The Wind Rises là tác phẩm điện ảnh mới nhất của cây cổ thụ làng hoạt hình Nhật Bản Hayao Miyazaki, và cũng có thể được xem là bộ phim cuối cùng của vị đạo diễn này. Khi The Wind Rises được ra mắt cũng là thời điểm Hayao tuyên bố ông sẽ nghỉ hưu, thông tin này khiến hàng triệu người hâm mộ trên khắp thế giới không khỏi nuối tiếc. Hayao là người đã tạo ra vô số tác phẩm hoạt hình kinh điển, gắn liền với tuổi thơ của biết bao con người không chỉ riêng ở nước Nhật, mà khắp thế giới như: My Neighbor Totoro, Princess Mononoke, Spirited Away, Howl’s Moving Castle, Ponyo; đặc biệt bộ phim Spirited Away là tác phẩm đầu tiên cũng là duy nhất cho đến nay của Nhật Bản giành được tượng vàng Oscar danh giá.
Hayao Miyazaki là độc nhất vô nhị, nhưng khi vị “lão làng” lừng lẫy này quyết định “treo kiếm” thì những ai có thể thay thế cương vị của ông đây? Tên tuổi của Studio Ghibli vẫn có tầm ảnh hưởng rất lớn và một lực lượng nghệ sĩ hùng hậu của hãng vẫn sẽ cố gắng tiếp tục phong cách hoạt hình truyền thống của ông. Bên cạnh đó cũng còn rất nhiều nhà làm phim hoạt hình ưu tú của Nhật luôn nỗ lực hết mình cho sự phát triển của ngành nghệ thuật này. Nhiều đạo diễn trẻ đang trên bước đường hoàn thiện mình để có thể trở thành một nhà “lãnh đạo” mới.
Trong số những gương mặt trẻ hiện nay, gây chú ý nhất có thể nhắc đến Goro Miyazaki, con trai cả của Hayao Miyazaki. Nếu như nói Goro sẽ kế thừa vai trò lãnh đạo của cha mình trong ngành hoạt hình Nhật Bản thì đây là một gánh vác quá to lớn đối với anh, khi khả năng của Goro chỉ mới được thể hiện qua hai tác phẩm chưa được đánh giá cao là Tales from Earthsea và From Up on Poppy Hill. Sau tác phẩm đầu tay Tales from the Earthsea, Goro đã gặp những lời phê bình thậm tệ tưởng chừng đã cắt đứt luôn sự nghiệp của mình. Nhưng đến From Up on Poppy Hill, anh đã cho thấy một nỗ lực đáng kể. Goro vẫn không ngừng học hỏi để có thể kế thừa sự nghiệp của cha tại Studio Ghibli. Nhưng mọi người có vẻ yên tâm và tin tưởng vào Hiromasa Yonebayashi nhiều hơn là Goro. Là một đạo diễn trẻ của Studio Ghibli, Hiromasa gây ấn tượng tốt đẹp với tác phẩm đầu tay The Secret World of Arrietty, đã đoạt giải Phim hoạt hình xuất sắc nhất tại Lễ trao giải Điện ảnh Hàn lâm Nhật Bản lần thứ 34.
Nhưng hoạt hình Nhật không chỉ có Studio Ghibli mới sản sinh ra những vị đạo diễn tài năng, những bộ phim xuất sắc. Từ năm 2000, đạo diễn Mamoru từng được xem là gương mặt sáng giá có thể thay thế cho Hayao, và Studio Ghibli đã từng mời Mamoru làm đạo diễn cho tác phẩm Howl’s Moving Castle. Tuy nhiên khi mọi thứ đã được chuẩn bị xong thì đột nhiên những nhân vật chủ chốt của hãng ngưng dự án, khiến Mamoru đắc tội với những đồng nghiệp đã cực khổ làm việc cho anh thời gian ấy không nhận được đồng xu cắc bạc nào. Mamoru thậm chí còn nghĩ rằng sự nghiệp của anh đã bị Studio Ghibli vùi dập, nhưng rồi Mamoru đã đứng lên và khẳng định mình qua ba tác phẩm hoạt hình vô cùng xuất sắc: The Girl Who Leapt Through Time, Summer Wars, Hai đứa con của chó sói (The Wolf Children Ame and Yuki). Cả ba tác phẩm này đều giành giải Phim hoạt hình xuất sắc nhất tại Lễ trao giải Điện ảnh Hàn lâm Nhật Bản lần thứ 30, 33 và 36. Cho nên khi Hayao Miyazaki tuyên bố nghỉ hưu, nhiều người yêu thích hoạt hình Nhật đã cho rằng Mamoru chính là người xứng đáng để thay thế vị trí của Hayao.
Ngoài Mamoru, còn rất nhiều khuôn mặt sáng giá khác như Makoto Shinkai gây chú ý với tác phẩm The Place Promised in Our Early Days, và trong năm 2013 bộ phim ngắn Garden of Words của Makoto cũng nhận được những lời phê bình tốt. Rồi đến Keiichi Hara với Summer Days with Coo,Sắc màu (Colorful); Mamoru Oshii với Ghost in the Shell, The Sky Crawlers (đề cử Sư tử vàng tại Liên hoan phim quốc tế Venice)…
Trong khuôn khổ Liên hoan phim Nhật Bản với chủ đề “Thổi làn gió mới! Phim truyện và hoạt hình Nhật Bản 2013” diễn ra từ ngày
15-11 đến 21-11-2013, khán giả Việt Nam sẽ có được cơ hội thưởng thức những tác phẩm hoạt hình xuất sắc của Nhật như Shinko và phép lạ nghìn năm, Sắc màu, Lá thư gửi đến Momo, Hai đứa con của chó sói, Cầu vồng đom đóm.
Dương Thanh Vân