Cũng nổi tiếng không kém món tu hài nướng ở đảo Cát Bà, món sái sùng nướng, hoặc rang, hoặc khi đào lên còn tươi thì đem xào cũng làm người ta ăn một lần rồi nhớ mãi. Ngư dân ở miệt biển Cửa Ông, ở dốc Bồ Hòn, ở Vườn Đào (Quảng Ninh) còn gọi con sái sùng là con mồi. Trong từ điển Hán Việt, con sái sùng gọi là sa trùng (con sâu cát). Ngư dân miệt biển thích ăn sâu cát và nhắm rượu với sâu cát.
Quê gốc của loài sái sùng ở miệt Quan Lạn, Minh Châu thuộc huyện đảo Vân Hải. Một vài hòn đảo nhỏ ở huyện Cát Hải cùng rất nhiều sái sùng. Muốn bắt sái sùng phải đợi nước thuỷ triều xuống, khi đào phải nhanh tay như múa đũa mới bắt được loài sâu cát ấy.
Bữa ăn ngon của người dân biển là có đĩa sái sùng xào với tỏi tươi, với nước mắm Vạn Vân nổi tiếng. Mùi mắm, mùi mồi, mùi tỏi, ớt đã làm bao gã thuyền chài lên sống ở đất liền lại trở về với biển.
Con sái sùng có thể nướng ăn với mắm tỏi tương ớt. Cũng có thể phơi khô đem rang cho vào lọ như ruốc để cho trẻ con ăn với cơm.
Khi Tết đến, trời se lạnh, mưa ẩm ướt, thú vui nhất của người dân chài miệt biển phía đông bắc Quảng Ninh là nhóm than nướng sái sùng, bên cạnh là chai rượu quốc lủi, đĩa rau dấp cá, rau ngò, rau răm, rau thơm, đĩa tương ớt, muối tiêu, hoặc nước mắm Vạn Vân pha muối tiêu, vừa lai rai, vừa ôn lại những thành bại trong một năm làm ăn trên biển.
- Xem thêm: Vọp cù lao Dung