Kết nối hạ tầng công nghệ thông tin với các công trình xây dựng đô thị tạo ra những “đô thị thông minh”, sau một thời gian bị lãng quên nay đang được khởi động với việc Chính phủ tuần qua vừa phê duyệt đề án phát triển đô thị thông minh giai đoạn 2018-2025, định hướng đến năm 2030.
Điều này cho thấy ước mơ xây dựng các đô thị hiện đại ngang tầm thế giới đã có dấu hiệu khởi đầu tốt. Cụ thể đến năm 2020 xây dựng nền tảng cơ sở pháp lý phát triển đô thị thông minh, tiến hành công tác chuẩn bị đầu tư triển khai thí điểm ở cấp khu đô thị và đô thị. Đến năm 2025 thực hiện giai đoạn 1 thí điểm phát triển đô thị thông minh. Trong đó, tiến hành xây dựng, hoàn thiện hành lang pháp lý, các quy định quy phạm pháp luật trên cơ sở sơ kết, tổng kết việc thực hiện thí điểm phát triển đô thị thông minh tại Việt Nam.
Theo kế hoạch, đến năm 2030 sẽ hoàn thành thí điểm giai đoạn 1, từng bước triển khai nhân rộng theo lĩnh vực, khu vực, hình thành mạng lưới liên kết các đô thị thông minh, có khả năng lan tỏa. Cụ thể, hình thành các chuỗi đô thị thông minh khu vực phía bắc, miền Trung, phía nam và vùng Đồng bằng sông Cửu Long, lấy các thành phố Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ là hạt nhân, hình thành mạng lưới liên kết các đô thị thông minh.
Khái niệm đô thị thông minh ở Việt Nam vẫn còn khá mới mẻ. Có định nghĩa cho rằng, đó là một đô thị hiện đại với đầy đủ các tính năng và tiện nghi phục vụ cho nhu cầu của con người và công việc.
Tuy nhiên, ngoài vấn đề giao thông, điện, nước… thì hệ thống phát triển hạ tầng mạng truyền dẫn, kết nối thông tin theo xu hướng “kết nối thông minh” để giúp cho việc quản lý đô thị hiệu quả, đáp ứng được nhu cầu thiết yếu của người dân, đồng thời giúp cho đô thị có thể phát triển bền vững, tiết kiệm năng lượng… mới là yếu tố then chốt và nền tảng để làm nên một đô thị thông minh.
Bà Mrinalini Ingram, Giám đốc cấp cao về chiến lược và phát triển của Tập đoàn cung cấp thiết bị mạng hàng đầu thế giới Cisco cho rằng, nền tảng của một thành phố tương lai sẽ là mạng lưới và những thông tin được mạng truyền tải, cho phép tất cả các dịch vụ quan trọng, từ giao thông vận tải, an ninh, tới giải trí, đào tạo, y tế… được kết nối với nhau, trở nên thông minh và thân thiện với môi trường.
Cụ thể hơn, cơ sở hạ tầng đô thị bao gồm nhà cửa, văn phòng, xe hơi, các phương tiện giao thông công cộng, bệnh viện, trường học, năng lượng và các trang thiết bị đều được kết nối thông qua cơ sở hạ tầng mạng vô tuyến và hữu tuyến vào mạng internet. Và internet phát triển thành một “mạng lưới kết nối mọi thứ” chứ không còn chỉ bó hẹp ở máy tính và các thiết bị di động truyền thống nữa.
Các thành phố sử dụng mạng như là nền tảng để lập kế hoạch, xây dựng và quản lý các hoạt động thường nhật, sẽ nâng cao đáng kể hiệu suất trong mọi khía cạnh của cuộc sống cộng đồng, nhất là nâng cao năng suất làm việc của nhân viên, cải tiến năng lực và khả năng truy cập vào các dịch vụ công.
Theo đánh giá của Chính phủ, hiện cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã hình thành xu thế phát triển mới trong nhiều lĩnh vực, trong đó có đô thị thông minh. Đây là các khái niệm mới, cần được nghiên cứu thấu đáo, chỉ đạo thống nhất từ Trung ương tới địa phương, phù hợp với xu thế phát triển chung và điều kiện của Việt Nam để phát triển bền vững.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Xây dựng trong quá trình thực hiện chương trình này phải bảo đảm đầu tư thiết thực, hiệu quả, phù hợp với khả năng cân đối vốn và điều kiện của từng địa phương, tránh đầu tư theo phong trào, lãng phí, thất thoát.
Hiện Việt Nam có hai đô thị đặc biệt là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, 17 đô thị loại 1 và 25 đô thị loại 2, các đô thị này do Thủ tướng ra quyết định công nhận. Nước ta cũng có 42 đô thị loại 3 và 90 đô thị loại 4 do Bộ Xây dựng ra quyết định công nhận. Ngoài ra còn có đô thị loại 5 do UBND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ra quyết định công nhận. Khoảng 38% dân số Việt Nam sống ở đô thị.
- Xem thêm: Ba vấn đề thách thức về đất đai
Đô thị thông minh là chuyện của tương lai, trong khi đó đô thị đặc biệt là TP. Hồ Chí Minh đang đối diện với nhiều thách thức về hạ tầng giao thông vừa được Bộ Giao thông Vận tải đề nghị làm thêm đường, đảm bảo năng lực giao thông kết nối sau khi sân bay Tân Sơn Nhất được mở rộng với 25.000 tỉ đồng đầu tư.
Tại buổi làm việc với UBND TP. Hồ Chí Minh ngày 3-8, Bộ trưởng Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể cho biết Quân ủy Trung ương sẽ họp vào tuần sau về việc mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất, sau khi thống nhất các đơn vị sẽ bắt tay vào làm ngay.
Theo dự kiến, sân bay Tân Sơn Nhất sẽ được mở rộng 210 hécta về phía bắc (dịch vụ) và phía nam thêm 70-80 hécta (nhà ga). Sau khi mở rộng, lượng hành khách sẽ tăng lên rất nhiều, áp lực giao thông cũng rất lớn, ông Thể đề nghị TP. Hồ Chí Minh tính toán để phối hợp mở rộng và thêm các tuyến đường mới nhằm bảo đảm kết nối tốt, tránh ùn tắc.
Một nội dung khác cũng được bàn đến, đó là ngay từ bây giờ TP. Hồ Chí Minh cùng các đơn vị của Bộ phải tính đến việc kết nối giữa sân bay Tân Sơn Nhất và sân bay Long Thành (Đồng Nai) đã có vốn triển khai và hy vọng sẽ hoàn thành vào năm 2015, thậm chí có thể sớm hơn. Hiện nay đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh – Long Thành đang quá tải, nếu thêm sân bay Long Thành đi vào hoạt động thì đây không phải là vấn đề riêng của thành phố nữa mà là giao thông liên vùng cần được nghiên cứu kỹ.
Người đứng đầu Bộ Giao thông Vận tải cũng yêu cầu thành phố tính toán để sớm khép kín các tuyến đường Vành đai 2, 3 và triển khai đoạn tuyến Vành đai 4 trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh. Bởi các dự án này đã được quy hoạch, nghiên cứu từ rất lâu.
Theo ông Thể, giao thông là vấn đề sống còn đối với TP. Hồ Chí Minh. Một đô thị lớn như thế này thì tất cả các loại hình giao thông đều phải phát triển. Các đơn vị của Bộ không cần ôm khư khư, nếu thành phố quản lý tốt thì bàn giao để thành phố làm, kể cả hệ thống cảng cũng vậy, cần phải tính toán lại.
Bộ trưởng GTVT bày tỏ e ngại khi Hà Nội có nhiều hướng kết nối, cửa ngõ rộng. Còn TP. Hồ Chí Minh có hai tuyến cao tốc kết nối là Long Thành và Trung Lương nhưng đều đã quá tải. Các tuyến quốc lộ 1, 22, 50 nối với các tỉnh thành cũng trong tình trạng tương tự. Nếu không có hướng điều chỉnh tốt, xây dựng các trục đường mới mà chỉ dựa vào hệ thống hạ tầng đang có thì năm đến mười năm nữa giao thông thành phố sẽ kẹt cứng.
Về phía UBND TP. Hồ Chí Minh, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong cho biết vừa qua Ban chỉ đạo Chống khủng bố của thành phố đã họp và xác định sân bay Tân Sơn Nhất là khu vực phải bảo vệ trọng điểm. UBND thành phố yêu cầu Sở Giao thông Vận tải phải tập trung các giải pháp chống ùn tắc ở vị trí này. Thành phố sẽ cố gắng để làm các dự án kết nối sân bay Tân Sơn Nhất với bên ngoài.
Trước đó, báo cáo tại buổi làm việc, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Bùi Xuân Cường cho biết tiến độ triển khai các dự án hạ tầng giao thông theo quy hoạch trên địa bàn thành phố còn chậm. Nguyên nhân chính vẫn là thiếu vốn đầu tư và các dự án đã xác định nguồn vốn vẫn chậm hoàn thành do vướng mắc ở khâu phóng mặt bằng.