Vào một ngày cuối tháng 8, người bạn lái xe đưa chúng tôi đi dạo để ngắm cảnh đường phố của thủ đô nước Pháp, chúng tôi đã dừng chân tại một địa điểm khá nổi tiếng bên bờ sông Seine. Tại góc đại lộ New York và Place de l’Alma, gần đường hầm Alma chạy ở dưới có đặt một pho tượng được gọi là Ngọn lửa Tự do rất lớn. Từ đại lộ New York dẫn đến Place de l’Alma ở phía trên, phía dưới là đường hầm (để tránh đèn đỏ) nối tiếp đại lộ này, vị trí ngọn đuốc nằm trên đường có đường hầm.
Trong các tạp chí xuất bản tại Pháp gần đây cho biết vào năm 1986, Chính phủ Hoa Kỳ đã đề nghị với Pháp được xây một đài kỷ niệm nhỏ để ghi ơn nước Pháp đã giúp công việc bảo trì bức tượng Nữ thần Tự do, nhân dịp kỷ niệm 100 năm khánh thành bức tượng lịch sử đó. Pho tượng ở đây được tạo hình bằng một ngọn đuốc lửa cao 3,5m phỏng theo ngọn đuốc Nữ thần Tự do làm bằng đồng. Tác phẩm tái hiện đúng với kích thước ngọn đuốc trong tay tượng nữ thần đang đứng sừng sững tại cảng New York của nước Mỹ. Được biết, pho tượng này được làm tại bang New Jersey của Mỹ vào năm 1987, gởi sang Pháp bằng máy bay Air France và được khai trương tại đây vào 2 năm sau; năm 1989.
Ngọn lửa Tự do và Công nương Diana
8 năm sau khi tượng Ngọn lửa Tự do được đặt tại công trường này, nơi đây đã xảy ra sự kiện chấn động khắp châu Âu: ngày 31-8-1997 một tai nạn xe thảm khốc tại đường hầm Alma bên dưới đã làm sinh mệnh của “hoa hồng nước Anh” – Công nương Diana ra đi vĩnh viễn. Từ đó về sau, nhiều người đã gọi pho tượng này là Ngọn lửa Diana, và vị trí của ngọn đuốc đã trở thành nơi được nhiều người đến gài thơ văn, đặt hoa… để tưởng niệm vị công nương vắn số.
Dưới chân Ngọn lửa Tự do người ta đã đặt hình công nương Diana và dòng ghi chú bằng tiếng Anh: “Đây là bản sao Ngọn lửa Tự do, một biểu tượng của tình bằng hữu Pháp – Mỹ. Cũng tại nơi đây, công nương Diana đã qua đời trong một tai nạn xe hơi dưới đường hầm. 31-8-1997”.
Công nương Diana từng là vợ Thái tử Charles của Vương quốc Anh. Năm 1996, hai người ly dị sau khi đã có hai con trai William và Henry. Vào ngày 31-8-1997, Diana cùng tình nhân Dodi Fayed; con trai một tỉ phú Ai Cập, gặp tai nạn xe hơi tại hầm chui kế bên cầu Alma (Pont de l’Alma). Vụ tai nạn do xe chạy quá tốc độ khiến Diana, Fayed cùng tài xế Henri Paul, trưởng bộ phận an ninh khách sạn Ritz Paris thiệt mạng tại chỗ. Người duy nhất sống sót là Trevor Rees Jones; vệ sĩ riêng của cặp tình nhân.
Hiện nay, nhiều cư dân ở Pháp đã nói rằng, mặc dù không chính thức, nhưng nơi đây mặc nhiên đã trở thành nơi tưởng niệm nàng Diana xấu số! Ngày nay, du khách đến đây chắc ít người quan tâm tới lai lịch ngọn lửa mang biểu tượng của Tự do và tình Hữu nghị Mỹ – Pháp, phần lớn họ đến vì quan tâm tới câu chuyện nàng Công nương Diana. Chúng tôi đến đây vào những ngày cuối tháng 8, vì thế thấy có khá nhiều du khách và người dân Paris ghé đến để bày tỏ sự thương tiếc.
Xung quanh tượng đài, các cặp tình nhân cũng gắn lên đây những ổ khóa tình yêu và vứt chìa khóa xuống sông Seine, thể hiện ước nguyện bên nhau mãi mãi.
Khát vọng vươn đến Tự do
Tên tuổi của Công nương Diana được nhiều người biết tới kể từ năm cô 20 tuổi. Thời bấy giờ, đám cưới của Công nương Diana với Hoàng tử Charles đã tốn không biết bao giấy mực của báo giới. Kể cả sau đó, câu chuyện về cuộc hôn nhân không mấy hạnh phúc của 2 người cũng trở thành đề tài khiến nhiều người chú ý. Tuy nhiên, người phụ nữ này không chỉ nổi tiếng vì cuộc hôn nhân hoàng gia của mình, mà còn nổi tiếng vì phong cách trang nhã, lịch thiệp cùng với việc tích cực tham gia các hoạt động từ thiện. Do đó, cô đã trở thành một biểu tượng thời trang và nhân ái trên toàn cầu.
Diana Frances Spencer, sinh ngày 1-7-1961, trong một gia đình quý tộc Anh. Anh trai cô là Earl Spencer kể lại rằng Diana là một cô bé vô cùng dũng cảm. Cô được dạy học tại nhà cho đến 9 tuổi với gia sư riêng. Sau đó, được gửi tới Trường Công lập West Health. Năm 16 tuổi, cô rời Trường West Health, sau đó ghi tên vào Học viện Alpin Videmanette. Mặc dù không phải là học sinh giỏi, nhưng Diana lại nổi trội trong các hoạt động thể thao như bơi lội, lặn, khúc côn cầu.
Trước khi kết hôn, Diana từng thuê nhà ở chung với 3 người bạn gái khác. Cô cũng từng làm công việc trông trẻ bán thời gian tại quận Pimlico, London. Diana gặp hoàng tử Charles vào năm 1977 khi cô 16 tuổi. Lúc đó, hoàng tử đang hẹn hò với chị gái của Diana. Chuyện tình của họ chỉ nảy nở sau đó 3 năm khi Diana đến xem hoàng tử Charles chơi polo tại lâu đài Balmoral. Vào thời điểm đó, hoàng tử Charles phải chịu áp lực cưới vợ. Cuối cùng, ông đã cầu hôn Diana vào tháng 2-1981, chỉ sau vài lần hẹn hò, cô đã đồng ý.
Đám cưới sang trọng, đầy “cổ tích” của hai người thu hút sự chú ý của báo giới và dư luận khắp nơi. 750 triệu người trên thế giới đã theo dõi đám cưới qua truyền hình. Tuy nhiên, sau đó công nương Diana từng miêu tả đám cưới của mình như “một ngày tồi tệ nhất trong cuộc đời”. Sau tuần trăng mật, hai người trở về cung điện Kensington, London để sống. Đến mùa hè sau đó, Diana hạ sinh ra cậu con trai đầu lòng William Arthur Philip Louis. Hai năm sau, vào ngày 5-9-1984, cậu con trai thứ hai; Henry Charles Albert David (hay còn được gọi là Harry) chào đời.
Cặp đôi chính thức ly thân vào năm 1992. Công nương Diana đã có những chia sẻ công khai về mối tình tan vỡ của hai người và thẳng thắn nói về chồng mình, cùng với những khó khăn, trầm cảm mà bà đã trải qua. Đến năm 1996, thủ tục ly hôn của họ hoàn tất. Sau cuộc ly hôn, công nương Diana đã tránh xa dư luận một thời gian. Tuy nhiên, đến năm 1994, bà tiếp tục quay lại cuộc sống bình thường của mình. Trong và sau cuộc ly hôn, Diana đã trở thành một trong những người phụ nữ được chụp hình nhiều nhất thế giới. Bà cũng đi du lịch vòng quanh thế giới, gặp gỡ nhiều người nổi tiếng như mẹ Teresa, Nelson Mandela, Giáo hoàng John Paul II và ca sĩ Elton John, một người bạn thân của bà sau đó.
Công nương Diana từng hỗ trợ rất nhiều tổ chức từ thiện. Sau khi ly dị, bà đã quyết định ngừng khoảng 100 dự án để tập trung vào một vài cái quan trọng. Bà trở thành một người vận động tích cực cho các bệnh nhân AIDS. Báo chí lúc đó đã đăng những bức hình công Diana chụp ảnh với các bệnh nhân AIDS mà không cần đeo găng tay. Bà cũng từng là thành viên ban quản lý bệnh viện Royal Marsden, một cơ sở chuyên điều trị ung thư.
Sau khi mẹ mất, hai con bà là hoàng tử William và hoàng tử Harry nói về phong cách dạy con của mẹ mình là “không theo quy chuẩn nhưng đầy tình thương”, “Mẹ biết rằng có một cuộc sống thực bên ngoài bức tường cung điện”…
Ngày nay, Diana vẫn được mọi người nhớ đến vì những điều bà đã làm cho mọi người. Bà từng nói rằng “Mọi người nên làm điều tốt và đừng mong báo đáp, hay chờ mong một ngày ai đó sẽ làm lại điều ấy với bạn”.
Có ai đó đã nói rằng, cuộc đời của công nương Diana có đôi chỗ tương đồng với nữ hoàng Sisis của Áo vào cuối thế kỷ XIX: cả hai đều có khát vọng vươn đến Tự do. Họ không chịu an phận với những quy chuẩn có sẵn, phải chăng điều đó đối với vị công nương nước Anh như một định mệnh: bà đã được mọi người tưởng niệm từ Ngọn lửa Tự do trên đất Pháp!?
- Xem thêm: Thiên nhiên xinh đẹp ở miền Bắc xứ Wales