Nhạc Trịnh có khá nhiều tên ca khúc có chữ “ru” như: Ru đời đã mất, Lời mẹ ru, Ru em, Ru tình, Ru ta ngậm ngùi, Ru em từng ngón xuân nồng, Rơi lệ ru người. Đó chỉ là những bài tôi biết, vẫn còn nhiều bài “ru” khác nữa…
Khi tôi nhớ về mẹ, ngồi một mình, cầm cây đàn ghita thùng, đánh điệu valse, tôi ngân nga: “Lời mẹ ru đêm vang ngón tay hồng/ Ru con khôn lớn í a/ Con rồng, rồng tiên con ngủ cho yên/ Một đời ru con nên mắt ưu phiền/ Đôi khi cũng ưu phiền/ Con ngủ giấc hiền/ Mưa nhỏ ngoài đêm/ Lá đổ ngoài sân/ Để ru mẹ ngủ/ Rồi một mai kia con đã lớn khôn rồi/ Con thôi thơ ấu í a/ Mẹ rời thật mau/ mẹ rời chiêm bao/ Đời mẹ ru con bao lâu mỏi mòn/ Nên lâu cũng mỏi mòn/ Bây giờ mẹ nằm/ Lá đổ ngoài sân/ Để ru mẹ ngủ” (Lời mẹ ru). Nước mắt tôi nhạt nhòa theo câu hát, mẹ của tôi bây giờ ở một phương trời nào xa lắm!
Năm tháng còn độc thân, những đêm một mình với cuộc tình ngang trái, tôi rền rỉ: “…Ta biết em đêm đêm chờ đợi tiếng hát/ Ta biết em đêm đêm ru đời đã mất/ Nghe tiếng em run theo từng ngọn gió bấc sang mùa” (Ru đời đã mất).
Lòng tôi bâng khuâng, xót xa cho một cuộc tình vừa tan vỡ, buồn vì gian dối con người, nhưng nỗi buồn thật dịu dàng, không oán trách người mà lại ru người: “Ngủ đi em và ngủ đi em”.
- Xem thêm: Nhân ngày sinh của Trịnh Công Sơn 28-2
“Nếu thật hôm nào em bỏ đi/ Em bỏ đi sau lưng em còn con phố dài/ Những hàng cây loan tin nhau rồi im tiếng nói/ Quanh đây hoang vu tiếng cười…” (Rơi lệ ru người).
Trong chiều hôm đó, mắt tôi dòng lệ ứa. Ngậm ngùi thầm thì hát: “Môi nào hãy còn thơm/ Cho ta phơi cuộc tình/ Tóc nào hãy còn xanh/ Cho ta chút hồn nhiên/ Tim nào có bình yên/ Ta rêu rao đời mình/ Xin người hãy gọi tên…” (Ru ta ngậm ngùi).
Cái khao khát được nghe mẹ hát ru như ngày còn thơ bé biến thành cái khát khao được “Ru em khi tình nhớ/ Ru em tình lúc xa/ Ru cho bay lá nhỏ/ Rụng đầy một mùa thu/ Ru khi mùa mưa tới/ Ru em mãi yêu người/ Ru em hoài bé dại/ Một hồn thơm cây trái/ Ru em chờ em nói/ Trên môi tình thoát thai/ Ru em ngồi yên đấy/ Ru tình à a à ơi…” (Ru tình).
Dù đêm vắng một mình, vẫn ngồi ru em trong nỗi nhớ: “Ru từng ngọt bùi đã qua/Ru người lận đận héo khô/ Yêu em yêu thêm tình phụ/ Yêu em lòng chợt từ bi bất ngờ…” (Ru em).
Yêu em lòng trở nên từ bi thánh thiện quả là một điều cao thượng thú vị!
Có một lần, người bạn chủ quán cà phê tổ chức đêm nhạc tưởng niệm 10 năm ngày mất của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, muốn nhờ tôi đặt chủ đề cho đêm nhạc. Tôi không ngần ngại nói ngay: “Ru đời đi nhé!”. Hóa ra tôi và ông bạn đã rất thích ca khúc này.
Đêm đó, anh ấy ôm đàn hát rất hay: “Có khi mưa ngoài trời là giọt nước mắt em/ Đã nương theo vào đời/ Làm từng nỗi ưu phiền/ Ngoài phố mùa đông/ Đôi môi em là đốm lửa hồng/ Ru đời đi nhé!/ Cho ta nương… nhờ lúc thở than…” (Ru đời đi nhé!).
Lúc thở than, giá như được nghe em hát ru, để anh nương, để anh nhờ. Cái thấm thía tận cùng là nương nhờ lúc… thở than! Hay lắm!
Ru của Trịnh đã đi vào trong đời sống âm nhạc của tôi khá nhiều. Lời ru ai mà chẳng thích, vì nó êm ái nhẹ nhàng, cho nên người nhạc sĩ tài hoa ấy lúc nào cũng muốn để lại cho đời lời “Ru mãi ngàn năm từng ngón xuân nồng/…/ Còn lời ru mãi/ Vang vọng một trời/ Mùa xanh lá vội/ Ru em miệt mài/ Còn lời ru mãi/ Còn lời ru này/ Ngàn năm ru hoài/ Ngàn đời ru ai” (Ru em từng ngón xuân nồng).
Tôi vẫn còn hát mãi lời ru của Trịnh.
- Xem thêm: Thưởng ngoạn âm nhạc
Rửa bát hát và cười. Nhặt rau hát và cười. Hát gì? Câu hát Trịnh cứ tự nhiên bật ra. “Tôi là ai? Mà yêu quá đời này!”.
Tôi là ai? Là một người tuổi đã lục tuần, nhà chỉ có cô con gái lại theo chồng, bà thì đi làm nhà trẻ đến chiều tối mới về. Do vậy, tôi phải tự nấu bữa trưa, nhặt rau rửa bát, tâm tình với con chó Ky; nó nghe tôi vừa làm bếp vừa hát nhạc Trịnh liền vểnh tai chăm chú dẫu chẳng hiểu gì nhưng ngoan lắm!
Tôi là ai, là ai, là ai… mà yêu quá đời này
Câu hát ấy là một kỷ niệm khó quên với tôi cách đây chừng mười năm. Hồi đó tôi bị một chứng bệnh về đường ruột, bác sĩ cho rằng cần phải phẫu thuật, độ rủi ro 50%, có nghĩa là 5 ăn, 5 thua.
Lịch phẫu thuật đã xếp, trước khi tôi chuẩn bị lên bàn mổ, người bạn đến thăm tặng tôi một máy nghe nhạc MP3, bạn ấy đã tải một số nhạc Trịnh để tôi nghe cho vui trong khi chờ ngày lên bàn mổ. Tôi lo lắm!
May sao khi nghe bài hát “Tôi ơi đừng tuyệt vọng” đã giúp tôi có niềm tin, lạc quan hơn và không hiểu sao vào thời điểm đó tôi rất bình tĩnh, dũng cảm khi lên bàn mổ. Ca mổ thành công tốt đẹp. Các xét nghiệm hậu phẫu đều cho thấy kết quả rất tốt. Tôi vui mừng khôn xiết, như được sinh lại lần thứ hai.
Đương nhiên, tôi vượt qua được ca mổ là nhờ vào nhiều yếu tố; nhưng đối với tôi, câu hát Trịnh ấy thật vi diệu, cho tôi nhiều năng lượng nội lực.
Cái tôi lúc ấy thật mong manh, thật tuyệt vọng bên bờ sinh tử, nhưng câu hát cứ văng vẳng bên tai: “Đừng tuyệt vọng em ơi đừng tuyệt vọng/ Lá mùa thu rơi rụng giữa mùa đông/ Đừng tuyệt vọng em ơi đừng tuyệt vọng/ Em là tôi và tôi cũng là em/…/ Tôi là ai, là ai, là ai… mà yêu quá đời này”.
Tôi là ai? Cái tôi đó thật quen thuộc với chúng ta biết chừng nào, mà đồng thời cũng xa lạ vô cùng! Không có từ ngữ nào trong ngôn ngữ loài người lại ôm trọn sự bí mật bằng cái “Tôi” nhỏ bé kia. Dòng sông đến và đi nhưng bí mật về cái tôi vẫn chưa hề khám phá đến tận cùng gốc ngọn. Tôi là cái gì? Cái tôi đang chình ình ra đó, là cái rõ ràng nhất và cũng không chắc chắn nhất trong trong toàn vẹn tri thức của loài người.
Nhạc sĩ họ Trịnh viết ca khúc “Tôi ơi đừng tuyệt vọng” khi tuổi ông đã quá ngũ thập tri thiên mệnh; ông không giải thích câu hỏi “Tôi là ai” như những triết gia khác, mặc dù ông đã hốt nhiên bừng sáng ra được cái bản ngã, cái tôi hồi quang lấp lánh trong ông.
Nhưng ông vẫn khiêm tốn tự hỏi: “Tôi là ai mà yêu quá đời này!”, để cho chúng ta tự mình quay về với cái tôi đích thực, tự nhìn sâu vào bên trong, nhìn kỹ lại chính mình mà tư duy, mà trò chuyện để hiểu được cái tôi hồn nhiên nhưng dũng mãnh đầy lạc quan yêu đời ấy; khai mở cái tôi của những ai đang còn lún sâu chìm nổi trôi lăn dưới đáy bể khổ đau thương tuyệt vọng, tự họ biết cách ngoi lên khỏi mặt nước sự sống, tự họ biết tôi là ai để mà yêu quá đời này.
Tôi thầm tạ ơn nhạc sĩ họ Trịnh bằng cách viết vẽ trên đá và trên giấy khoảng gần 100 bức thư họa tên ca khúc của ông như: Hạ trắng, Mưa hồng, Nắng thủy tinh, Biết đâu nguồn cội, Đêm thấy ta là thác đổ, Dấu chân địa đàng… Tên mỗi ca khúc là hình bóng của người phụ nữ, đó là mẹ hay là em, những người phụ nữ mà ông trân trọng nhất, như là món quà dâng tặng ông.
Dù vị Ta-bà có ngọt, đắng, cay, tôi vẫn vừa rửa bát hát và cười; vừa nhặt rau hát và cười. Hát gì? “Tôi là ai, là ai, là ai… mà yêu quá đời này!”.