Dù mục tiêu cơ bản của gói tín dụng này, theo lãnh đạo Bộ Xây dựng, là thúc đẩy tính thanh khoản, tham gia giải quyết nhu cầu nhà ở cho các đối tượng cán bộ, công chức, người thu nhập thấp… có khó khăn về nhà ở nhưng không đủ điều kiện tiếp cận nhà ở thương mại, nhưng nếu tiến độ giải ngân quá chậm thì chính sách cũng trở nên kém hiệu quả. Lâu nay, gói tín dụng này khi triển khai thường bị “ách” lại bởi vấn đề thu nhập của người vay mua nhà. Nếu chứng minh được thu nhập thấp đúng với điều kiện được cho vay thì người vay không đủ khả năng trả nợ cho ngân hàng nên bị từ chối cho vay, còn nếu thu nhập đủ cao có thể trả nợ cho ngân hàng thì lại không nằm trong diện được vay. Đại diện Bộ Xây dựng cho rằng đây là do cách hiểu và vận dụng chưa đúng các văn bản hướng dẫn của bộ này và Ngân hàng Nhà nước, nên sắp tới họ sẽ phối hợp với Ngân hàng Nhà nước nhằm kiểm tra và hướng dẫn để tháo gỡ vướng mắc trên.
Những hướng dẫn cụ thể về điều kiện, thủ tục đối với các nhóm đối tượng được vay gói hỗ trợ này. Theo đó, hai nhóm đối tượng mua nhà ở xã hội và mua nhà ở thương mại quy mô nhỏ, giá bán thấp là khác nhau. Đối với nhóm đối tượng vay để mua, thuê nhà ở xã hội được Chính phủ quy định rõ tại Điều 14 Nghị định số 188/2013/NĐ-CP, nếu là người lao động thu nhập thấp thì phải có thu nhập thường xuyên hằng tháng dưới mức phải đóng thuế thu nhập cá nhân. Các yêu cầu về thủ tục xác nhận hộ khẩu, tình trạng nhà ở, thu nhập… được thực hiện từ trước khi người dân ký hợp đồng mua bán với chủ đầu tư. Quy định này để tránh tình trạng người dân không thuộc đối tượng thu nhập thấp nhưng vẫn đăng ký mua nhà ở xã hội, vốn được hưởng nhiều ưu đãi của Nhà nước và thường có giá rẻ hơn nhà ở thương mại.
Đối với nhóm đối tượng người dân vay vốn mua nhà ở thương mại diện tích nhỏ, giá bán thấp (có quy mô dưới 70m2/căn, giá bán dưới 15 triệu đồng/m2 hoặc tổng giá trị hợp đồng kể cả nhà và đất dưới 1,05 tỉ đồng) thì điều kiện là chưa có nhà ở thuộc sở hữu của mình, hoặc có nhà ở nhưng diện tích quá chật chội; có hộ khẩu thường trú tại tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi có dự án nhà ở, đối với trường hợp tạm trú thì phải có đóng bảo hiểm xã hội từ một năm trở lên… Các trường hợp này chỉ cần cơ quan, đơn vị nơi công tác, hoặc chính quyền địa phương nơi cư trú xác nhận về tình trạng nhà ở, không phải xác nhận về tình trạng thu nhập, không phải chứng minh mức thu nhập có thuộc diện phải đóng thuế thu nhập cá nhân hay không. Như vậy, điều kiện vay vốn để mua nhà ở thương mại giá bán thấp dễ dàng hơn điều kiện vay để mua nhà ở xã hội do không phải chứng minh thu nhập, không khống chế mức thu nhập, người vay chỉ phải xác nhận tình trạng nhà ở.
Tính đến thời điểm cuối tháng 5-2015, theo thống kê từ Bộ Xây dựng, việc cho vay của gói hỗ trợ lãi suất 30 ngàn tỉ đồng đã thu được kết quả nhất định. Tổng số tiền cam kết cho vay đối với khách hàng là 14.161 tỉ đồng, tức là gần 50% tổng số tiền gói hỗ trợ. Ngoài ra, điều tích cực là tốc độ cam kết cho vay đã tăng mạnh trong những tháng cuối năm 2014 và năm tháng đầu năm 2015, nhất là từ sau khi có Nghị quyết số 61/NQ-CP. Theo báo cáo của các ngân hàng thương mại tham gia gói tín dụng, tại thời điểm 31-5-2015, số vốn vay đã cam kết cho khách hàng đã tăng đến 200,4% so với thời điểm 31-8-2014 (14.161 tỉ đồng so với 7.232 tỉ đồng), số hộ gia đình, cá nhân được cho vay vốn tăng đến 249,7% (18.062 cá nhân so với 7.232 cá nhân)…
Hy vọng rằng sau sự việc vào cuộc “nói lại cho rõ” của các ngành chức năng, gói tín dụng mang tính hỗ trợ thiết thực cho thị trường này sẽ nhanh chóng giải ngân hết, góp phần thúc đẩy thị trường phát triển và giúp người có thu nhập thấp nhanh chóng có cơ hội sở hữu nhà ở.
Hồng Thuận (DNSGCT)