Từ khi chiến tranh kết thúc, nước ta và Hoa Kỳ đã có những bước tiến đáng kể trong việc thiết lập mối quan hệ hữu nghị. Tuy nhiên, đến giờ dư âm của cuộc chiến vẫn còn tác động xấu đến cuộc sống của hàng triệu người dân cả hai nước. Ít nhất 4,5 triệu người Việt Nam và 2,8 triệu người Mỹ tham chiến ở Việt Nam từ năm 1962 đến 1975 đã bị phơi nhiễm chất độc da cam và các chất diệt cỏ khác. Một số chất diệt cỏ có chứa chất dioxin, loại hợp chất hữu cơ bền có độc tính cao là tác nhân dẫn đến bệnh ung thư, tiểu đường, các dị tật bẩm sinh và một số khuyết tật khác. Các điểm nóng dioxin, cảnh quan bị tàn phá và gánh nặng bệnh tật đối với con người là những vết thương chưa lành của cuộc chiến.
Hiểm họa dioxin từ những “điểm nóng”
Hội Chữ thập đỏ Việt Nam ước tính có tới ba triệu người, gồm trẻ em và người lớn bị ảnh hưởng đến sức khỏe, bị các dị tật bẩm sinh và dị tật phát triển. Chính phủ Mỹ và Việt Nam đã thực hiện chăm sóc các cựu chiến binh bị phơi nhiễm dioxin, nhưng vẫn còn nhiều nạn nhân khác là thường dân. Chất độc dioxin vẫn từng ngày làm ô nhiễm môi trường, gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người tại nhiều điểm nóng đã từng lưu trữ và sử dụng các loại chất diệt cỏ như các sân bay Đà Đẵng, Phù Cát (Bình Định), Biên Hòa (Đồng Nai)…
Lấy mẫu trầm tích tại sân bay Biên Hòa
Thời gian qua, các cá nhân và tổ chức cả hai nước trên tinh thần nhân đạo đã có những nỗ lực chung, trước hết là để đánh giá và sau đó khắc phục các tác động vẫn đang tiếp diễn của dioxin đối với môi trường, đồng thời ngăn chặn các phơi nhiễm mới ở người. Một trong những việc làm chung tay giải quyết hậu quả chất độc da cam ở những điểm nóng của Việt Nam vừa diễn ra tại Biên Hòa ngày 6-3-2013 là Hội thảo “Xây dựng kế hoạch trợ giúp người khuyết tật tỉnh Đồng Nai, giai đoạn 2013-2020”, nằm trong chương trình trợ giúp toàn diện và tích hợp cho người khuyết tật do Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID) tài trợ. Chương trình này diễn ra từ tháng 10-2012 đến tháng 9-2015 bởi Hội Trợ giúp người khuyết tật Việt Nam (VNAH) thực hiện với các đối tác chính là Sở Lao động – Thương binh – Xã hội, Sở Y tế, Sở Giáo dục – Đào tạo cùng các tổ chức, hội người khuyết tật. Biên Hòa được “ưu tiên” hàng đầu bởi đây là một trong những điểm nóng về ô nhiễm dioxin, nhất là sân bay Biên Hòa và vùng phụ cận do chất độc này theo thời gian đã lây nhiễm qua nhiều nguồn. Ông Charles Bailey – Giám đốc Chương trình Chất độc da cam tại Việt Nam cho biết, các mục tiêu chính của chương trình gồm đào tạo công tác xã hội cho cán bộ quản lý và các cộng tác viên phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng, xây dựng kế hoạch hỗ trợ cá nhân cho người khuyết tật, cải thiện chất lượng và sự tiếp cận của các dịch vụ chuyên biệt dành cho người khuyết tật, gồm phẫu thuật chỉnh hình, vật lý trị liệu, ngôn ngữ, hoạt động trị liệu, cải thiện chất lượng các dịch vụ y tế công cộng nhằm ngăn ngừa và hạn chế mức độ nghiêm trọng của khuyết tật, gồm giám sát dị tật bẩm sinh, sàng lọc sau sinh, tầm soát phát hiện ung thư, các dịch vụ tư vấn phụ nữ trước lúc mang thai nhằm làm giảm nguy cơ mắc dị tật bẩm sinh.
Trước đó, Nhóm Đối thoại Việt – Mỹ được thành lập vào năm 2007 với sự hỗ trợ của Quỹ Ford, gồm các thành viên là các nhà ngoại giao, nhà khoa học, các nhà hoạch định chính sách… Vai trò của Nhóm Đối thoại này là kêu gọi sự quan tâm đối với các vấn đề chính: cải thiện cuộc sống những người Việt Nam bị khuyết tật, gồm cả những người có thể đã bị nhiễm chất độc dioxin thông qua các phương pháp chẩn đoán, điều trị và hòa nhập xã hội; hợp tác với chính phủ hai nước để khống chế và làm sạch dioxin ở ba sân bay ưu tiên là điểm nóng về ô nhiễm dioxin; thành lập một phòng xét nghiệm dioxin hiện đại ở Việt Nam; thúc đẩy các chương trình đào tạo nhân lực về việc phục hồi và sử dụng các vùng đất bị suy thoái do chất độc hóa học. Nhóm đã tiến hành khảo sát tại các điểm nóng ở Việt Nam, xem xét để đưa ra một bảng kế hoạch hành động 10 năm gồm ba giai đoạn để đạt được hai mục tiêu chính là làm sạch đất bị nhiễm dioxin, khắc phục hệ sinh thái đã bị tàn phá và mở rộng các dịch vụ cung cấp cho người khuyết tật có liên quan đến chất độc da cam/dioxin cho những người bị các khuyết tật và cho gia đình họ.
Những nỗ lực tẩy độc
Từ sau khi thành lập vào tháng 10-1980, Ủy ban quốc gia điều tra hậu quả chiến tranh hóa học của Mỹ ở Việt Nam (gọi tắt là Ủy ban 10-80) đã hợp tác với các nhà khoa học và các phòng thí nghiệm của một số nước trên thế giới để gửi các mẫu tại Việt Nam sang nước ngoài phân tích. Năm 1995, phòng phân tích dioxin của Trung tâm Nhiệt đới Việt – Nga đi vào hoạt động. Phòng thí nghiệm này đảm nhiệm hầu hết các phân tích, xác định độ tồn lưu của dioxin trong môi trường. Trong năm 1995, Việt Nam phân tích được 17 đồng loại độc của dioxin và furan bằng phương pháp sắc ký khí/ khối phổ (GC/MS).
Một khu vực ô nhiễm trong sân bay Biên Hòa
Mối nguy hại của chất da cam/dioxin và các chất độc tồn lưu sau chiến tranh với con người và môi trường là rất lớn. Khu vực sân bay Đà Nẵng có mức độ dioxin trong đất, lớp trầm tích trong nước và trong cơ thể loài cá ở cao gấp 300-400 lần mức giới hạn cho phép của quốc tế. Các thử nghiệm ở sữa mẹ và mẫu máu của những người trước đây đã từng sống gần khu vực này, từng trồng sen và ăn cá ở hồ sen có làm lượng dioxin trong cơ thể ở mức cao nhất, hơn 100 lần mức giới hạn cho phép của quốc tế. Các dự án về điều tra, đánh giá sự tồn lưu chất da cam/dioxin, các giải pháp giảm thiểu ô nhiễm và tẩy độc trong khu vực có điểm nóng đã được Bộ Quốc phòng triển khai nghiên cứu. Cụ thể là các dự án “Khắc phục hậu quả khu đất bị nhiễm chất diệt cỏ tại sân bay Biên Hòa” – Z1 (thực hiện từ năm 1995-1997), sân bay Đà Nẵng – Z2 (1997-1999), sân bay Phù Cát – Z3 (1999-2003). Ngoài những dự án trên, còn có một số các dự án điều tra, đánh giá mức độ ô nhiễm khác do Văn phòng Ban chỉ đạo 33 hợp tác với các tổ chức quốc tế như UNDP, quỹ Ford…
Theo các số liệu của quân đội Mỹ, có khoảng hơn 98 ngàn thùng phuy (loại 205 lít) chất da cam, 45 ngàn thùng chất trắng và 16 ngàn thùng chất xanh đã được lưu trữ và sử dụng tại Biên Hòa. Hơn 11 ngàn thùng chất diệt cỏ đã được vận chuyển từ Biên Hòa trong chiến dịch Pacer Ivy vào năm 1970. Trong sân bay có hệ thống ao hồ nhằm thoát nước khi có mưa to, phía nam khu nhiễm Z1 có mương thoát nước mưa từ sân bay đổ vào các ao hồ, ruộng trồng rau xung quanh. Từ các ao hồ, chất độc có thể theo nước mưa chảy qua cống vào hồ Biên Hùng 1, 2 rồi theo cống thoát nước chảy ra sông Đồng Nai. Bãi độc nằm tại phía nam sân bay gồm khu chứa, khu rửa phương tiện, khu để thùng chất độc sau khi sử dụng và khu đất hồ xung quanh khu nhiễm dioxin theo hướng lan tỏa. Do tác động của thiên nhiên và con người, khu ô nhiễm có nhiều thay đổi hiện trạng như bị phá bê tông, đào lấy phế liệu, chặt phá cây tạo dòng chảy xói mòn do mưa gió, có vùng đất xen kẽ với khu bê tông hóa. Trong dự án Z1, 54 mẫu đất đã được lấy tại 30 điểm theo địa hình và theo hướng lan tỏa của chất độc, 20 mẫu lấy trong tường bao và 10 mẫu lấy ngoài, mẫu lấy sâu nhất đến 1,2m. Kết quả phân tích cho thấy hàm lượng dioxin trong lớp đất từ 0 – 20cm, 30cm là rất lớn. Dioxin theo thời gian đã ngấm sâu vào đất đến độ sâu 1,2m. Do tính chất thổ nhưỡng nên dioxin có thể thấm sâu trong đất và rất dễ bị nước mưa mang đất có dioxin lan đi xa và lắng đọng tại chỗ trũng như ao hồ và ra sông. Nếu không có cách khắc phục, dioxin là một hiểm họa mà sự tàn phá sẽ vẫn tiếp diễn, từ thế hệ này sang thế hệ khác. Theo kế hoạch hành động của Nhóm Đối thoại Việt – Mỹ, kinh phí cho giai đoạn I (2010-2012) là 29,7 triệu USD, giai đoạn II (2013-2016) dự kiến sẽ là 50 triệu USD, giai đoạn III (2017-2019) sẽ là 18 triệu USD. Hy vọng những nỗ lực tẩy độc dioxin sẽ mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân tại những điểm nóng trong một ngày không xa.
Ngân An