Nhiều năm qua, một trong những điểm trừ của du lịch Việt Nam so với nhiều nước trong khu vực là sự thiếu vắng các show diễn văn hóa phục vụ khách quốc tế. Quá nhiều khó khăn trong huy động vốn và tổ chức, vận hành khiến sân chơi hẹp này chỉ dành cho một số ít người thực sự tâm huyết, đặc biệt là không cần phải quan tâm đến lợi nhuận trong ba, bốn năm đầu.
Thị trường lớn dành cho người có tầm nhìn rộng
Trong khi từ lâu Thái Lan đã nổi tiếng với nhà hát chuyên trình diễn show Siam Pyramid, Campuchia có được doanh thu đáng kể từ nhà hát chuyên show Smile of Angkor thì Việt Nam cho đến cuối năm 2016 mới có được nhà hát dành riêng cho du lịch. Nằm cạnh khu “thành phố resort” của Phan Thiết, Nhà hát Làng Chài quy mô 1.200 ghế sau hơn sáu tháng liên tục trình diễn vở vũ kịch Fishermen Show – Huyền thoại Làng Chài, đến nay đã chứng tỏ được sức hấp dẫn của mình đối với du khách trong và ngoài nước. Ông Trần Ngọc Dũng, CEO của Seagull Production – đơn vị đầu tư và điều hành Nhà hát Làng Chài cho biết doanh nghiệp mình đã ký được hợp đồng hợp tác với khoảng 60 công ty lữ hành trong nước và gần chục công ty nước ngoài, trong đó có cả những công ty lữ hành lớn của Nga, Trung Quốc, Bắc Âu, Nhật, Hàn Quốc và Mỹ. Tuy còn lâu mới lấy lại vốn đầu tư ban đầu nhưng ông Trần Ngọc Dũng vẫn lạc quan vì doanh thu hiện tại đã đủ trang trải mọi chi phí vận hành và đang trên đà tăng trưởng tốt.
Với mức tăng trưởng khả quan của ngành du lịch trong thời gian vừa qua, Công ty Lune Production – chủ sở hữu À Ố Show tại TP. Hồ Chí Minh và vở Làng Tôi tại Hà Nội đã đặt mục tiêu sẽ thực hiện trên 500 suất diễn trong nước, nhằm mục tiêu đón khoảng 150 ngàn lượt khán giả, trong đó 70% là khách quốc tế đến Việt Nam. Ngoài ra, Lune Production cũng có kế hoạch sẽ đưa À Ố Show ra Hà Nội và Hội An trong thời gian tới. Tuần qua, Chuyện tình nàng Giáng Hương – vở nhạc kịch tái hiện lại những nét văn hóa truyền thống của người Việt xưa sau bốn tháng nâng cấp, bổ sung cũng đã được trình diễn suốt bốn đêm tại Nhà hát Thành phố Hồ Chí Minh. Nhà tổ chức Chuyện tình nàng Giáng Hương kỳ vọng sắp tới vở nhạc kịch sẽ được trình diễn thường xuyên hơn và giới thiệu được một phần giá trị lịch sử, văn hóa của Việt Nam đến du khách quốc tế.
Từ kinh nghiệm các nước, có thể thấy các show diễn văn hóa nếu được tổ chức bài bản sẽ đóng góp đáng kể vào doanh thu chung của ngành du lịch. Chính vì thế gần mười năm trước, dù chỉ đón khách quốc tế bằng một nửa của Việt Nam nhưng Campuchia đã mạnh tay đầu tư, thuê Trương Nghệ Mưu – đạo diễn hàng đầu châu Á xây dựng chương trình biểu diễn nghệ thuật Smile of Angkor ở Siêm Riệp. Theo ý kiến của nhiều nhà tổ chức chương trình, cơ chế ưu đãi thuế cho hoạt động bảo tồn nghệ thuật truyền thống là yếu tố khá quan trọng để làm nên các show diễn. Ông Trần Ngọc Dũng cho biết sở dĩ Nhà hát Làng Chài có thể nhanh chóng đi vào hoạt động một phần là nhờ chính quyền Bình Thuận đã miễn tiền thuê đất trong 25 năm đầu, miễn thuế thu nhập doanh nghiệp bốn năm đầu và tạo điều kiện tối đa trong việc cấp giấy phép. Tuy nhiên, tại nhiều thành phố du lịch khác ở Việt Nam, cơ chế ưu đãi này vẫn còn thua kém các nước xung quanh.
Đam mê cộng với kiên trì và tiền túi triệu đô
Hiện nay các show diễn nghệ thuật thành công đều thuộc về những doanh nhân có trình độ, nhiều tâm huyết với văn hóa Việt và đặc biệt là có tiềm lực tài chính tốt. Tại Việt Nam, cơ hội tiếp cận vốn vay ngân hàng để xây dựng hoặc mở rộng các chương trình nghệ thuật này hầu như bằng không. Số tiền Seagull Production đầu tư vào nhà hát và vở diễn Huyền thoại Làng Chài vào khoảng gần 50 tỉ đồng. À Ố Show cũng được đầu tư khoảng 20 tỉ đồng và mất thêm 6 tỉ đồng bù lỗ trong năm đầu tiên ra mắt. Phải qua năm thứ 4 với những thành quả bước đầu, Lune Production mới được cam kết đầu tư thêm lượng vốn tương đương giai đoạn 1 để xây dựng các tác phẩm mới cũng như mở rộng địa điểm biểu diễn. Với việc mở rộng ra ba điểm diễn tại Việt Nam và thường xuyên có một chương trình lưu diễn thế giới, Lune Production kỳ vọng cân bằng được hiệu quả đầu tư nhằm tái đầu tư, từ đó tiếp tục mở rộng quy mô hoạt động. Doanh nghiệp này cũng cho biết sẽ chưa thể có lợi tức trong 3-5 năm tới.
Đến nay, Lune Production và Seagull Production về cơ bản đều tự xây dựng hệ thống nhân sự vận hành cho tất cả các khâu, từ quảng bá, phân phối, kinh doanh và nghiên cứu phát triển. Ông Võ Thành Trung, Chủ tịch Square Group, đại diện đơn vị thực hiện À Ố Show từng cho biết khó khăn lớn nhất của Lune Prodution là việc phải tự làm tất cả các khâu. Tại các địa phương, cơ sở hạ tầng, lịch biểu diễn, năng lực vận hành, nguồn đào tạo, tình trạng vi phạm bản quyền, khả năng tiếp cận vốn vay từ ngân hàng, cơ chế ưu đãi thuế cho hoạt động bảo tồn nghệ thuật truyền thống… đang tồn tại nhiều điểm bất hợp lý, khiến chi phí đầu tư đội lên rất cao, ngay cả khi so sánh với nước ngoài. Ví dụ một tác phẩm quy mô tương đương À Ố Show nếu thực hiện ở châu Âu hoặc Trung Quốc chi phí chưa tới 2/3 so với Việt Nam. Trên thế giới, các chương trình biểu diễn nổi tiếng (chẳng hạn như Cirque du Soleil) không trực tiếp kinh doanh mà hợp tác với các công ty chuyên khai thác thương mại ở từng khu vực trên thế giới.
Rõ ràng, kho tàng văn hóa nghệ thuật Việt Nam dù rất giàu có nhưng để khai thác hiệu quả “mỏ vàng” này thì tiền bạc, công sức, trí tuệ cũng phải được đổ ra đến nơi đến chốn. Các show diễn hấp dẫn du khách ngoài yếu tố đậm nét truyền thống địa phương còn cần đến nền tảng công nghệ tối tân. Show Huyền thoại Làng Chài tuy bước đầu được khách trong ngoài nước đón nhận song nhà tổ chức vẫn tâm huyết trong khâu nghiên cứu phát triển sản phẩm. Ông Trần Ngọc Dũng cho rằng việc lắng nghe ý kiến khán giả là cực kỳ quan trọng. Show diễn muốn sống được thì phải bám sát thị hiếu số đông người xem. Bên cạnh nội dung được hoàn thiện mỗi ngày, các hiệu ứng âm thanh ánh sáng cũng phải liên tục được nâng cấp, làm mới, thỏa mãn nhu cầu nghe nhìn ngày càng cao của du khách.