Gần hai tháng qua, khi một dự án quy mô vài chục ngàn căn hộ tại TP. Hồ Chí Minh chuẩn bị mở bán, nhiều người trong giới đầu tư trên cả nước đã ráo riết tìm cách đặt cọc giữ chỗ các shophouse (căn hộ kết hợp với cửa hàng tại tầng trệt) của dự án này.
Tuy nhiên, giám đốc kinh doanh của một sàn giao dịch bất động sản cho biết khả năng lớn lần này là chủ đầu tư sẽ giữ lại toàn bộ shophouse, không bán ra bên ngoài. Việc làm này được cho là rút kinh nghiệm từ những dự án trước đây, khi hiện tượng đầu cơ đã khiến nhiều shophouse bị “thổi” giá cao hơn hẳn giá trị thực.
Từ ba năm nay, mặt bằng giá shophouse tại một số khu đô thị mật độ xây dựng cao liên tục tăng. Tại một khu chung cư cao cấp ở Bình Thạnh, giá một căn shophouse khi mở bán vào năm 2014-2015 chỉ 10-15 tỉ đồng nay giá đã tăng gấp đôi. Theo nhận định của giới đầu tư, tốc độ tăng giá này không bắt nguồn từ kinh doanh đắt khách mà do bị đầu cơ. Một nhóm đầu cơ nhiều tiền mặt trên cả nước đã dùng nhiều chiêu trò đẩy giá cho thuê shophouse tại đây lên, tiếp theo là đẩy giá bán. Shophouse của khu đô thị này được mua đi bán lại liên tục, giao dịch sau bị nâng giá lên vài tỉ đồng so với giao dịch trước.
Đến thời điểm hiện nay, khi giá căn cao nhất đã ở mức gần 30 tỉ đồng, giá cho thuê đạt mức 90 triệu đồng/tháng thì các giao dịch mua bán shophouse ngưng hẳn lại. Nhiều chủ nhân hiện tại của các shophouse đang ở trạng thái lo lắng phấp phỏng. Lo lắng vì hiện giá cho thuê vẫn rất cao nhưng số người thuê trả lại mặt bằng do kinh doanh không hiệu quả đang tăng nhanh. Nếu hiện tượng trả mặt bằng này không giảm trong thời gian tới thì giá cho thuê sẽ phải hạ xuống, các shophouse bị giảm giá trị theo là điều tất yếu.
Theo nhận xét của các chuyên gia bán lẻ, kinh doanh tại chung cư dễ tiếp cận khách hàng, nhưng lại gặp nhiều bất lợi khác. Bên cạnh giá thuê cao, người kinh doanh phải đối mặt với nhiều quy định khó khăn, thậm chí vô lý về quảng cáo tiếp thị, chẳng hạn như cấm nhân viên đứng trước shop đón chào khách, hạn chế bảng hiệu; không được đặt bàn ghế ngoài trời… Chính vì thế mà một loạt những thương hiệu ẩm thực khá có tiếng trên thị trường đành bỏ qua các khu căn hộ cao cấp. Điều này không có lợi cho thương hiệu chủ đầu tư và lợi ích người tiêu dùng.
Chủ sở hữu shophouse tại một dự án quy mô 1.000 căn hộ tại quận 2, TP. Hồ Chí Minh cho biết, thời điểm mở bán dù không nắm được đầy đủ thông tin về shophouse này nhưng anh vẫn quyết định mua. Bởi lúc đó có khá nhiều nhà đầu tư nhỏ như anh cùng muốn mua. Mật độ căn hộ khá lớn của dự án khiến tất cả shophouse tại đây đều được cho là hấp dẫn.
Tuy nhiên, đến khi nhận mặt bằng thì anh mới thấy shop nằm trong góc chữ U nội khu nên rất ít người qua lại. Bên cạnh đó, các shophouse còn vấp phải sự cạnh tranh gay gắt từ nhóm bán hàng online ở cả trong và ngoài dự án. Thế nên, kế hoạch sinh lời trong kinh doanh hoặc cho thuê mặt bằng với chủ đầu tư này không còn khả thi. Do đó, anh đang rao bán shophouse gần hai tháng nay mà chưa tìm được khách mua.
Hiện nay nhiều khu chung cư chưa mở bán nhưng thông tin về shophouse ở đó đã được dân đầu cơ nắm rõ. Giới đầu tư cơ hội sẽ vẫn biết cách tạo sóng để kiếm lời từ việc mua đi bán lại. Nhà đầu tư thứ cấp cần thận trọng vì trong lâu dài, đầu tư shophouse chứa đựng không ít rủi ro.