anh chọn phong cách vẽ minh họa giản dị.
“Mọi sự bóp hình cường điệu và hài hước hóa theo tôi đều là sự cố gắng thừa thãi với Số đỏ”
– Thành Phong –
Để vẽ Xuân tóc đỏ, bà phó Đoan, ông Phán mọc sừng, ông TYPN, cô Tuyết, vợ chồng Văn Minh hay cụ cố Hồng, Thành Phong chọn tạo hình và trang phục của tầng lớp “tinh hoa”, “thượng lưu” Hà Nội những năm 1930. Theo anh, họ ăn mặc rất tân thời và đôi khi lố lăng so với xã hội bấy giờ nhưng khá bình thường nếu so với hiện tại.
Nhân vật chính Xuân tóc đỏ khiến Thành Phong hứng thú nhất. “Tình cờ tôi thấy chân dung Vũ Trọng Phụng rất giống với miêu tả Xuân trong truyện – anh nói – Xuân là người từ đáy xã hội đi lên tầng lớp thượng lưu.
Một cách may mắn và đầy hữu ý, anh ta làm rõ rất nhiều chân dung nhân vật, nhìn rộng ra là chân dung cả thời đại. Khi chọn bìa sách, tôi muốn độc giả cảm nhận được cách Xuân bơi trong dòng chảy thời cuộc”.
Do đó, bìa sách là bức tranh Xuân tóc đỏ ngửa người chơi “banh quần” đầy kiêu hãnh chứ không phải một bức chân dung chính diện. “Vì biết chọn biểu cảm nào trong vô vàn sắc thái từ ngớ ngẩn tới ma lanh của Xuân?” – Thành Phong nói thêm.
Năm 2020, tức 84 năm sau Số đỏ, phong cách giễu nhại đang rất thịnh hành trong văn hóa đại chúng Việt Nam. Đó là hàng nghìn tranh vẽ, hàng trăm vlog về các xu hướng trên mạng xã hội hay thông tin nóng, nổi bật có 1977 Vlog.
Nhưng theo họa sĩ Thành Phong, “Số đỏ có một không hai nhờ các yếu tố giễu nhại đặt trong bối cảnh thập niên 1930 với những xung đột, đứt gãy văn hóa, thông qua ngòi bút phê phán sắc sảo và chất hài rất tỉnh của Vũ Trọng Phụng.
Đó chính là giá trị nguyên bản (original) của tác phẩm ở tầm nền tảng so với cách giễu nhại mà giới sáng tạo trẻ hiện giờ theo đuổi”.
Nếu làm phim Số đỏ, đừng diễn kiểu chọc cười
Họa sĩ Thành Phong nhận định Số đỏ có thể làm thành một bộ phim sitcom đỉnh cao và bày tỏ mong muốn các diễn viên “diễn xuất nghiêm túc, đơ đơ mà tưng tửng như nguyên tác, tuyệt đối đừng diễn kiểu chọc cười khán giả”.
Hiện nay, Số đỏ cũng đang được chuyển thể thành phim điện ảnh do Phan Gia Nhật Linh đạo diễn. Và từng có phim truyền hình Số đỏ năm 1990 do Hãng phim truyện Việt Nam sản xuất.