Đàm phán giữa cha mẹ và con cái làm kinh nghiệm tuyệt vời đối với trẻ. Nếu cha mẹ không đàm phán với con, trẻ sẽ không học được cách giải quyết những xung đột một cách tích cực. Nếu cha mẹ không dạy trẻ hợp tác với mình, trẻ cũng sẽ không bao giờ học được cách hợp tác với người khác. Khi bạn đàm phán thành công với trẻ từ nhỏ thì đến lúc bước vào tuổi thiếu niên, những vấn đề khó khăn sẽ dễ dàng đàm phán hơn và có khả năng thành công cao hơn như lúc trẻ còn nhỏ.
Tầm quan trọng của đàm phán
Đàm phán là kỹ năng sống có giá trị và rất cần thiết. Nó không phải là đánh bại người khác mà cần có sự cảm thông, công bằng và thấu hiểu lẫn nhau, biết đặt mình ở vị trí của người khác. Kết quả đàm phán phải có được lợi ích của các bên liên quan. Tuy nhiên, việc đàm phán với con là một quá trình đầy thử thách, vì thế cha mẹ cần học cách kiểm soát những cảm xúc của mình. Một điều chúng ta biết khi quan sát các nhà đàm phán là khi cảm xúc tăng cao, các kỹ năng đàm phán sẽ mất hiệu lực dẫn đến kết quả ngoài ý muốn.
Nguyên tắc chung khi đàm phán
Trẻ sẽ có thêm sức mạnh, sự độc lập và tôn trọng khi được cha mẹ cho phép đàm phán. Những cách rèn khả năng đàm phán cho trẻ có thể là:
- Thông qua những thí dụ: Là một trong những cách hữu hiệu nhất để trẻ xem bạn thỏa thuận với mọi người. Hãy đưa trẻ đi cùng khi bạn mua sắm, để trẻ xem cách bạn thỏa thuận giá cả. Điều quan trọng là cho trẻ thấy càng nhiều càng tốt cuộc đàm phán tích cực càng tốt.
- Thông qua những kinh nghiệm: Hãy tạo ra những cơ hội thực hành kỹ năng đàm phán, chẳng hạn như bạn sẽ cho trẻ thêm tiền tiêu vặt nếu trẻ đưa ra lý do tại sao trẻ muốn, trẻ sẽ làm gì với số tiền đó và làm thế nào để bạn tin tưởng rằng trẻ sẽ dùng số tiền đó vào mục đích như trẻ nói.
- Thông qua những cách giải quyết vấn đề: Một cuộc đàm phán thành công trong mối quan hệ với người khác là đảm bảo lợi ích của các bên được đáp ứng ổn thỏa. Do vậy, hãy để trẻ thử giải quyết những khúc mắc với bạn bè và anh chị em của nó. Nếu trẻ làm được, bạn đừng quên khen ngợi trẻ.
- Thông qua sự tự tin: Yếu tố cần thiết của cuộc đàm phán thành công là luôn tin vào khả năng bản thân. Hãy khen ngợi trẻ khi nó giành được được thành tích tốt tại trường, trong các hoạt động thể thao. Có thể khi lớn lên trẻ sẽ không thể hiện niềm vui như lúc còn nhỏ nhưng nó sẽ âm thầm vui sướng vì đã làm bạn hài lòng.
- Thông qua những sai lầm: Ai cũng đều có thể phạm sai lầm và thất bại chỉ là một phần của quá trình học hỏi. Hãy khuyến khích trẻ tăng cường khả năng đàm phán của mình, đôi khi có thể sai lầm và không thành công nhưng dần dần trẻ sẽ rút kinh nghiệm để làm tốt hơn lần sau.
Hoặc đơn giản có thể bắt đầu bằng việc đàm phán về trang phục mặc đến trường, ăn món gì, phòng trẻ sẽ được sắp xếp như thế nào, trẻ sẽ làm những việc vặt gì… Trẻ được quyền đàm phán sẽ hiểu rằng các quan điểm, cảm xúc và lợi ích của mình đều được mọi người quan tâm và tôn trọng. từ đó, trẻ sẽ đem sự quan tâm và tôn trọng đến các thành viên trong gia đình và người ngoài xã hội.