Vào tuần thứ hai của tháng 3, nhiều nơi trên thế giới đã bắt đầu chuyển sang “Giờ mùa hè”. Nếu bạn là người thường xuyên liên lạc với đối tác nước ngoài, hãy chú ý điều này.
Nếu bạn là người thường xuyên làm việc với đối tác ở Hoa Kỳ thì cụm từ “Daylight Saving Time” hay “Giờ mùa hè” hẳn không còn xa lạ. Vào khoảng tháng 3, khung giờ ở đất nước này (và một số đất nước phương Tây khác) sẽ được chỉnh nhanh hơn một khoảng thời gian (thường là 1 giờ).
Người đầu tiên đề xuất vấn đề này là tác giả người Anh William Willett trong bài viết có tên “The Waste of Daylight” (Việc lãng phí ánh sáng ban ngày). Tuy nhiên, đề xuất của ông liên tục bị chính phủ Anh bác bỏ. William Willett qua đời trước khi quy ước này được áp dụng.
Theo “Quy ước giờ mùa hè”, đồng hồ sẽ được chỉnh nhanh một khoảng thời gian nhằm tiết kiệm năng lượng chiếu sáng và sưởi ấm, tận dụng nhiều hơn ánh sáng mặt trời. Thời gian sử dụng “Quy ước giờ mùa hè” sẽ bắt đầu từ tuần thứ hai của tháng 3 và sẽ kết thúc trong tuần đầu tiên của tháng 11.
Trong khoảng thời gian này, đối tác có thể gửi cho bạn thông báo chuyển từ giờ thông thường sang “Giờ mùa hè”. Đi kèm với đó, bạn phải điều chỉnh lại đồng hồ GMT của mình lại một chút cho phù hợp với các đối tác ở nửa kia Trái đất (tránh trường hợp liên lạc với họ khi đã hết giờ làm việc).
Vào Thế chiến thứ nhất, Đức và Áo chính là những nước đầu tiên áp dụng quy ước “Giờ mùa hè”. Quy ước này đã giúp họ tiết kiệm năng lượng chiếu sáng và sưởi ấm một cách đáng kể. Sau đó một thời gian, các nước lân cận như Anh và Pháp cũng áp dụng quy ước thời gian này.
Tuy nhiên, quy ước “Giờ mùa hè” không được áp dụng một cách toàn diện tại tất cả mọi nơi. Thậm chí tại Mỹ, một số bang cũng không áp dụng quy ước này. Vì lý do đó, bạn nên hỏi đối tác nước ngoài của mình để có thể đưa ra điều chỉnh chính xác nhất.