Nhân kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Nhật Bản – Việt Nam, một triển lãm quy mô lớn tranh katazome của nữ họa sĩ người Nhật Toba Mika được tổ chức tại Bảo tàng Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh (97 Phó Đức Chính, Q.1; từ 22-11 đến 15-12-2013).
Với tên gọi “Cảnh vật trong hoài niệm” (Sceneries remained forever in one’ soul), đây là triển lãm cá nhân thứ tư của Toba Mika tại Việt Nam và về đất Việt. Xem tranh Toba Mika ta thấy ngay đây là Huế với “Màu lam sẫm tuôn trào trong tinh sương, bao phủ cây cầu và dòng sông. Cố cung triều Nguyễn, chiến trường kháng chiến chống Pháp và chiến dịch Tết (Mậu Thân)… Cố cung không vua… Bao buổi sáng và bao thế hệ đã lặp lại quang cảnh này và một thời đại mới lại bắt đầu với dòng chảy của con sông”; đây là Mỹ Sơn: “Tôi đi quanh phế tích và tránh những hố bom. Trên đường về ánh sáng của ‘thượng đế từ bi’ ngời lên trong hoàng hôn…”; đây Hà Nội: “Đường tàu Bắc Nam đi giữa những dãy nhà, nhiều tiệm bày bán đồ gỗ và người ta đánh bóng chúng trên đường ray, dẹp đi khi tàu đến và lại bày ra khi tàu đã đi qua. Đường tàu là nơi chung sống của thành phố và người dân mà vô chủ… Mỗi cảnh đổi thay đều biến thành tranh… Những vùng khác nhau lung linh trong phố xa kỷ niệm…”(*). Xem tranh ta nhận ra ngay sự thân thương của vô số địa danh Việt Nam khác: chùa Hương và Châu Đốc, Sài Gòn và Đà Nẵng, Hội An và đâu đó nữa… Rồi ta nhận ra ngay tất cả cảnh này tình này trong những bức tranh này đều rất Nhật Bản, thậm chí Nhật đến chấp chới đường tơ cổ điển của những bậc thầy khắc gỗ màu như Hiroshige và Hokusai.
Họa sĩ là một nhà thơ trữ tình, tinh tế và không cường điệu nhưng người xem sẽ choáng ngợp vì sự hào phóng màu sắc, mạnh bạo bố cục và kích thước ngoại cỡ của tác phẩm. Các họa sĩ Việt Nam cũng rất ưa phong cảnh hữu tình nhưng quen với những gì nhỏ nhẹ, xót xa mà xa lạ với thẩm mỹ hoành tráng, đôi khi cưỡng bức, bi đát, nhức nhối của thiên nhiên, cảnh vật. Ta sẽ bất ngờ vì chưa có họa sĩ nào làm những bức tranh lụa, tranh giấy choán hết cả một bức tường nhà đồ sộ như vậy. Phải chăng Mika nối tiếp truyền thống tranh phong cảnh dán vách tường các đại sảnh lâu đài lộng lẫy của quê hương mình. Công chúng Việt Nam sẽ lần đầu được thấy cảnh vật xứ mình được vẽ to như thế, đồ sộ và chói chang hoặc u trầm đến thế!
Một phẩm chất Nhật 100% nữa trong tranh Toba Mika là kỹ thuật – chất liệu katazome. Đó là một nghề cổ truyền đã hơn 1.000 năm tuổi và hoàn toàn chỉ có ở Nhật, chưa từng được “xuất khẩu” truyền bá ra nước ngoài. Toba Mika đã sử dụng katazome từ rất sớm và trước khi tới Việt Nam bà đã là một nữ họa sĩ nổi danh ở Nhật với kỹ thuật này cùng các tác phẩm nhiều mô-típ cổ truyền chim thú, cây cỏ, hoa lá… từng mang lại cho tác giả gần 20 giải thưởng danh giá. Katazome tinh tế và phức tạp từ việc dùng vải, loại giấy trổ khuôn đặc biệt, các loại hồ dán, keo cản màu, kỹ thuật vẽ hình, can nét, trổ, tô màu, nhuộm, hấp… – một di sản thủ công tinh xảo đáng tự hào của người Nhật. Xuất phát từ truyền thống tác phẩm phải được làm ra – to be made – một cách kỳ công, điêu luyện, hoàn hảo… là một trào lưu thẩm mỹ tạo hình đương đại đi ngược con đường – ready made – làm nghệ thuật bằng những vật có sẵn xuất phát từ phương Tây.
Katazome có chút gì tế nhị, đỏng đảnh như khí hậu, thời tiết nóng ẩm Việt Nam! Họa sĩ mang những cái “đặc Nhật” ấy tới một miền đất lạ và dùng chúng để lột tả những gì là “đặc Việt Nam”. Sáng tác ở nước ngoài, về những cuộc sống khác trong các khung cảnh văn hóa khác là chuyện thường ngày, phổ biến thời nay, tuy nhiên sự thành công thì không như vậy, thậm chí nghiêm khắc mà nhìn thì rất hiếm hoi. Và vì sao có một ngoại lệ hiếm hoi ấy như trong trường hợp giáo sư – họa sĩ Toba Mika? Đó sẽ còn là một bí ẩn, cần có những sự nghiên cứu chuyên sâu dài hạn hơn.
Từ năm 1994, Việt Nam là một phần cuộc sống nghệ thuật của tác giả trong tư cách người trong cuộc nhiều hơn người quan sát. Không có những biểu trưng văn hóa du lịch hay dân tộc học, di sản văn hóa dễ dãi, nhàm chán. Họa sĩ không “Việt Nam hóa” ngôn ngữ và chủ đề của mình như nhiều “nghệ sĩ khách mời” khác. Tranh của bà hoàn toàn không có nhân vật mà đầy sự sinh hoạt, đầy sự kiện và nhịp thở cuộc sống. Cảnh vật trở thành lát cắt chớp nhoáng, ngưng đọng của hiện thực đang biến đổi ào ào, đôi khi tàn bạo, ngột ngạt như cơn dông, như hoang mang hoàng hôn và bóng trăng, như chợt chớp mắt ngủ trưa uể oải và khoan khoái, như tiếng chim lảnh lót khát khao vút lên từ những cái lồng tỉa tót và trống rỗng… Toba Mika không mang một thứ ngôn ngữ nghệ thuật có sẵn để kể về những đề tài mới mà nghệ thuật của họa sĩ thay đổi, lớn lên cùng “chủ đề mới” làm nên một “giai đoạn Việt Nam” trong tiểu sử nghệ thuật Toba Mika. Hẳn khi nhìn ngắm và vẽ “hiện thực biến đổi” bên cây cầu biên giới, những khu ổ chuột khổng lồ trên kênh rạch, những “mê cung’” 36 phố phường Hà Nội, dòng sông Hương, núi chùa Hương, tháp Mỹ Sơn… là khi tác giả trầm tư vào trong lòng mình, lạc vào tâm sự của mình nhiều hơn và mong chạm vào cái thường hằng, bất biến của nhân tình mọi thời, mọi xứ sở, không riêng gì Nhật – Bản – Việt – Nam.
Và hôm nay rồi cũng sẽ thành cổ kính.
(*) Các trích dẫn dịch từ cuốn Toba Mika – Contemporary Art with katazome, Nara – Hà Nội 2010, các trang 28, 29, 56 và 36
Sinh ra và lớn lên tại tỉnh Aichi (với thủ phủ là thành phố Nagoya), Toba Mika theo học Đại học Kyoto và có bằng thạc sĩ nghệ thuật. Bà đã đem kỹ thuật nhuộm đặc trưng Nhật “katazome” vào thế giới hội họa và đã hình thành nghệ thuật đương đại mới bằng phương pháp nhuộm cổ truyền này.
Đến thăm Việt Nam năm 1994, kể từ đó phong cách nghệ thuật của Toba Mika đã biến chuyển mạnh mẽ. Những cảnh sắc đổi thay không ngừng ở xứ sở này đã trở thành chủ đề chính trong sáng tác của Toba Mika, giúp bà thực hiện nhiều tác phẩm có kích thước rất lớn. Năm 2003, bà đã có hai triển lãm đặc biệt tại Việt Nam và tại Nhật nhân kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt – Nhật. Năm 2005: triển lãm tại Hoàng thành Huế. Năm 2007: triển lãm “Phong cảnh Việt Nam nhìn từ xa” tại Bảo tàng Pola. Năm 2010, nhân kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội và 1.300 năm kinh đô Heijo – Nara: triển lãm được tổ chức tại đền Yakusiji ở Nara và tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam tại Hà Nội.
Họa sĩ Toba Mika hiện là giáo sư Đại học Nghệ thuật Kyoto Seika (Nhật) chuyên về katazome.
- Nguyễn Quân