Nhà tiền phong của hội họa Hậu Ấn tượng (Post-Impressionism) Vincent van Gogh sau khi lìa đời ở tuổi ba mươi bảy đã để lại cho đời hơn 2.100 tác phẩm các loại, từ những hoa hướng dương kỳ ảo cho đến các chân dung tự họa mẫu mực.
Nhiều kiệt tác của nhà hội họa Van Gogh cho đến hôm nay vẫn làm say mê người ham thích nghệ thuật khắp thế giới. Nhằm tôn vinh những di sản của Van Gogh, bảo tàng mỹ thuật mang tên ông ở Amsterdam đã kết hợp với thương hiệu sản phẩm trượt băng Vans ở Huntington Beach (California) tung ra thị trường một bộ sưu tập đa dạng về thời trang từ tranh Van Gogh, qua đó khách hàng của Vans có thể bày tỏ tình yêu của họ với bậc thầy hội họa Hà Lan.
Bắt đầu từ ngày 3-8-2018, bộ sưu tập thời trang mang tên Vans x Van Gogh Museum gồm có áo pull, áo khoác, nón bóng rổ, giày thể thao, giày đế mềm… đã đến với người tiêu dùng tại Mỹ và nhiều nước trên thế giới.
Các tác phẩm vẽ hoa được nhiều người biết đến như bức Hoa hướng dương (vẽ tại Arles 1889, hiện thuộc sưu tập Bảo tàng Van Gogh) và bức Hoa hạnh nở rộ (Arles và Saint-Rémy 1990, Bảo tàng Van Gogh) được in trên áo pull, áo khoác, balô và các loại giày.
- Xem thêm: “Van Gogh của thời đại chúng ta”
Không ai không biết đến những tranh tự họa được Van Gogh vẽ trong nhiều giai đoạn khác nhau của cuộc đời ông; vài bức trong số đó đã được Vans sử dụng. Rồi bức tranh phong cảnh Vườn nhỏ cũ với bà nông dân (Auvers-sur-Oise 1890, Bảo tàng Van Gogh), và cả bức Đầu lâu (Paris 1887, Bảo tàng Van Gogh) trong xê-ri tranh vẽ xương sọ người của nhà danh họa cũng được chọn in trên nhiều sản phẩm của Vans dịp này.
Khi bắt đầu nghiên cứu nghệ thuật hội họa, Van Gogh đã tập trung vào các nguyên lý màu sắc thông qua loạt tranh vẽ xương người, nhất là xương sọ, qua đó ông tìm cách diễn đạt bóng tối và ánh sáng theo cách riêng của ông.
Việc in bức Đầu lâu trên sản phẩm thời trang là một bất ngờ thú vị, cho thấy không cứ gì các tác phẩm nhiều sắc màu, hình ảnh “dễ coi” như tranh vẽ hoa hướng dương, hoa hạnh mới thích hợp với các loại trang phục trẻ. Ngay cả những bức thư ông gửi cho em trai Théo khi được in trên sản phẩm trông tựa như tác phẩm đồ họa. Để có được các mẫu thiết kế này, chuyên gia thiết kế của Vans đã chọn từ khoảng 700 bức thư Van Gogh gửi cho Théo để “nhặt” ra các đoạn thư cùng các minh họa trong thư.
Các nhà thiết kế của Công ty Vans còn đi xa hơn khi thể hiện được những chi tiết tinh tế từ nét cọ mạnh mẽ cũng như tuồng chữ đặc trưng của Van Gogh trên giày và áo pull. Mỗi sản phẩm của Vans khi đến tay khách hàng còn kèm theo thông tin cụ thể về các sự kiện lịch sử liên quan đến tác phẩm hay thư tín được in. Ông Adriaan Dönszelmann, Giám đốc điều hành Bảo tàng Van Gogh cho biết: “Chúng tôi hài lòng với bộ sưu tập thời trang Vans x Van Gogh Museum, bởi nó gắn với sứ mệnh của chúng tôi là làm cho cuộc đời và tác phẩm của Vincent van Gogh có thể đến với nhiều người nhất nhằm tạo cảm hứng và làm phong phú cuộc sống của họ.
Bằng cách kết hợp các kiệt tác của nhà danh họa với phong cách độc đáo của sản phẩm Công ty Vans, sự cộng tác này mang nghệ thuật của Van Gogh ra khỏi những bức tường của bảo tàng và đi vào thế giới, đến với những công chúng mới bên ngoài bảo tàng”.
Được biết, một phần lợi nhuận từ mỗi sản phẩm của Vans sẽ được hiến tặng Bảo tàng Van Gogh nhằm hỗ trợ việc bảo quản bộ sưu tập quý giá về cuộc đời và tác phẩm của nhà danh họa, giúp các di sản của ông sẽ tiếp tục đến với các thế hệ tương lai.
Trước đó, vào tháng 5-2018 một bộ sưu tập balô, vali kéo và túi xách dành cho dân du lịch đã được hãng Samsonite thực hiện với hình ảnh lấy từ bức Hoa hạnh nở rộ. Nhiều tác phẩm khác của Van Gogh như Đêm đầy sao, Hiên cà phê đêm, Phòng ngủ ở Arles, Nông dân đào khoai tây, Giấc ngủ trưa… cũng từng được Nautica và các thương hiệu thời trang tầm cỡ lớn sử dụng để thiết kế sản phẩm.
Và không riêng tranh Van Gogh, các tác phẩm bất tử của Claude Monet (tranh phong cảnh, tranh hoa súng), của Gustav Klimt (bức Nụ hôn và các danh tác khác), của Katsushika Hokusai (bức Sóng biển ngoài khơi Kanagawa), của Edvard Munch (bức Tiếng thét)… cùng tranh của nhiều tác giả hội họa hiện đại và cổ điển đã được không ít thương hiệu thời trang danh tiếng khai thác từ nhiều năm qua. Đúng như lời ông Dönszelmann, với cách làm này các kiệt tác nghệ thuật đã rời khỏi thế giới thâm nghiêm của các bảo tàng để đến với thế giới mở rộng của người tiêu dùng toàn cầu.