“Tự mình biết riêng mình
Và ta biết riêng ta…”
Có một thời kỳ Nguyễn Trung – một trong những họa sĩ vẽ tranh trừu tượng đầu tiên của Việt Nam- thường vẽ cá, hầu như bức tranh nào của anh cũng có cá. Không ít người yêu tranh Nguyễn Trung đã tìm cách giải thích và đưa ra nhiều lập luận thế này thế khác. Nhưng thật ra không ai nói được chính xác tại sao cá lại có mặt trong tranh của Nguyễn Trung, nếu không được nghe chính anh tâm sự về điều đó. Trịnh Công Sơn cũng thường nói, đừng bao giờ hỏi một họa sĩ về ý nghĩa của một tác phẩm được gọi là trừu tượng, bởi vì đó là những cảm xúc, đôi khi nhất thời, của người nghệ sĩ mà nhiều lúc chính họ cũng không thể giải thích một cách rõ ràng khúc chiết được.
Đừng nói là một bức tranh trừu tượng, mà ngay cả ca từ trong một ca khúc cũng thế. Chẳng hạn chỉ một câu: “Đôi khi một người dường như chờ đợi, thật ra đang ngồi thảnh thơi” trong nhạc phẩm Tự tình khúc của Trịnh Công Sơn cũng đã được rất nhiều người làm công việc “giải mã ca từ” đưa ra không biết bao nhiêu lời chú giải, đôi khi… trái ngược nhau hoàn toàn!
Sinh thời, nhạc sĩ thường kể câu chuyện mà anh rất tâm đắc về một người yêu thích nhạc Trịnh. Thời phong trào hát karaoke bắt đầu thịnh hành, có lần anh cùng vài người bạn đến một phòng karaoke và nghe một cô gái rất chân quê say sưa hát ca khúc Một cõi đi về. Sau khi cô hát xong, anh tò mò hỏi: “Em có vẻ thích ca khúc này, nhưng có hiểu được ý nghĩa của bài hát không?”. Cô thành thật trả lời: “Tuy rất thích bài hát này nhưng nếu bắt em giải thích thì… nửa chữ trong bài em cũng chẳng hiểu. Chỉ có điều mỗi khi hát lên thì em có cảm giác rất thú vị, không biết phải nói thế nào”.
Với Trịnh Công Sơn thì câu trả lời của cô gái rất hay, vì thưởng thức nghệ thuật là sự cảm nhận riêng của mỗi người, không cần thiết phải lý giải hay phân tích rạch ròi.
Trong ca khúc Ngẫu nhiên, Trịnh Công Sơn viết:
Hòn đá lăn trên đồi
Hòn đá rớt xuống cành mai
Rụng cánh hoa mai gầy
Chim chóc hót tiếng qua đời…
Nếu có ai hỏi tác giả muốn nói đến điều gì, thì tôi nghĩ có lẽ chàng nhạc sĩ của chúng ta sẽ tủm tỉm cười và khẽ nói:
Tự mình biết riêng mình
Và ta biết riêng ta…
Về mặt tình cảm, Trịnh Công Sơn luôn giữ quan điểm, gần như là một nguyên tắc, là “Người nào thương mình thì mình thương lại, còn ai ghét mình thì… thôi kệ.” Ngoài ra, tuổi tác không bao giờ là một khoảng cách giữa bạn bè. Anh thường nói đùa, tuổi lớn nhất của một con người là… 35, phần đời còn lại chỉ là thời gian để đúc kết kinh nghiệm trong cuộc sống của mình mà thôi.
Vì thế mà Trịnh Công Sơn có rất nhiều bạn đủ các lứa tuổi và thuộc mọi thành phần, chứ không chỉ giới hạn trong giới nghệ thuật. Thậm chí anh có nhiều người bạn rất thân thiết ở ngoài giới nghệ sĩ mà anh có thể ngồi hết giờ này qua giờ khác, hát cho họ nghe một ca khúc vừa viết xong và bàn luận với nhau đủ mọi thứ, chuyện đời thường nhiều hơn là chuyện nghệ thuật.
Tuy vậy, không phải với ai anh cũng sẵn sàng tâm sự những chuyện riêng tư. Vì thế mà nhiều người bạn lui tới với anh lâu năm nhưng chỉ có thể biết một phần nào, một mặt nào đó trong đời sống của anh mà thôi.
Do vậy mà sau khi anh qua đời, đã có nhiều người bạn – ngay cả những người nghĩ rằng mình quá thân thiết hoặc đã hiểu rõ Trịnh Công Sơn – vẫn còn không ít ngộ nhận khi nói hay viết về anh. Tôi nghĩ chẳng qua vì họ không phải là bạn tâm giao để có thể thấu rõ tường tận những chuyện riêng tư của anh.
Đừng nói đến những suy nghĩ về thời cuộc, về một quan điểm chính trị, hay về một nhân vật tiếng tăm nào đó cho xa xôi, chỉ nói đến hình bóng của những người đẹp từng là nguồn cảm hứng cho nhiều ca khúc, hay những người tình đã đi qua cuộc đời Trịnh Công Sơn, tức là những nhân vật hiện thực, vậy mà không phải người bạn nào của anh cũng biết rõ.
Có những người không mấy thân thiết với Trịnh Công Sơn đã viết về các đề tài này sau khi anh mất. Nếu ai đó viết không đúng, hoặc thêu dệt thêm đôi chút cho lãng mạn thì cũng là điều dễ hiểu.
Đáng tiếc là một số bạn bè từng giao du lâu năm với Trịnh Công Sơn mà vẫn đưa ra các nhận định không đúng về cách ứng xử của anh, thậm chí dựng lên những câu chuyện hoàn toàn sai lệch về Trịnh Công Sơn.
Trịnh Công Sơn sáng tác bằng những cảm xúc có được qua những gì xảy ra hằng ngày. Có thể nói anh là một chứng nhân của cuộc sống và ca khúc của anh chính là những điều được ghi chép lại.
Khi đến nhà một người bạn để cùng ngắm hoa quỳnh nở, anh nghĩ đến một người con gái tên Quỳnh Hương và thế là viết ngay ca khúc Quỳnh Hương. Hoa quỳnh chỉ nở về đêm và cuộc sống rất ngắn ngủi: Trong vườn trăng vừa khép những đóa mong manh. Như một chút tình em mang cho ta. Rồi thôi.
Ngồi trên bãi biển nghe tiếng sóng vỗ rì rào, nghĩ đến người bạn thân đang khổ tâm cố vượt qua những con sóng tình cảm, anh nhớ câu “Yết đế, yết đế, bala yết đế, bala tăng yết đế, bồ đề, tát bà ha” trong Tâm kinh Bát nhã và viết ca khúc Sóng về đâu. Hãy cố gắng vượt qua cơn sóng và biển sóng, biển sóng đừng xô tôi, đừng xô tôi ngã dưới chân người.
Anh đến chơi nhà một người bạn, nhìn thấy cô láng giềng xinh đẹp nhà bên cạnh và ca khúc Hoa xuân ca ra đời: Em mướt xanh như ngọc mà tôi có đâu ngờ.
Chiến tranh vừa cướp mất của anh một người bạn và anh trút nỗi buồn trong một ca khúc có liên quan đến cuộc chiến trên đất nước: Ôi chinh chiến đã mang đi bạn bè…
Có thể nói, hầu hết các ca khúc của Trịnh Công Sơn đều ra đời từ những cảm xúc bất chợt như thế, vì vậy mà trong tác phẩm của anh, chúng ta có thể bắt gặp đủ mọi thứ trên đời, từ bò, gà, chim chóc, gió mưa, lăng miếu, hàng quán, núi đồi đến giọt sương, ngọn lá, bình minh, hoàng hôn, buổi trưa, buổi chiều, buổi tối, cuộc sống, cái chết, bom đạn…
Cũng thế, sống trong thời chiến thì anh viết những suy nghĩ của anh về chiến tranh. Xúc cảm về một cơn mưa, một tia nắng ấm thì anh viết về điều đó. Và dĩ nhiên khi gặp gỡ những bóng hồng xinh đẹp thì anh để lại cho chúng ta những tình khúc lãng mạn, êm đềm.
Hình như chưa bao giờ Trịnh Công Sơn tưởng tượng ra một điều gì rồi sáng tác dựa theo sự tưởng tượng của mình. Có thể vì thế mà trong nhiều bài hát của anh có những ca từ hoặc hình ảnh hết sức trừu tượng anh bất chợt nghĩ ra, do vậy không thể căn cứ trên một yếu tố cụ thể nào đó để giải thích mà cho rằng tác giả đã cố ý sử dụng một từ ngữ để làm biểu tượng cho một điều gì muốn nói.
Họa sĩ Nguyễn Trung đã từng nhận xét về khả năng hội họa của Trịnh Công Sơn như sau: “Có thể nói Trịnh Công Sơn là một họa sĩ đích thực, vì anh được tự do. Nếu muốn diễn tả một suy nghĩ nào đó thì anh có thể dùng cây cọ đưa những ý tưởng đó lên khung vải một cách tự nhiên và dễ dàng dù anh không học về kỹ thuật hội họa, khác với những họa sĩ được đào tạo trường lớp, họ luôn luôn bị những nguyên tắc trường quy hạn chế sự tự do đó”.
Nguyễn Trung cũng đã có lần tâm sự: “Hồi đi học ở Trường Mỹ thuật, thầy giáo dạy rằng sáng tác phải được tự do. Ý tưởng bất chợt đến với mình, nên phóng bút một cách tự do, còn nếu phải dùng đến kỹ thuật để diễn tả thì có thể làm mất đi sự trung thực”.
Theo tôi, việc sáng tác âm nhạc đối với Trịnh Công Sơn có lẽ cũng chẳng khác gì trong lĩnh vực hội họa.
Cũng có người cho rằng tác phẩm của Trịnh Công Sơn chỉ là những ca khúc quá đơn giản, nhất là âm điệu chẳng có gì là cao siêu.
Thật vậy, âm nhạc của anh nhẹ nhàng, như khi chúng ta lắng nghe tiếng chim ríu rít ngoài cửa sổ, nghe tiếng xào xạc của lá cây và cảm thấy tâm hồn bình an thanh thản. Tuy nhiên không phải ai cũng làm được điều đó.
Đôi khi một người dường như chờ đợi, thật ra đang ngồi thảnh thơi: chúng ta hãy cùng lắng nghe và chia sẻ với những cảm xúc của người nghệ sĩ, mà không cần phải cất công phân tích nhiều quá làm gì.
– 18-2-2012