Suốt 14 năm qua, công luận đã quá quen thuộc với cảnh “hòn bấc ném đi, hòn chì ném lại” giữa Mỹ và Venezuela, nhưng không chỉ có thế. Năm 1998, khi ông Chavez vừa đắc cử tổng thống, mối quan hệ giữa hai chính phủ còn rất nồng ấm, ông Chavez đã công du Washington và hội kiến với Tổng thống Mỹ lúc ấy là ông Bill Clinton. Nhưng tình hữu hảo đó không giữ được lâu. Năm 2002, ông Chavez tố cáo Mỹ ủng hộ một âm mưu lật đổ ông và ba năm sau (2005), việc hợp tác giữa hai chính phủ nhằm chống lại các tổ chức buôn bán ma túy cũng kết thúc. Trong các báo cáo thường niên, Mỹ cáo buộc một số giới chức Venezuela dính líu vào các hoạt động có liên quan đến ma túy và đóng băng tài sản của ít nhất bảy viên chức chính quyền Venezuela. Việc làm này khiến Tổng thống Hugo Chavez đã có một phản ứng “nảy lửa” trên diễn đàn Liên Hiệp Quốc vào năm 2006 và bốn năm sau (2010) ông đi xa thêm một bước bằng cách tuyên bố không công nhận Đại sứ Mỹ tại Venezuela lúc đó là ông Patrick Duddy.
Hai ứng cử viên Nicolas Maduro (trái) và Henrique Capriles sẽ tranh chiếc ghế Tổng thống Venezuela
Đó là về mặt chính trị. Về mặt kinh tế, hai nước vẫn tiếp tục những mối quan hệ đã được thiết lập từ trước. Mỹ vẫn là khách mua dầu lửa lớn nhất của Venezuela, chiếm 40% lượng dầu xuất khẩu của nước này. Điều đó càng ấn tượng hơn khi dầu lửa chiếm đến 90% tổng trị giá hàng xuất khẩu của Venezuela. Đổi lại, Mỹ vẫn thường xuyên xuất khẩu ôtô và máy móc, thậm chí cả khí đốt tự nhiên và sản phẩm làm từ dầu lửa sang Venezuela. Mặc dù trong thập niên trước, chính quyền Caracas đã quốc hữu hóa hàng trăm công ty tư nhân và quản lý nền kinh tế thông qua việc kiểm soát giá cả, nhưng nhiều công ty của Mỹ vẫn còn hoạt động tại Venezuela. Thêm vào đó, hiện có trên 200 ngàn người Venezuela sống trên đất Mỹ và hàng trăm ngàn người khác có những mối quan hệ mật thiết với những người này. Những yếu tố trên báo hiệu một triển vọng xích lại gần nhau giữa hai nước Mỹ và Venezuela hậu Chavez. Colombia, Brazil, Peru cùng với nhiều nước châu Mỹ La tinh khác cũng đang thực hiện chính sách cởi mở với Mỹ và phần còn lại của thế giới, giúp hóa giải nhiều mối bất đồng trong khu vực Nam Mỹ vốn phát sinh nhiều vấn đề phức tạp trong thời gian qua.
Nhưng nói như thế cũng không có nghĩa là mọi việc đang hoàn toàn thuận lợi sau cái chết của ông Hugo Chavez. Tinh thần chống Mỹ của vị tổng thống Venezuela quá cố và cái bóng quá lớn của ông trong lòng người dân có thể khiến cho tiến trình bình thường hóa quan hệ giữa hai nước gặp không ít khó khăn. Trước tiên, có thể kể đến thái độ cứng rắn của Nicolas Maduro, Phó tổng thống, đã tạm quyền tổng thống trong thời gian ông Chavez ngưng làm việc để chữa bệnh. Chỉ mấy giờ trước khi Tổng thống Chavez qua đời, ông Madura quy trách nhiệm cho “kẻ thù” của Venezuela đã gây ra bệnh ung thư cho ông Chavez và tuyên bố sẽ trục xuất hai nhà ngoại giao Mỹ vì âm mưu gây mất ổn định cho chế độ đương nhiệm tại Caracas. Hẳn nhiên, “kẻ thù” mà ông muốn ám chỉ là chính quyền Mỹ và ông còn so sánh cái chết của ông Chavez với cái chết đầy nghi vấn của người đứng đầu phong trào giải phóng Palestine Yasser Arafat vào năm 2004 mà Israel bị nghi ngờ là thủ phạm. Hai người mà chính phủ Venezuela dự định trục xuất là các tùy viên không quân Mỹ tại Caracas, trong đó, một người là Devlin Kostal đang ở Mỹ. Một điều có thể tiên đoán được là chính quyền Washington đã lên tiếng bác bỏ những cáo buộc của ông Madura và tuyên bố sẽ rút tùy viên không quân còn lại về nước.
Theo quy định của hiến pháp Venezuela, trong trường hợp tổng thống đương nhiệm qua đời khi chưa hết nhiệm kỳ, cuộc bầu cử tân tổng thống sẽ được tổ chức trong vòng 30 ngày. Đây sẽ cuộc tranh cử đầy kịch tính giữa ông Madura và lãnh tụ đối lập Henrique Capriles, người vừa thất bại trong cuộc tranh cử cùng ông Hugo Chavez vào tháng 10-2012. Theo đánh giá của các nhà phân tích, khả năng thắng lợi của hai ứng cử viên là 50/50. Nếu ứng cử viên Capriles được người Mỹ ủng hộ đắc cử, triển vọng bình thường hóa quan hệ giữa hai nước sẽ rất sáng sủa. Còn nếu ông Madura đắc cử, không ai biết điều gì sẽ xảy ra.
Lê Nguyễn tổng hợp